Vừa đặt ba-lô xuống đã tiếp nhận ngay F0
Sau khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhóm ba người của trung tá - bác sĩ Lê Thị Nga, Học viện Quân y thuộc Bộ Quốc phòng, được giao nhiệm vụ hình thành trạm y tế lưu động ở phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức. Đây là vùng đỏ COVID-19 với 36.000 công nhân ở trọ. Với 72.000 người, Bình Chiểu là một trong những phường đông dân nhất của TP. Thủ Đức.
|
Các cán bộ, y bác sĩ Học viện Quân y hỗ trợ miền Nam chống dịch COVID-19 |
Một nhân viên y tế của Trạm Y tế phường Bình Chiểu cho biết, trong khi những phường khác thường chỉ có từ 1 - 2 khu cách ly tập trung thì nơi đây đã từng có đến bốn khu cách ly tập trung dành cho những trường hợp tiếp xúc gần F1. Giờ đây, những điểm này chuyển sang tiếp nhận cách ly tạm thời những người vừa mới phát hiện mắc COVID-19 qua test nhanh, chờ xét nghiệm khẳng định để chuyển vào bệnh viện dã chiến.
Chưa kịp nghỉ ngơi nhiều, trưa 23/8, bác sĩ Lê Thị Nga và chiến sĩ Trần Văn Toàn, học viên năm thứ năm Học viện Quân y, dùng xe máy di chuyển từ Trạm Y tế phường Bình Chiểu đến Trường THCS Dương Văn Thì.
Đã vào cuối tháng Tám, nhưng bên trong ngôi trường không có chút dấu hiệu nào cho thấy một năm học mới sắp bắt đầu. Mọi thứ đã được sắp xếp lại để thành một khu cách ly tập trung cho F0. Những chiếc bàn học được đem ra để thành hàng dài, phân luồng di chuyển. Phòng giám thị là nơi làm việc của nhân viên y tế.
Một ngôi trường khác - Trường THPT Bình Chiểu sát bên cũng tương tự - đang là nơi cách ly tập trung cho người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
Ba nữ nhân viên của Trạm Y tế phường Bình Chiểu liên tục dọn dẹp, sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị đón những người mắc COVID-19 vào. Họ nói vui, đây là những khách VIP.
Hỏi sao không thấy bóng dáng người nam nào ở đây để dọn dẹp cùng, các chị cho biết nhân viên nam được sắp xếp vào tổ phản ứng nhanh COVID-19 - một nhiệm vụ nặng nhọc và nguy hiểm hơn các chị rất nhiều.
Bác sĩ Lê Thị Nga vừa mặc xong đồ bảo hộ thì chiếc xe 16 chỗ đỗ xịch trước cổng trường. Từ trên xe bước xuống khoảng 10 người. Tất cả đều ở trong cùng một dãy phòng trọ ở khu phố 1, phường Bình Chiểu. Chị H.T.Thu Nga, 26 tuổi, bế em bé năm tháng tuổi cho biết, dãy trọ có 10 phòng thì bốn phòng đều có người mắc COVID-19.
|
Trung tá - bác sĩ Lê Thị Nga, Học viện Quân y, tiếp nhận ca mắc COVID-19 tại phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức chiều 23/8 - Ảnh: H.H |
Bác sĩ Lê Thị Nga và học viên Trần Văn Toàn nhanh chóng khai thác các triệu chứng bệnh của những F0. Trong đó, người mẹ và em bé sáu tháng tuổi được bác sĩ Lê Thị Nga quan tâm đặc biệt hơn vì trông người mẹ khá lo lắng.
Sau khi nhóm bệnh nhân F0 đầu tiên đã được sắp xếp chỗ ở tạm thời, chờ xét nghiệm lại để đưa đi bệnh viện dã chiến, bác sĩ Lê Thị Nga mới kịp nghỉ ngơi đôi chút.
Nữ bác sĩ cho hay, nhóm chiến sĩ quân y sẽ hỗ trợ cùng TPHCM chống dịch trong những ngày tới và chắc chắn là cho đến khi nào khống chế được dịch bệnh. Tất cả đồng đội của chị đều vào thành phố bằng tinh thần xung phong ra trận, gánh vác trách nhiệm và sẵn sàng đối mặt hiểm nguy.
Nhóm của bác sĩ Lê Thị Nga trong khi chờ thực hiện sàng lọc, phân loại bệnh nhân F0, đã thực hiện tư vấn trực tuyến ngay trong sáng cùng ngày. Đó là cuộc gọi của người chồng 28 tuổi, nhờ bác sĩ tư vấn vì vợ anh mắc COVID-19 khi vừa sinh con được năm tuần. Vợ chồng anh là công nhân, sống trong phòng trọ ở phường Bình Chiểu.
Ca bệnh đầu tiên này khiến bác sĩ Lê Thị Nga rơm rớm nước mắt. Chị quyết định cho cả nhà được điều trị tại nhà vì nếu vào bệnh viện dã chiến, sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho cả hai mẹ con. Người chồng sau khi test nhanh vẫn là âm tính nên sẽ chăm sóc được cho cả nhà.
Sau khi dặn dò kỹ lưỡng người chồng cách chăm sóc vợ bị mắc COVID-19, từ pha nước muối súc họng, nấu cháo, chăm con để mẹ được nghỉ ngơi, bác sĩ Lê Thị Nga chủ động kết nối Zalo vào điện thoại để có thể gọi lại theo dõi tình hình mỗi ngày. Với những trường hợp khẩn cấp, các chiến sĩ quân y sẽ mang theo bình oxy đến tận nhà để cấp cứu bệnh nhân.
Cần thêm người cho trạm y tế lưu động
Trạm y tế lưu động của trung tá - bác sĩ Lê Thị Nga là một trong 274 trạm y tế lưu động được hình thành tại TPHCM ở thời điểm ngày 24/8. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM dự định sẽ thành lập khoảng 400 trạm y tế lưu động tại tất cả xã, phường.
TPHCM đang nhận được sự chi viện khoảng 1.000 người từ Học viện Quân y để hình thành trạm y tế lưu động. Mỗi trạm được trang bị tối thiểu hai bình oxy phục vụ tại chỗ; hai bình oxy nhỏ để mang đến nhà bệnh nhân; có dụng cụ giúp thở oxy, đo SpO2…
Ngoài nhiệm vụ khám và điều trị cho F0 điều trị tại nhà, nhân sự trạm y tế lưu động có thể tham gia lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin cho người dân. Với 1.000 người từ Học viện Quân y, nếu chia thành ba người một nhóm, cũng sẽ chỉ đủ cho 333 trạm y tế lưu động.
Một bác sĩ trong tổ phản ứng nhanh của phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức cho biết, đang rất mong chờ sự chi viện về con người và trang thiết bị y tế để kịp thời tiếp nhận và xử trí các ca F0 sẽ tăng lên với số lượng rất cao trong những ngày tới.
Một nhân viên y tế tham gia chống dịch cho hay, theo nhận định chủ quan của anh, xét nghiệm diện rộng từ ngày 23/8, số ca dương tính với COVID-19 ở cộng đồng có khi sẽ tăng gấp đôi. Vì lẽ đó, cần sự chi viện của thầy thuốc và trang thiết bị như bình oxy, máy đo SpO2, máy đo huyết áp, các túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà…
|
Chiến sĩ quân y ở trạm y tế lưu động đo kiểm tra huyết áp cho người mắc COVID-19 tại phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức trong ngày 23/8 - Ảnh: H.H. |
Nhân lực ngành y tế nhất là bác sĩ tại trạm y tế của TPHCM trước thời điểm bùng nổ dịch, luôn nằm ở con số ít ỏi. Thông thường, một trạm y tế sẽ chỉ có 1 - 2 bác sĩ. Tuy nhiên, với số lượng F0 dự báo sẽ tăng do thực hiện xét nghiệm, theo dự báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM, nhiều phường đã lên kế hoạch xin bổ sung nhân sự ít nhất từ hai bác sĩ và bốn điều dưỡng cho mỗi trạm y tế lưu động.
TPHCM dự tính các trạm y tế lưu động phối hợp với 312 tổ phản ứng nhanh để chăm sóc cho những F0 điều trị tại nhà. Thành phố chuẩn bị khoảng 100.000 túi thuốc cung cấp cho những F0 này, trong đó có thuốc điều trị COVID-19 Molnupiravir. Số lượng F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà tính đến ngày 24/8 là 41.955 người, trong đó có 21.093 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 20.862 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.969 người.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 23 và 24/8, việc xét nghiệm trên diện rộng phát hiện ra nhiều người dương tính đã khiến người dân không khỏi hoang mang. Chị N.N.D. (40 tuổi, phường Tân Quy, quận 7) cho biết, trước nhà chị đã phát hiện 20 ca COVID-19. Chiều tối 23/8, phát hiện thêm bảy ca ở sát nhà. Lo lắng bị nhiễm nên chị đóng cửa “cố thủ” suốt ngày trong nhà, nhưng chị e rằng sớm muộn gì mình cũng không tránh khỏi bị lây nhiễm.
Anh T.N.V. (28 tuổi, ở đường 14, phường Phước Bình, TP. Thủ Đức) cho biết con hẻm nhỏ nhà anh qua test nhanh sáng 24/8 phát hiện 20 người mắc COVID-19. Kết quả này khiến nhiều cư dân rất bất ngờ vì họ thường rất ít khi ra ngoài trong thời gian giãn cách xã hội.
Còn anh T.N.Q. (34 tuổi, ở hẻm 759/17, khu phố 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) kể, cách nhà khoảng 70m, có trường hợp tử vong khiến người dân trong hẻm rất lo lắng. Dù có nghe qua trạm y tế lưu động nhưng anh chưa thấy xuất hiện ở khu vực này.
Theo anh Q., nếu có sự xuất hiện của lực lượng y tế ở những hẻm đang có ca bệnh hay ca tử vong để xét nghiệm khám chữa bệnh, người dân sẽ an lòng hơn.
Trạm y tế lưu động trực cấp cứu 24/7
Trạm y tế lưu động sẽ được thành lập với nhân lực gồm một bác sĩ, hai điều dưỡng và từ hai, ba tình nguyện viên, đảm bảo hoạt động trực cấp cứu 24/7 để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Nhiệm vụ chính của trạm y tế lưu động là quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng; tổ chức xét nghiệm COVID-19, hướng dẫn người dân tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xử trí khi có kết quả dương tính; tổ chức tiêm chủng và quản lý danh sách tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn; hướng dẫn người dân tự chăm sóc tại nhà, tự phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, truyền thông tiêm chủng và thông tin các điểm cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, trạm y tế lưu động còn thực hiện khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh thông thường, bệnh mạn tính, thực hiện sơ cấp cứu và chuyển tuyến các bệnh thông thường. Dự kiến mỗi trạm y tế lưu động sẽ chăm sóc từ 50 - 100 người mắc COVID-19.
|
Hiếu Nguyễn