“Chiến lược” đăng ký nguyện vọng để nắm chắc cơ hội trúng tuyển

02/08/2022 - 06:19

PNO - Nhiều trường đại học đã công bố điểm sàn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh cần phân biệt sự khác nhau giữa điểm sàn với điểm chuẩn, đồng thời có “chiến lược” đăng ký nguyện vọng để nắm chắc cơ hội trúng tuyển ngành yêu thích.

Điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn

Nhiều trường tốp đầu đã bắt đầu công bố điểm sàn xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, trong đó mức điểm đưa ra cho nhiều ngành “hot” thấp hơn rất nhiều so với điểm chuẩn các năm trước đó.

Chẳng hạn, Trường đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa công bố điểm sàn là 20 cho tất cả ngành và tổ hợp. Năm 2021, điểm sàn của trường là 18-19 điểm, tuy nhiên, điểm chuẩn trúng tuyển cho một số ngành như Hàn Quốc học và Đông phương học lên đến 30 điểm, chênh tận... 11 điểm so với điểm sàn. Nhiều ngành chênh không đáng kể, còn lại đa phần các ngành đều có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn từ 2-9 điểm.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM - ẢNH: P.T.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghệ TPHCM - Ảnh: P.T.

Tại Trường ĐH Y Dược TPHCM, điểm sàn xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của các ngành từ 19-23 điểm. Trong đó, hai ngành có điểm nhận hồ sơ cao nhất ở mức 23 điểm (tổ hợp B00) là y khoa và răng - hàm - mặt. Năm 2021, điểm sàn của trường cũng vào khoảng 19-23 điểm. Tuy vậy, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đều từ 22-28,2 điểm. Riêng điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021 của ngành y khoa lên đến 28,2 điểm và răng - hàm - mặt là 27,4 điểm. Như vậy, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn đến hơn 5 điểm. 

Nhiều trường ĐH ở TPHCM (như Công nghệ thông tin, Công nghiệp, Công nghệ, Ngân hàng, Công nghiệp thực phẩm, Tài nguyên Môi trường, Kinh tế - Tài chính...) và ở Hà Nội (Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương...) đã công bố điểm sàn và đa phần đều thấp hơn điểm chuẩn các năm trước.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý: Thí sinh cần phân biệt điểm sàn chỉ là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để có thể đăng ký xét tuyển, còn điểm chuẩn là điểm tối thiểu cần đạt được để trúng tuyển. Đối với một số ngành ít người học, điểm chuẩn và điểm sàn có thể tương đương hoặc chênh không đáng kể. Còn lại đa phần điểm chuẩn đều cao hơn điểm sàn, đặc biệt với các ngành càng “hot” thì mức chênh giữa điểm sàn và điểm chuẩn càng cao. Do đó, thí sinh không nên căn cứ điểm sàn để đăng ký nguyện vọng (NV) mà chỉ xem đó là một trong những điều kiện cần để nộp hồ sơ. 

Đặt nguyện vọng theo ba nhóm

Theo thạc sĩ Phùng Quán, điểm mới của năm nay là thí sinh được đăng ký không giới hạn NV và có thời gian rất dài (từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 20/8) để cân nhắc, đăng ký và điều chỉnh NV lên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gần như thí sinh không phải lo chuyện không vào được ĐH mà chỉ cần lưu ý có “chiến lược” để vào được trường và ngành yêu thích. Đối với thí sinh đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và đúng với mong muốn của bản thân thì chỉ cần đăng ký NV lên cổng thông tin và đặt ở NV 1.

Còn đối với thí sinh muốn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lưu ý cần căn cứ vào phổ điểm thi chung, điểm trúng tuyển hai năm liền kề của ngành đó và điểm thi của bản thân để lựa chọn. Thí sinh cũng cần xác định đâu là NV yêu thích nhất để đặt lên đầu. Đơn giản nhất, thí sinh có thể thống kê các ngành học mình yêu thích ở các trường và liệt kê theo mức độ yêu thích, thứ tự điểm chuẩn từ cao nhất xuống thấp nhất rồi đăng ký lên cổng thông tin. 

Ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, khuyên thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng ngành, trường đăng ký, xem với mỗi phương thức trường dành bao nhiêu chỉ tiêu. Sau đó, xem xét lựa chọn ít nhất ba nhóm trường có chuẩn năng lực cao hơn, tương đương và thấp hơn năng lực bản thân. Đồng thời, suy xét kỹ về sở thích cá nhân, nhu cầu xã hội, các điều kiện trúng tuyển, chính sách hỗ trợ, điều kiện gia đình để sắp xếp NV từ cao xuống thấp. Qua đó, chọn NV cao nhất vào trường đáp ứng được các yêu cầu, sau đó đến các trường thấp hơn để dự phòng. 

“Những thí sinh có điểm thi bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn các năm trước, vẫn có thể mạnh dạn đăng ký xét tuyển. Nhưng để an toàn, thí sinh nên đặt thêm các NV có điểm chuẩn ở mức thấp hơn”, ông Tùng gợi ý. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI