Chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung nóng lên sau khi cuộc chiến thương mại tạm lắng

18/01/2020 - 14:00

PNO - Thỏa thuận thương mại giai đoạn một mới được Washington và Bắc Kinh ký kết, nhưng chiến tranh công nghệ giữa hai nước, một cuộc chiến song song, đang diễn ra với quy mô lớn sẽ là yếu tố xác định các chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáng chú ý, một khái niệm mới là “chủ nghĩa công nghệ dân tộc” đã mở ra một kỷ nguyên mới trong cuộc chiến giữa hai siêu cường.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng sản xuất trong nước đối với các linh kiện bán dẫn quan trọng, bao gồm chip và hệ thống điều khiển, lên 75% vào năm 2025 - Ảnh: Shutterstock
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng sản xuất trong nước đối với các linh kiện bán dẫn quan trọng, bao gồm chip và hệ thống điều khiển, lên 75% vào năm 2025 - Ảnh: Shutterstock

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông lưu ý, “hãy quên đi thỏa thuận giai đoạn một, vì một cuộc chiến công nghệ cay đắng giữa hai siêu cường sẽ làm lu mờ bất kỳ tiến triển nhỏ nào trong quan hệ Mỹ-Trung bắt nguồn từ thỏa thuận thương mại mới ký kết”. Tờ báo nhận định, thuế quan chỉ là “một tập hợp con” trong một cuộc đối đầu có hệ thống, bao trùm và lớn hơn nhiều giữa Bắc Kinh và Washington.

Alex Capri, cộng tác viên cao cấp của Đại học Quốc gia Singapore cho biết, thỏa thuận thương mại tập trung vào thuế quan thuộc một không gian hoàn toàn khác với cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, đây là hai vấn đề khác biệt và tồn tại song song. Ông đề cập đến “chủ nghĩa dân tộc công nghệ” và nhận định, đây là “một dòng mới của chủ nghĩa trọng thương (mại) liên kết đổi mới công nghệ trực tiếp với sự thịnh vượng kinh tế, ổn định xã hội và với các chính sách an ninh quốc gia”.

Ở vị trí nền móng của cuộc đua tranh này là các chất bán dẫn, nó cung cấp các vật liệu và mạch điện quan trọng cho vi mạch, “hệ thần kinh trung ương và bộ não bên trong tất cả các công nghệ thời đại mới”. Và trên mặt trận này, sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, và nó sẽ tác động đau thương đến toàn bộ ngành công nghệ và thay đổi bối cảnh kinh tế toàn cầu.

Báo cáo nhận định, thậm chí khi hai siêu cường có thể sửa chữa những căng thẳng thương mại đang diễn ra và thống nhất một loạt các thỏa thuận thương mại, thì vẫn không thoát khỏi tác động nhất định của chính sách dân tộc công nghệ. Ngay cả khi theo đuổi hiệp định thương mại với Trung Quốc, Mỹ vẫn tích cực cố gắng giảm hội nhập công nghệ với Trung Quốc.

Thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận giai đoạn một tại Nhà Trắng, thì Mỹ cũng vận động Anh cấm Huawei do “hạ tầng mang tính quốc gia nghiêm trọng” và xem xét kế hoạch đầu tư ít nhất 1,25 tỷ USD vào việc thay thế các nhà sản xuất phương Tây cho các nhà cung cấp thiết bị Trung Quốc Huawei và Trung Hưng (ZTE).

Mỹ đã sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để cấm các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ quan trọng cũng như các thiết bị thông minh của Mỹ, trong đó có 5G và Internet, sau khi mở rộng danh mục “hàng hóa sử dụng kép”, tức là một sản phẩm thương mại có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Chuyên gia phân tích Chris Rogers cho biết đó chính là nguyên nhân khiến cho thỏa thuận giai đoạn hai trong tương lai khó có thể được hai bên thống nhất.

Vấn đề là, Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào chất bán dẫn do nước ngoài sản xuất. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu nhiều chất bán dẫn hơn dầu mỏ, và “Trung Quốc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài khác để đáp ứng nhu cầu mạch tích hợp (IC) - Mỹ sở hữu 45% thị phần toàn cầu về chất bán dẫn, Hàn Quốc đứng thứ hai với 24% - nếu không có quyền tiếp cận các sản phẩm do nước ngoài sản xuất, các kế hoạch công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc sẽ hoàn toàn phá sản.

Báo cáo cũng cho biết, hơn 60% doanh thu của Qualcomm đến từ Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm 2018, đối với Micron là hơn 50%, đối với Broadcom khoảng 45%.

Chuyên gia Capri của Singapore nhận định, do các nhà sản xuất công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc chậm hơn hai đến ba thế hệ so với các đối thủ Mỹ, nên Trung Quốc sẽ là kẻ thua cuộc chính trong ngắn hạn, còn về lâu dài, thì “mọi người đều thua”.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm mọi cách để tự cung cấp công nghệ, họ bơm hàng chục tỷ đô la vào lĩnh vực công nghệ trong nước và tìm cách lôi kéo các nhà khoa học ở nước ngoài về giúp đỡ đại lục. Tuần này, ông Li Yizhong, cựu Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đề ra kế hoạch 75% tất cả các con chip sử dụng ở Trung Quốc được sản xuất trong nước. Theo ông Li, sản xuất trong nước hiện chỉ có thể đáp ứng khoảng một phần ba các linh kiện bán dẫn quan trọng nước này yêu cầu, mức này sẽ được nâng lên 40% vào năm 2020 và 75% vào năm 2025.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI