Chiến tranh lạnh kiểu Mỹ - Trung

12/12/2018 - 06:25

PNO - Giới quan sát nhận định, chiến tranh lạnh đang quay lại và diễn biến sẽ phức tạp, khó đoán hơn rất nhiều chiến tranh lạnh của thế kỷ XX (1946-1989).

Chien tranh lanh kieu My - Trung
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chuyển sang thế chiến tranh lạnh với những giai đoạn kiềm chế không thể tách rời

Khởi xướng cuộc chiến tranh này chính là Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia có những mối quan hệ chằng chịt khó tách rời giữa hợp tác và đối đầu.

Những động thái đầu tiên 

Ngày 30/11, Tổng thống Bush cha qua đời. Ông là người lãnh đạo nước Mỹ bước ra khỏi chiến tranh lạnh kéo dài hơn 4 thập niên. Ngày 1/12, bà Mạnh Vãn Chu - CEO của Huawei bị bắt, đánh dấu chiến tranh lạnh quay trở lại với hình thức là cuộc chiến công nghệ. Ở đó, Tổng thống Mỹ Trump có thể phá hủy đế chế của một trong những tập đoàn công nghệ lớn (với 31 năm tồn tại, sản phẩm có mặt ở hơn 170 quốc gia) đang làm mưa làm gió không chỉ ở Trung Quốc mà trên toàn cầu.

Cuộc chiến nào cũng cần đồng minh, và Nhật đã thể hiện rõ ý chí của mình. Ngày 10/12, các bộ, ngành của chính phủ cùng lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) nhận được hướng dẫn cấm mua máy tính cá nhân, máy chủ và thiết bị công nghệ viễn thông do Huawei cũng như bất cứ doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nào cung cấp. Nguyên nhân đề cập trong lệnh cấm là vì lo ngại vấn đề bảo mật thông tin. 

Một số quốc gia khác cũng đã có thái độ rõ rệt với Huawei và hứa hẹn sẽ là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh lạnh lần này. Tập đoàn viễn thông BT (Anh) cho biết, từ năm 2016 họ bắt đầu loại bỏ dần thiết bị Huawei khỏi mạng lưới 3G và 4G của mình và sắp tới là 5G. Cuối tháng 11 vừa qua, tình báo New Zealand cũng cấm nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước này là Spark dùng hệ thống truy cập vô tuyến (RAN) có xuất xứ Huawei cho mạng lưới 5G.

Ngày 10/12, Trung Quốc đã cấm bán 7 dòng máy iPhone của hãng Apple. Động thái này đã được hợp lý hóa bằng phán quyết của một tòa án Trung Quốc xử lợi thế nghiêng về công ty sản xuất chip hàng đầu Qualcomm khi khởi kiện Apple đã vi phạm hai bằng sáng chế của Qualcomm. Việc mất đi thị trường gần 1,4 tỷ dân như Trung Quốc sẽ khiến Apple gặp ít nhiều khó khăn.

Chien tranh lanh kieu My - Trung
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu

“Sự cố” Huawei chỉ là phép thử

Bắt được bà Mạnh Vãn Chu với những cáo buộc sai phạm liên quan đến lệnh cấm vận với Iran là cơ hội để Mỹ “kiềm chân” Huawei đang tăng tốc mạnh mẽ. Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc thành lập từ năm 1987, đã vươn lên trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vào năm 2015, vượt qua một cách ngoạn mục hai đối thủ châu Âu là Ericsson và Nokia cũng như đối thủ trong khu vực châu Á là Samsung. Bắc Kinh đang dồn lực đầu tư cho kế hoạch “made in China 2025” nhằm hướng đến việc quốc gia châu Á này có thể cung cấp phần lớn những sản phẩm công nghệ cao, chất lượng ra toàn cầu. Điều này đe dọa thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ mà Mỹ đã giữ chặt bấy lâu nay. 

Mặc dù phía Trung Quốc liên tục thể hiện phản đối với việc Canada bắt bà Mạnh Vãn Chu, dẫn độ về Mỹ xét xử, cho đó là hành vi vi phạm nhân quyền thì cùng lúc ấy, họ vẫn có động thái cho thấy họ vẫn cần ngồi xuống với Mỹ. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sáng 11/12 đã có cuộc điện đàm xác nhận những bước tiếp theo nhằm giảm nhiệt cho chiến tranh thương mại giữa hai nước. Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung tại Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất “đình chiến” trong 90 ngày. 

Trong thời gian này, các bên sẽ tích cực trao đổi giải pháp và nếu sau 90 ngày không có kết quả mới mẻ nào, Mỹ sẽ có những đòn mạnh tay hơn với Trung Quốc. 

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, còn Trung Quốc thì muốn khẳng định vị thế của mình. Lịch sử thế giới hiện đại có một nguyên tắc thiết lập quan hệ kiểu mới, đó là các nước không để cho xung đột, đối đầu lên mức không kiểm soát được và luôn có cách xoay chuyển tình thế linh hoạt. Quan hệ Mỹ - Trung minh họa rất rõ cho nguyên tắc này. Nhiều chuyên gia nhận định, 90 ngày “đình chiến” không thể thay đổi điều gì nhưng đó vẫn là khoảng dừng cần thiết để hai bên giữ được đúng bản chất của chiến tranh lạnh với các giai đoạn: căng thẳng, hòa hoãn, đối đầu rồi sẽ đến hòa dịu trong vòng kiềm chế không thể tách rời nhưng mức độ phức tạp không ai đoán được. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI