Một lần nữa, đội tuyển Việt Nam vào chung kết giải bóng đá khu vực Đông Nam Á, năm nay có tên chính thức là Asean Mitsubishi Electric Cup 2024. Tiền thân của nó là AFF Cup, giải đấu mà Việt Nam đã 2 lần vô địch năm 2008 và 2018.
|
Tuyển Việt Nam sẵn sàng cho màn chạm trán Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2024. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Lần đầu tiên vô địch năm 2008, Việt Nam đã hạ Thái Lan với tổng tỉ số 2 lượt trận là 3-2. Trong đó, lượt đi thắng Thái Lan 2-1 trên sân của họ nhờ sự tỏa sáng của Nguyễn Vũ Phong và Lê Công Vinh. Trận lượt về, Lê Công Vinh dập tắt hy vọng vô địch của Thái Lan bằng bàn thắng ở phút 90+4 sau khi Thái Lan dẫn bàn ở phút 21 nhờ công của Dangda.
Năm 2018, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang-seo, Việt Nam hạ Malaysia 1-0 ở trận chung kết lượt về bằng bàn thắng ở phút thứ 6 của Nguyễn Anh Đức, sau khi cầm hòa 2-2 trận lượt đi trên sân Malaysia.
Cả 2 lần AFF tiếp theo, Việt Nam đều bị Thái Lan đánh bại ở bán kết ở AFF Cup 2020 (đá năm 2021) và ở chung kết AFF 2022.
Đáng chú ý, trong thành phần đội tuyển Việt Nam tham dự ASEAN Cup năm nay có đến 11 cầu thủ đã từng tham dự cả AFF 2020 và AFF 2022 là: Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh, Vũ Văn Thanh, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Tiến Linh.
Ngoài Nguyễn Văn Toàn và Hồ Tấn Tài bị chấn thương nặng, chắc chắn sẽ không tham dự 2 trận chung kết, liệu 9 cầu thủ còn lại có thể phục thù bằng việc thắng Thái Lan khi được HLV Kim Sang-sik trao cơ hội hay không?
Đội tuyển Thái Lan năm nay không có đầy đủ những hảo thủ của họ vì các câu lạc bộ không chịu nhả người. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê các trận vòng bảng và 2 trận bán kết, Thái Lan không hề yếu. Họ đã ghi đến 22 bàn vào lưới đối thủ, chỉ chịu thủng lưới 6 bàn. Tuy Xuân Son đang ghi được 5 bàn nhưng Thái Lan cũng có Muanta và Gustavson ghi được 4 bàn, như Tiến Linh của Việt Nam.
Đáng chú ý là Thái Lan có đến 6 cầu thủ kiến tạo từ 2 lần trở lên cho đồng đội ghi bàn, trong khi đó Việt Nam chỉ có 3 cầu thủ. Điều đó chứng tỏ các cầu thủ Thái Lan phối hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả hơn Việt Nam ở phạm vi trong và gần vòng cấm.
Đội tuyển Việt Nam từ khi có Nguyễn Xuân Son tham gia thi đấu gần như đã giải quyết được khâu ghi bàn. Xuân Son không những ghi được 5 bàn thắng, đứng đầu danh sách vua phá lưới mà còn đứng đầu danh sách kiến tạo với 4 lần đưa bóng để đồng đội ghi bàn. Tuy nhiên, các cầu thủ tiền đạo Việt Nam từ Vĩ Hào, Hai Long, Ngọc Quang và kể cả Tiến Linh vẫn có tình huống không đưa được bóng vào lưới khi có cơ hội rõ rệt.
Hàng phòng ngự Việt Nam trong những trận đấu vừa qua vẫn chưa lấy được niềm tin của người hâm mộ. Họ vẫn có nhiều lần để mất bóng nguy hiểm hoặc phạm lỗi không đáng có. Thủ môn Đình Triệu tuy phản xạ tốt với nhiều pha cứu nguy, nhưng việc chống bóng bổng không được tự tin, anh thường phá bóng ra mà không dám bắt bóng. Các tình huống phá bóng ra ngoài như vậy rất dễ bị đấu thủ đá bồi - việc mà Thái Lan rất giỏi.
Các cầu thủ tiền vệ, tiền đạo Thái Lan là chuyên gia phối hợp chuyền bóng một chạm cho nhau ở trung lộ, trước mặt khung thành. Họ chớp nhoáng đưa bóng lên tấn công, nhẹ nhàng đón bắt bóng, rê bóng qua đối phương, và hoặc là tung ngay cú sút hoặc là kiến tạo thuận lợi để đồng đội ghi bàn. Các cầu thủ trung vệ Việt Nam sẽ khó khăn trong việc bảo vệ khung thành nếu mất khu vực giữa sân, thường chỉ có tiền vệ trụ Doãn Ngọc Tân.
Đội tuyển Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có hơn Thái Lan 1 ngày nghỉ, được thi đấu trên sân nhà với thời tiết quen thuộc. Hơn thế nữa, Thái Lan vừa trải qua 120 phút thi đấu bán kết nhọc nhằn với Philippines. Tuy nhiên, để biến lợi thế đó thành một trận thắng, HLV Kim Sang-sik cần phải có đấu pháp phù hợp để giải quyết những hạn chế kể trên của các học trò khi đấu thủ là đội tuyển Thái Lan, đã và đang “tranh hùng, xưng bá” trong khu vực với đội tuyển Việt Nam.
Đạt Nguyễn