Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, để xây dựng chiến lược giáo dục, TPHCM cần đánh giá, phân tích hiện trạng, xu thế giáo dục của TP trong vòng 5, 10 năm qua để thấy được thành tựu, hạn chế, điểm mạnh, yếu, chỉ ra nguyên nhân, từ đó định ra các mục tiêu trong chiến lược với những nhiệm vụ giải pháp đi kèm.
Khi định hướng chiến lược giáo dục trong giai đoạn tới có một thông số rất quan trọng là dự báo được mật độ tăng dân số. Với TPHCM, ngoài tăng tự nhiên còn là dân nhập cư, cần tính toán được để có cơ sở khoa học. Từ dự báo về dân số cộng với hiện trạng, căn cứ vào đặc điểm tình hình của thành phố để đặt ra các mục tiêu cùng các nhiệm vụ giải pháp...
|
Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM cần vươn tầm khu vực |
Căn cứ vào các yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, giáo dục TPHCM phải vươn vai so với các thành phố khác khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc gợi ý, trong định hướng phát triển TPHCM có những điều rất hay, như xây dựng thành phố là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Chữ "nghĩa tình" là cái rất riêng biệt, thể hiện quan điểm phát triển giáo dục TPHCM. Trong mục tiêu tổng quát, TPHCM cần nêu rõ giáo dục thành phố sẽ đào tạo ra con người hình mẫu tương lai như thế nào phù hợp với hình mẫu xã hội tương lai, hệ thống giáo dục phải làm như thế nào để đáp ứng điều đó.
Cụ thể, với giáo dục mầm non, TPHCM cần đi đầu trong việc thí điểm phổ cập mầm non cho trẻ từ 3-4 tuổi. Việc trẻ mầm non được đến trường với TPHCM là rất cấp thiết.
Với giáo dục phổ thông, TPHCM có thuận lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cho phép thành phố thí điểm những mô hình mới. Trong dự thảo chiến lược giáo dục quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các mô hình mới. Do vậy, TPHCM cần phải nhấn mạnh điều này, đẩy mạnh giáo dục STEM, mạnh dạn với các mô hình mới.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ rõ, hiện sĩ số học sinh TPHCM quá cao. Việc giảm sĩ số lớp còn 30-35 em sẽ là điểm cốt lõi của giáo dục TPHCM. Toàn thành phố cố gắng phấn đấu được điều này sẽ là đột phá, do vậy cần hạ quyết tâm để thực hiện mục tiêu điều này.
"Các nhiệm vụ, giải pháp trong chiến lược phát triển giáo dục cần cụ thể trong điều kiện TPHCM, tính toán một cách sơ bộ về nguồn lực. Ví dụ, khi đặt ra mục tiêu giảm sĩ số lớp học còn 30-35 thì cần bao nhiêu phòng học nữa trên cơ sở dân số tăng, cần thêm bao nhiêu giáo viên nữa, bao nhiêu nguồn lực nữa. TP cũng cần đưa ra thêm mục tiêu cụ thể với việc phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để phù hợp với thực tế...".
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, mục đích cuối cùng là TPHCM phải có một hệ thống giáo dục toàn diện, có chất lượng cao về chuyên môn lẫn đào tạo con người. Như vậy không thể thiếu bất kỳ thành tố nào, từ giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục đại học, chuyên nghiệp, thường xuyên. Khi ban hành chiến lược giáo dục phải đảm bảo cân đối, đầy đủ, bao quát.
Ông lưu ý, các mục tiêu cụ thể trong chiến lược phải đảm bảo tính khả thi. Ngành giáo dục cần tính toán, dự trù các đề án, nhiệm vụ để triển khai, hiện thực hóa, đảm bảo hết giai đoạn 2030 những mục tiêu đặt ra phải đạt được. Nếu chỉ hô khẩu hiệu phải làm thế này, thế kia thì không có ý nghĩa, cuối năm 2030 nhìn lại hóa ra chỉ là tranh vẽ cho đẹp.
"Chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân hiện có những địa phương vượt xa, đạt đến trên 320 phòng học song có những địa phương lại chỉ trên 250, 270 phòng. Vì vậy, nếu tính bình quân trên toàn thành phố thì không đạt được mục tiêu, mà cần có kế hoạch kèm theo, cụ thể hóa thành phụ lục, danh mục đề án, nhiệm vụ và lên lộ trình, kèm theo đề xuất về nguồn lực, chính sách. Điều này đặt ra cho ngành giáo dục nhiều nhiệm vụ, bài toán mới. Sở GD-ĐT cần tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện, có lộ trình trình UBND TP có thể ban hành chiến lược giáo dục thành phố, khớp với lộ trình ban hành chiến lược giáo dục quốc gia" - Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức - đề nghị.
|
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% học sinh phổ thông thành phố thành thạo ngoại ngữ |
Phấn đấu đến năm 2030, 80% học sinh thành phố thông thạo ngoại ngữ Trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo sĩ số học sinh/lớp đạt từ 30-35 em; 100% trường tiểu học, 70% trường THCS học 2 buổi/ngày, từ 80% trường THPT dạy học 2 buổi/ngày; 30% trường đảm bảo đủ điều kiện tự chủ; 60% trường mầm non, 70% trường THCS, 50% THPT đạt chuẩn quốc gia; 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất 1 môn nghệ thuật/nhạc cụ và luyện tập ít nhất 1 môn thể thao; 80% học sinh phổ thông có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ, 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học chuẩn quốc tế... Đào tạo ra những con người đáp ứng với nơi "đầu sóng, ngọn gió" Tiến sĩ Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho rằng, để xây dựng chiến lược giáo dục, TPHCM cần đánh giá được bối cảnh là địa phương tiên phong, đi đầu, luôn tiếp cận sớm với những cái mới. Đánh giá được mục tiêu người dân thành phố trong vòng 10-20 năm tới sẽ là người như thế nào để đặt mục tiêu đáp ứng. "TPHCM là thành phố lớn, nơi "đầu sóng ngọn gió", vậy phải đào tạo ra con người như thế nào. Các chỉ tiêu về sức khỏe, ngoại ngữ, CNTT dứt khoát phải đưa ra cụ thể chứ đến đâu hay đến đó thì không ra chiến lược. Như vậy, TP phải đặt ra những chương trình cụ thể, tính toán trong vòng 10-20 năm nữa cần số lượng giáo viên như thế nào, đặt hàng đào tạo một cách bài bản, việc hướng nghiệp sẽ là công việc của các trường phổ thông" - tiến sĩ Huỳnh Công Minh phân tích. Ông đề xuất, TPHCM nên có chủ trương, chính sách giao đất xây trường rõ ràng sẽ là giải pháp đột phá để mở rộng trường lớp, trường tiên tiến hội nhập quốc tế. Tăng cường xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng trường, lớp. |
Quốc Trung