Tuy vất vả vẫn tự hào được làm vợ lính
Nắn nót từng nét chữ, cô học trò lớp Ba - con gái chị Đồng Thị Thanh Bình (quận 4) - viết thư gửi cho ba đang công tác ngoài đảo xa khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2021: “Con rất tự hào khi có ba đang làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương đất nước nơi đảo xa. Mẹ con cũng tham gia công tác phòng chống dịch. Ba yên tâm, con hứa sẽ thật ngoan để ba mẹ yên lòng”.
Đọc thư con viết, chị Bình không giấu được xúc động, hạnh phúc và chụp lại gửi cho chồng là anh Chu Tiến Kỳ - từng đóng quân ở đảo Cô Tô, hiện đang đóng quân ở đồn Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Chị Bình khoe, con gái năm nay mới 11 tuổi nhưng bản lĩnh và tự lập. Mỗi khi chị đi làm, con ở nhà tự nấu cơm và luôn trấn an “mẹ yên tâm, con tự chăm sóc bản thân được”.
Chị Bình hiện là Chủ tịch Hội LHPN phường 4, quận 4. Công tác hội nhiều khiến bà mẹ trẻ khá vất vả, nhất là khi không có chồng bên cạnh đỡ đần. Là vợ lính đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, chị luôn xác định phải đóng cả 2 vai, vừa là người cha vừa là người mẹ của con. “Lấy chồng là bộ đội, tôi luôn tự nhủ phải mạnh mẽ, vì chịu nhiều vất vả hơn những phụ nữ khác. Thế nhưng đêm hôm, con bệnh, một mình xoay xở, tôi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng lại nghĩ, chồng đang phải canh giữ biển trời trong đêm tối, tôi thấy thương anh nhiều hơn và thật tự hào được làm vợ lính”.
|
Các đại biểu tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ |
Làm công tác ở đảo xa, anh Chu Tiến Kỳ ít có thời gian và điều kiện về thăm nhà, nên mỗi buổi tối, sau giờ cơm, anh thường gọi điện về trò chuyện với vợ con, kể cho vợ nghe những công việc trong ngày và nghe con gái kể chuyện trường lớp, học hành, bạn bè. Để chồng yên tâm công tác, chị Bình ít khi nói về khó khăn trong công việc và cuộc sống, mà thường động viên những vất vả của chồng.
Cùng cảm xúc với chị Bình, đại tá Hoàng Minh Nghĩa - Chính ủy Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân - bùi ngùi: “Trên nhà giàn, trên những con tàu hay hải đảo xa xôi, những người lính chúng tôi đều có chung một nỗi nhớ nhà. Nhất là khi đêm đến hay nhận được tin vợ ốm, con đau, cảm xúc nhớ nhà lại trào lên. Chúng tôi rất lo lắng nhưng vẫn phải giữ vững tinh thần, làm tròn trách nhiệm của người con nước Việt, làm tròn trách nhiệm của người lính, trách nhiệm với biển đảo, với Tổ quốc”.
Yêu lắm thành phố nghĩa tình
Ngày 22/10, Hội LHPN TPHCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức chương trình “Lực lượng vũ trang đến với di tích, danh thắng và con người TPHCM” và họp mặt, giao lưu giữa cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu.
Tham gia chương trình có gần 100 đại biểu là cán bộ chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị thuộc Vùng 2, Vùng 4 và Vùng 5 Hải quân, Chi đội kiểm ngư số 2, tàu KN 290, Lữ đoàn 189 Hải quân, tàu ngầm 183 - TPHCM; Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng các tỉnh Bình Phước, Long An, Tây Ninh; cán bộ chiến sĩ tại Bộ Tư lệnh, Bộ đội biên phòng, Công an TPHCM; cán bộ, hội viên, phụ nữ và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố.
Đây là dịp các cán bộ chiến sĩ được tham quan, ngắm nhìn thành phố trên những chiếc xe buýt 2 tầng, tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Anh Võ Minh Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trung đoàn 251, Vùng 2 Hải quân - cho biết, anh có 32 năm tham gia công tác trên các chuyến tàu chở hàng đi xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm nhiệm vụ tại các điểm đảo. Mỗi lần được đến với TPHCM, thấy thành phố thay đổi và phát triển, anh rất vui và luôn dành nhiều tình cảm yêu thương với TPHCM - thành phố nghĩa tình.
Anh tâm sự: “Trong những năm qua, TPHCM đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác đến với các điểm đảo, thực hiện nhiều công trình ý nghĩa như hỗ trợ xây dựng thư viện, bệnh xá, chăm lo con em các lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa... Đón nhận tình cảm đó của TPHCM, mỗi người lính chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.
|
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà lưu niệm đến các đại biểu, chiến sĩ trong chương trình họp mặt |
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, chương trình “Lực lượng vũ trang đến với di tích, danh thắng và con người TPHCM” nhằm hưởng ứng đợt hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” của thành phố và cũng là dịp để giới thiệu đến cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang về các di tích, danh thắng và con người TPHCM, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình của nhân dân thành phố.
Bà Trần Thị Phương Hoa thông tin thêm, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN thành phố cùng với MTTQ và các đoàn thể, các đơn vị đã tích cực thực hiện công tác hậu phương quân đội, động viên các lực lượng nơi tuyến đầu làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, hội còn phối hợp cùng Bộ đội biên phòng thành phố thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với nhiều hoạt động ý nghĩa như xây nhà tình thương, tặng sinh kế, con giống, giếng nước sạch, nhà vệ sinh tự hoại, áo ấm… cho hội viên phụ nữ khó khăn vùng biên giới thuộc các tỉnh Gia Lai, Quảng Trị.
“Mỗi người có vị trí, nhiệm vụ khác nhau, nhưng với tình yêu quê hương đất nước, các chiến sĩ đã vượt lên bao khó khăn, gian khổ, ngày đêm làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho sự bình yên của Tổ quốc” - bà Trần Thị Phương Hoa phát biểu thay cho lời cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ.
Hơn 470 tỉ đồng cho hoạt động hướng về biển đảo quê hương Năm 2009, quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” được thành lập. Đến năm 2014, để một lần nữa khẳng định không chỉ có Trường Sa mà còn có Hoàng Sa và các đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam, quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” được đổi tên thành quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Từ năm 2013 đến 2024, thông qua chương trình, quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” đã tiếp nhận hơn 515 tỉ đồng và chi chăm lo hơn 470 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các đơn vị đã phối hợp tổ chức Ngày hội biên phòng toàn dân tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ; đi thăm, động viên và tặng quà 4.906 chiến sĩ và 29 đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới; thăm và tặng các công trình phục vụ huấn luyện và sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; tặng quà và hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng đang trú đóng tại các đảo, nhà giàn DK1/17, các hộ gia đình đang sinh sống tại các điểm đảo... với số tiền 41 tỉ đồng. Từ nay đến cuối năm 2024, hệ thống mặt trận TPHCM sẽ tiếp tục tuyên truyền về biên giới, biển đảo của Tổ quốc; tổ chức đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và nhà giàn DK1, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội… |
Thiên Ân