Chiến thắng của truyền thông minh bạch

12/04/2017 - 09:58

PNO - Nhà báo David Fahrenthold của tờ Washington Post đã giành giải Pulitzer sau loạt bài tường thuật chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump.

Nhà báo David Fahrenthold của tờ Washington Post đã giành giải Pulitzer sau loạt bài tường thuật chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của tỷ phú Donald Trump.

Xuyên suốt loạt bài, nhà báo này đã vạch trần những khuất tất sau những lời hứa hão của người quyền lực nhất nước Mỹ này.

Chien thang cua  truyen thong minh bach
Nhà báo David Fahrenthold được đồng nghiệp chúc mừng - Ảnh: WAMU

Một trong những điểm nhà báo David Fahrenthold nhấn mạnh là tuyên bố của ứng cử viên Donald Trump, sẽ trích hàng triệu USD từ Quỹ Donald J. Trump hoặc tiền túi cá nhân để ủng hộ các nhóm cựu binh, các hoạt động từ thiện.

Nhà báo David đã âm thầm giám sát nhiều tháng liền, tiếp cận 450 quỹ từ thiện được cho là có liên hệ với ông Trump. Kết quả, David phát hiện những tuyên bố “mạnh miệng” trên truyền thông chỉ là “lời nói gió bay”.

David Fahrenthold còn vạch trần được sự thật là tỷ phú Trump đã không hề góp đồng nào cho Quỹ Donald J. Trump kể từ năm 2008 đến nay. Thay vào đó, ông ta chỉ cố khai thác nguồn đóng góp từ nhiều người khác, dù Quỹ Donald J. Trump chưa đăng ký xin phép kêu gọi hỗ trợ tài chính.

Theo luật áp dụng ở New York, quỹ này phải tạm ngưng nhận tiền quyên góp từ những cá nhân, tổ chức không thuộc về ông Trump. Loạt bài trên còn tố giác ông Trump đã dùng 258.000 USD từ quỹ trên để dàn xếp các vụ kiện cá nhân hoặc liên quan đến công việc kinh doanh. 

Đến nay, hồ sơ thuế cá nhân mà ông Trump từng hứa sẽ công khai cũng chìm dần vào quên lãng. Đây là một trong những điểm mấu chốt đảng Dân chủ đang xoáy vào, gọi đó là sự gian dối không thể chấp nhận.

Trong loạt bài phanh phui những góc khuất xuyên suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhà báo David Fahrenthold còn chỉ ra những lần ông Trump bình luận thô lỗ về phụ nữ mà truyền thông chưa từng nhắc đến. 

Lần này, nhà bình luận Peggy Noonan (thuộc đảng Cộng hòa) của tờ Wall Street Journal cũng đã nhận giải thưởng Pulitzer nhờ loạt bài bình luận chỉ trích chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Góc khuất xấu xí của Tổng thống Mỹ vô tình trở thành đề tài đắt giá cho báo chí khai thác. Sau khi ông Trump đắc cử, điều khiến nhiều người Mỹ lo lắng nhất là giá trị văn minh trong xã hội Mỹ liệu có bị lung lay? 

Ông Trump từng không ít lần thẳng thừng quát mắng cánh phóng viên, gọi họ là kẻ thù của người dân Mỹ, mà nguyên do, theo nhiều người là vì giới truyền thông đã không ưu ái ông.

Cây bút từng đoạt giải Pulitzer Leonard Pitts đã có bài bình luận phản biện vai trò của ông Trump, viết: “Thưa ngài Tổng thống, ở vị trí này, ông chính là người phục vụ nhân dân và ông có đến 324 triệu vị chủ”.

Theo Leonard Pitts, nếu ông Trump đủ tự tin lãnh đạo đất nước thành công, ông sẽ không ngại gì việc để giới truyền thông cung cấp cho mọi người những thông tin minh bạch, có đối chứng.

Cuộc chiến giữa Tổng thống Trump và truyền thông, theo nhận định của các nhà quan sát, là cuộc đối đầu để tìm lại bản sắc và giá trị của người Mỹ. Người Mỹ chưa bao giờ thấy một vị tổng thống sẵn sàng dùng những lời khó nghe bảo vệ quan điểm của mình và cũng không sẵn sàng khi chứng kiến người đứng đầu quốc gia có những điều không minh bạch phía sau những tuyên bố hùng hồn. Giải thưởng Pulitzer vì thế càng được ví là chiến thắng của truyền thông minh bạch. 

Chưa bao giờ người dân Mỹ lại hoang mang và không lường đoán được những nước cờ của nguyên thủ quốc gia như với ông Trump. ĐH Quinnipiac ở bang Connecticut, tháng Hai vừa qua, đã thực hiện một khảo sát cho thấy đến 52% người dân tin tưởng báo chí chứ không tin vị tổng thống đắc cử. Số người tin vào ông Trump chỉ chiếm hơn 37%. 

Nỗi lo mang tên Tổng thống Trump là thật sự hiện hữu, nên đã có một dự án củng cố niềm tin vào sự tử tế, thông qua hình thức tuyển tập những bài viết gửi gắm tình yêu, chuyển tải thông điệp vững tin vào cuộc sống. Dự án này có sự tham gia của 32 tác giả tên tuổi của Mỹ.

Tác giả người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt, từng nhận giải Pulitzer năm 2016, cũng có tên trong dự án. Tuyển tập này dự kiến ra mắt vào đầu tháng Năm tới. Nhà biên soạn Carolina De Robertis tiết lộ, đây là tập hợp tâm thư của những nhà văn gửi đến một đứa trẻ, một ai đó sẽ hiện hữu trong tuơng lai hoặc một người đã khuất… để khái quát góc nhìn đa dạng của những chiều kích không gian, thời gian khác biệt.

Sợi dây xuyên suốt tuyển tập là đi tìm lời giải đáp cho mỗi độc giả đang trong thời điểm cạn kiệt niềm tin. Đáng chú ý là kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016, hàng loạt đầu sách giúp an ủi, củng cố niềm tin về lý tưởng cuộc sống đã đồng loạt xuất hiện, cụ thể như Điều chúng ta sẽ làm: Đứng lên vì giá trị của bạn trong một nước Mỹ của Trump (NXB Melville House), Hướng dẫn sống sót qua thời Trump: Tất cả những gì cần biết để vượt qua điều bạn hy vọng không bao giờ xảy ra (NXB Dey Street Books)… 

Tổng thống Trump vẫn còn là ẩn số đối với người dân Mỹ và cả thế giới. Ông không cho thấy một hệ tư tưởng đồng bộ, thống nhất, mà lại là thuyết linh hoạt với những quyết định gây bất ngờ; kèm theo là cách thể hiện đánh thẳng vào những chuẩn mực văn minh, đạo đức. Không may, đó lại là nền tảng giá trị nhân văn người Mỹ 
theo đuổi. 

THIÊN NHƯ (Theo Washington Post, Huffington Post, Miami Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI