Theo nhiều thẩm phán, những chứng cứ này giúp họ thấu hiểu hơn sự tình cuộc chung sống của các cặp vợ chồng, song cũng khiến họ… ngậm ngùi.
Nhật ký lỗi chăm con
Suốt hai tháng, kể từ ngày vợ tuyên bố “hẹn gặp tại tòa” rồi ôm con bỏ đi, ông N.Đ.H. (H.Hóc Môn, TP.HCM) đã mang ba-lô hồ sơ đi cầu cứu các cơ quan chức năng. Cuộc trò chuyện của ông luôn bắt đầu bằng hàng chục tấm ảnh trong hồ sơ, chụp con gái ông - đứa trẻ bốn tuổi - khi thì đang gào khóc với vết thương trên tay, lúc mặt mũi lem luốc ngồi vọc cát một mình…
Chỉ tay vào một tấm ảnh, ông H. chùng giọng: “Tôi nhớ rõ từng khoảnh khắc con gái phải gánh chịu sự đuểnh đoảng của vợ. Như tấm này là lúc vợ tôi đưa con sang hàng xóm chơi, chẳng biết thế nào, để con bé lộn nhào trong thùng nước. May là thùng cạn nước, con tôi chỉ bị trầy xước vùng má và tay”. Ông tiếp tục: “Còn tấm lem luốc kia là do vợ mải nấu ăn, bỏ con một mình ngoài ngõ. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu con tôi bị người lạ nhìn thấy”.
|
Ảnh minh họa |
Ông H. kết hôn năm 2013. Theo ông, chị L. - vợ ông - nhỏ hơn chồng 10 tuổi, nên tính tình trẻ con, ham chơi, vụng về. Ông không nhớ nổi bao nhiêu lần vợ quên nấu cơm do mải “tám chuyện” bên hàng xóm. “Nặng đô” hơn là từ lúc sinh con, chị L. đoảng đến mức hôm thì cho con uống sữa đang còn nóng, bữa không tắm cho con. Những chuyện lặt vặt thường xuyên diễn ra khiến cuộc sống trở nên nặng nề. Tháng 4/2018, chị L. gửi đơn ly hôn lên Tòa án nhân dân H.Hóc Môn, sau đó rút đơn. Ông H. đâm lo một ngày vợ tiếp tục… trẻ con, xin ly hôn rồi giành nuôi con, nên suốt năm tháng sau đó, ông lo… thu thập chứng cứ “lỗi chăm con” của vợ.
Sau khi vợ bỏ đi, song song chờ đợi phiên ly hôn, ông H. sợ chị L. không thể chăm con tốt nên tìm đến các cơ quan chức năng, mong đưa được con về cho mình. Mười ngày trước khi Tòa án nhân dân H.Hóc Môn tiến hành phiên hòa giải lần một, dù đau khổ trước nguy cơ hôn nhân tan vỡ, ông H. không giấu tự hào: “Với những chứng cứ này, tôi không tin tôi mất quyền nuôi con”.
Giữa pháp đình, tòa xử dựa trên chứng cứ; nhưng mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân vốn thuộc về khác biệt quan điểm, sự thiếu hòa hợp, bao dung trong ứng xử với nhau của những “cái tôi”. Chứng cứ không hẳn là nền tảng cho phán quyết của tòa. Chị không biết cách chăm con không có nghĩa đứa trẻ không nên sống cùng chị; anh là người nhiều lỗi lầm không có nghĩa anh hoàn toàn sai…
Lẽ thường, trong cuộc “luận tội” giữa các đương sự, những câu chuyện gây mâu thuẫn, xích mích giữa hai người nối nhau sống dậy, phơi bày trước tòa. Sai - đúng, tốt - xấu lẫn ước muốn hàn gắn hoặc phân ly đều dễ dàng được nhận diện. Tập hồ sơ “lỗi chăm con” của vợ liệu có giúp ông H. giành được quyền nuôi con, khi mà trong phiên hòa giải ấy, chị L. bật khóc: “Tôi chăm con chưa tốt, nhưng chồng không bao giờ có thiện chí giúp tôi. Hôm con bé té vào thùng nước, trong khi tôi lo sợ, lật đật đến đỡ con thì ông H. vừa quát tôi vừa… lăm lăm cái điện thoại ghi lại hình ảnh này”.
Càng nhiều chứng cứ, càng đổ vỡ
Không cam lòng chuyện chồng nộp đơn xin ly hôn, bà N.V.A. (Q.11, TP.HCM) bắt đầu “chiến dịch” tìm gặp những người từng quen, biết rõ cuộc chung sống của vợ chồng bà. Cuốn sổ bà mang theo bên mình mỗi ngày một dày thêm “bút tích” từ những người quen ấy. “Tôi biết vợ chồng A. từ hồi còn ở trọ tại đường Kênh Tân Hóa. Cuộc sống của họ lúc ấy rất khó khăn, nhưng A. rất thương chồng, đời nó không còn gì ngoài chồng con”. Dì Tám, hàng xóm cũ, ghi trong cuốn tập. “Dù chồng ngoại tình, con A. đau khổ, nhưng chưa bao giờ trách giận chồng. Có lần, người thân tính đi đánh ghen giùm, nhưng A. sợ lớn chuyện, không cho”. Cô Chín - cô ruột của chồng bà A. - viết…
|
Ảnh minh họa |
Bà A. không muốn ly hôn. Theo bà, cuốn tập sẽ là chứng cứ cho thấy bà bao dung, còn yêu thương chồng, từ đó có cơ hội hàn gắn hôn nhân. Không ngờ, cấp sơ thẩm lại tuyên cho vợ chồng bà ly hôn. Trong phiên phúc thẩm hồi cuối tháng Mười, cuốn tập lại là chứng cứ của bà về một người vợ nhẫn nhịn, níu kéo hôn nhân, bất chấp chồng từng phản bội. Nhưng tòa vẫn giữ nguyên phán quyết.
Người chồng ngậm ngùi nói, nếu tòa không cho ly hôn, ông cũng bỏ đi: “Biết tôi ngoại tình, dù nói tha thứ, nhưng vợ đi rêu rao khắp xóm, khiến tôi không còn dám nhìn ai. Thêm chuyện bả đi lấy ý kiến từng người tôi phản bội để “nâng tầm” bả lên, càng khiến tôi cay đắng, cảm giác bị bêu riếu tội lỗi”.
Khi đồng lòng chia tay, việc thu thập chứng cứ đều ít nhiều cần thiết. Thời gian chuẩn bị cho phiên tòa được xem là khoảng “thời gian vàng” để người muốn níu kéo tiến hành các giải pháp chứng minh cuộc hôn nhân có thể tiếp tục. Chung sống được hay không vốn là chuyện của hai người. Ngưỡng tan vỡ là dịp giúp người này thể hiện tinh thần hàn gắn, dựa trên đối đãi, bao dung, tình cảm với người kia.
Ông H. khẳng định không muốn ly hôn, song trong năm tháng, từ ngày vợ rút đơn lần đầu, ông vẫn đứng ngoài cuộc vất vả chăm con của vợ. Thời gian thu thập “bút tích” của bà A., nếu thay bằng những hành xử sao cho chồng “tỉnh ngộ”, cảm nhận được tha thứ thì mọi chuyện biết đâu sẽ khác. “Chăm chăm tìm chứng cứ để tòa thấy họ xứng đáng tiếp tục cuộc hôn nhân nhiều khi chỉ khiến đối phương bẽ bàng, càng muốn ra đi” - một thẩm phán cho biết.
Tuyết Dân