Chiến thắng cao nhất là tinh thần thi đấu

10/08/2016 - 16:13

PNO - Để đoạt được vé chính thức tranh tài ở Olympic, sự kiện thể thao bậc nhất hành tinh, không hề là chuyện dễ dàng. Thế nhưng, sau khi vượt qua “cửa ải” gian nan này.

Chien thang cao nhat la tinh than thi dau
Michael Phelps cùng đồng đội mừng chiến thắng trong nội dung tiếp xức 4*100m - Ảnh: Daily Mail

Để đoạt được vé chính thức tranh tài ở Olympic, sự kiện thể thao bậc nhất hành tinh, không hề là chuyện dễ dàng. Thế nhưng, sau khi vượt qua “cửa ải” gian nan này, nhiều ngôi sao thể thao lại tự đánh mất mình bằng thái độ ứng xử hoàn toàn xa lạ với tinh thần thể thao fair-play.

Tại Olympic 2016, thể thao Việt Nam đã mở ra một trang sử mới khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt huy chương vàng (HCV) ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Ngay sau khi Xuân Vinh kết thúc phát đạn cuối cùng, đối thủ của anh, VĐV nước chủ nhà Felipe Almeida Wu là người đầu tiên vỗ tay chúc mừng. Xuân Vinh cũng lập tức ôm choàng, bắt tay và chia sẻ niềm vui chiến thắng cùng Almeida Wu. Hình ảnh đó đã khiến người hâm mộ ấm lòng vì bản chất thể thao vốn là như thế. Tất cả các vận động viên (VĐV) dốc sức thi đấu không chỉ vì chiến thắng, vì vinh quang cho cá nhân và đất nước mình mà sâu xa hơn, họ chính là nguồn cảm hứng, truyền đến nhân loại thông điệp về vẻ đẹp hoàn hảo đến từ sự khỏe mạnh của cả thể chất lẫn tinh thần.

Thể thao luôn có những bất ngờ và cơ hội chia đều cho tất cả. Người hâm mộ quần vợt gọi trận thua của tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic (Serbia) trước Juan Martin del Potro (Argentina, hạng 141 thế giới) ngay tại vòng một Olympic là cú sốc “không tưởng”. Thế nhưng, nhìn cách Novak Djokovic đẫm nước mắt chào khán giả với tất cả sự trân trọng, nhiều người càng yêu mến anh hơn. Người hâm mộ cũng thắt lòng khi chứng kiến VĐV người Pháp Samir Ait Said chấn thương nặng sau cú nhảy chống môn thể dục dụng cụ, nhưng anh vẫn hướng mắt về khán đài, vẫy tay chào mọi người trong lúc được đưa lên cáng cấp cứu.

Chien thang cao nhat la tinh than thi dau
Samir Ait Said nằm trên cáng vẫn không quên vẫy tay chào khán giả - Ảnh: GETTY IMAGES

Nếu tinh thần thi đấu của hầu hết tuyển thủ góp phần làm nên một kỳ Olympic thành công, thì vài “con sâu” lại khiến cho Olympic hay quốc gia của VĐV ứng xử kém cỏi ấy bị vấy bẩn. Gây ồn ào và bị phản ứng nhiều nhất trong vài ngày đầu Olympic 2016 là “cậu bé ngổ ngáo” đến từ Trung Quốc - VĐV bơi lội Sun Yang (25 tuổi). Trước khi vào cuộc tranh tài 400m tự do nam với đối thủ nặng ký Mack Horton (Australia), Sun Yang bị tố là đã hất nước khiêu khích Mack lúc đối phương tập luyện. Sun Yang còn chế giễu hai VĐV bơi lội người Australia trước sự chứng kiến của nhiều người khi cùng nhau lên xe buýt về làng VĐV vài ngày trước.

Hành động “trẻ con” của Sun Yang không hề làm Mack e ngại. Mack chia sẻ với truyền thông rằng, anh không bận tâm đến kẻ gian lận - ám chỉ Sun Yang. Năm 2014, Sun Yang từng bị phát hiện dương tính với chất cấm, sau đó bị cấm thi đấu ba tháng. Đáng nói là một bộ phận người hâm mộ tại Trung Quốc lại tiếp tay cho hành động “háu đá” của Sun Yang. Họ “đổ bộ” lên các diễn đàn xã hội để công kích Mack, nhất là sau khi Mack thắng Sun, đoạt HCV cự ly 400m tự do. Đến lúc này, nhiều người nhớ lại, năm ngoái, khi đến Kazan (Nga) dự giải Vô địch bơi lội thế giới, Sun Yang từng bị tố hành hung nữ VĐV người Brazil Larissa Olivera, đá vào người một VĐV khác khi cả hai lời qua tiếng lại trong lúc khởi động.

Cũng là một kình ngư lừng danh nhưng Michael Phelps (Mỹ) lại thể hiện tinh thần cầu thị hơn hẳn Sun Yang. Ngày thi đấu thứ ba tại Olympic Rio 2016, hình ảnh Michael Phelps và đồng đội mừng chiến thắng đầy biểu cảm sau khi đoạt HCV bơi tiếp sức 4x100m tự do nam đã gây ấn tượng mạnh cho người hâm mộ. Đây là HCV thứ 19 của Phelps tại năm kỳ Olympic (tính cả kỳ này). Đáng quý là dù đã qua thời đỉnh cao phong độ (với tám HCV ở Olympic Bắc Kinh năm 2008) và từng tính tới chuyện giải nghệ nhưng cuối cùng Michael Phepls vẫn góp mặt cùng đội tuyển bơi lội Mỹ, vẫn là tay bơi nhanh thứ nhì trong đội hình tiếp sức đoạt HCV.

Thật ra, Sun Yang không phải VĐV Trung Quốc duy nhất tự bêu xấu trước bạn bè quốc tế. Tại Olympic London 2012, Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF) đã thẳng tay loại tám đôi VĐV nữ vì thái độ không nỗ lực giành chiến thắng. Cặp đấu “khơi mào” chính là Wang Xiaoli - Yu Yang (Trung Quốc), do biết mình chắc chắn vào tứ kết nên họ đã không thi đấu nghiêm túc. Tuy họ chỉ bị trọng tài nhắc nhở nhưng việc đó đã tạo tâm lý “so bì” cho các VĐV Hàn Quốc, Indonesia với mong muốn dàn xếp, tìm thuận lợi cho mình ở tứ kết. Cuối cùng, các cặp VĐV Trung Quốc, Indonesia và hai cặp Hàn Quốc đều bị loại. Dư luận chỉ trích đôi nữ Trung Quốc nặng nề vì cho rằng chính họ đã mở đầu cho hành vi “bẩn”.

Không bao giờ người yêu thể thao chấp nhận gian dối. Với họ, VĐV đã “nhúng chàm” thì phải chịu sự trừng phạt. VĐV người Nga Yulia Efi mova đã bật khóc khi về nhì nội dung bơi ếch 100m nữ, sau đối thủ người Mỹ Lilly King. Đó là giọt nước mắt tiếc nuối vì vuột mất HCV hay là sự giải tỏa sau những căng thẳng, áp lực trước sự la ó của khán giả trên khán đài? Đến phút chót, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) mới đồng ý cho Yulia Efi mova thi đấu vì trước đó, cô từng hai lần bị phát hiện dùng doping và kháng cáo thành công. Vì vậy, chiếc HCB của Yulia không được giới chuyên môn đánh giá cao, vì chưa hết hoài nghi Yulia có hoàn toàn “sạch” ở Olympic Rio hay không. Trước đó, đội tuyển 4x100m tự do tiếp sức nam của Nga cũng bị chế giễu khi giành được quyền dự Olympic vào phút chót, tương tự Yulia.

Thể thao luôn sòng phẳng và rõ ràng. Chính tinh thần cống hiến hết mình, hành xử fair-play mới xứng đáng được vinh danh.

Thiên Như (Theo Guardian, NDTV Sports, Reuters, NBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI