Khoanh vùng, truy vết vẫn là chìa khóa
Sau hai tuần thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND về giãn cách xã hội (theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ), cuối tuần qua, TP.Hà Nội tiếp tục quyết định kéo dài thời gian thực hiện thêm hai tuần, kết thúc vào ngày 23/8.
Quyết định này được đưa ra trên thực tế, số ca mắc tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao, có nhiều ngày ở mức “ba con số” (trên 100 ca nhiễm). Đáng lo ngại, có nhiều ca được phát hiện trong cộng đồng, nhiều bệnh nhân không xác định được nguồn lây.
Điển hình trong ngày 8/8, tính tới 12g trưa, Hà Nội ghi nhận 43 ca mắc mới, gồm 27 ca tại cộng đồng và 16 ca tại khu cách ly. Trong số các ca cộng đồng, có bốn trường hợp là người có triệu chứng ho, sốt, sau khi khám sàng lọc phát hiện dương tính. Các ca bệnh này đều không rõ nguồn lây và có nguy cơ cao lây nhiễm sang người thân và các trường hợp tiếp xúc gần.
|
Xét nghiệm sàng lọc cho tiểu thương tại chợ Long Biên, Hà Nội |
Không ít người dân bày tỏ sự băn khoăn, liệu trong đợt giãn cách thứ hai này, Hà Nội có chiến thuật gì để có thể “quét” được các F0 trong cộng đồng, khống chế được các ổ dịch để không phải tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND?
Liên quan vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết trong thời gian này, thành phố sẽ tập trung vào năm khu vực trọng điểm đã ghi nhận nhiều ổ dịch lớn như: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh. Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, điều tra, truy vết và phát hiện được các ổ dịch nhỏ lẻ trong cộng đồng, từ đó khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch lây lan rộng.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cũng cho rằng, chiến thuật “khoanh vùng, truy vết” hiện vẫn phù hợp và phát huy tác dụng với Hà Nội khi số ca nhiễm vẫn đang cơ bản nằm trong vùng kiểm soát.
Việc liên tục phát hiện những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, theo ông - đây là kết quả của việc Hà Nội triển khai sàng lọc với các trường hợp ho, sốt trên địa bàn, hoàn toàn miễn phí. “Mỗi ngày, Hà Nội xét nghiệm hơn 1.000 trường hợp có các biểu hiện ho, sốt, ớn lạnh… Chiến thuật này giúp sớm phát hiện các F0 để truy vết, dập ổ dịch kịp thời. Điển hình như ổ dịch tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga, từ những trường hợp nghi mắc đã phát hiện ra rất nhiều ca bệnh liên quan”, vị chuyên gia dịch tễ phân tích.
Tuy nhiên, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng lưu ý, Hà Nội phải tranh thủ khoảng thời gian vàng khi thực hiện giãn cách để “vét” các F0 đang “lẩn khuất” trong cộng đồng. Người dân cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 17 của UBND để tránh tiếp xúc cũng như phát tán vi-rút khi vô tình nhiễm bệnh. Nếu không làm nghiêm, chúng ta sẽ lại rơi vào tình huống như một số tỉnh, thành phố thời gian qua. Đó là thực hiện giãn cách nhưng vi-rút vẫn lây lan mạnh.
Cần gỡ nút thắt để người dân tự xét nghiệm tại nhà
Bên cạnh việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm sàng lọc ho, sốt, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để sớm khống chế dịch bệnh, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước nên có hướng dẫn để người dân mua và sử dụng các xét nghiệm nhanh đảm bảo
tiêu chuẩn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, phân tích để người dân triển khai xét nghiệm nhanh tại nhà mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, người dân chủ động theo dõi sức khỏe, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo khi thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng và tiết kiệm được nguồn lực của Nhà nước.
“Phương pháp này đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới và hoàn toàn không khó để người dân tự lấy mẫu. Khi có kết quả nghi ngờ, người dân sẽ chủ động liên hệ trung tâm y tế, tránh việc đi lại khám tại các bệnh viện, có khả năng phát tán vi-rút ra bên ngoài”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Trước đó, trong chuyến thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch tại Hà Nội vào ngày 4/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, công tác xét nghiệm đặc biệt quan trọng, Hà Nội cần đánh giá lại năng lực xét nghiệm từ máy móc đến việc cải tiến quy trình để nâng công suất, chủ động triển khai phần mềm để liên thông kết quả xét nghiệm của các đơn vị, huy động toàn bộ lực lượng bệnh viện tư nhân tham gia...
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu, việc cần làm ngay của Hà Nội là thực hiện xét nghiệm nhanh không dùng lực lượng nhân viên y tế mà hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu. Theo Phó thủ tướng, đây là việc rất đơn giản, người dân làm được, lực lượng y tế sẽ tập trung nhân lực cho nhiệm vụ chuyên môn chống dịch.
Mới đây, ngày 7/8, Bộ Y tế đã ra công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, trong đó đề nghị tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu/cụm công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, một đại diện Sở Y tế Hà Nội lại cho rằng, để triển khai việc này thì Bộ Y tế phải có hướng dẫn cụ thể như sử dụng loại kit nào tốt, đảm bảo chất lượng. Do đó, tới nay câu chuyện này vẫn chưa được giải quyết.
Huyền Anh