Chiến dịch 'giải cứu trái tim' cho Hala

06/09/2014 - 15:45

PNO - PN - Sinh ra với một khuyết tật ở tim khiến máu không thể đến mọi nơi trên cơ thể, Hala (hơn hai tuổi) vẫn sống nhưng chẳng ai biết khi nào cô bé sẽ thở hơi cuối cùng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không chỉ thế, cuộc chiến giữa Israel và phe Hamas ở Palestine càng khiến cuộc sống của Hala và gia đình thêm khó khăn. Họ phải rời bỏ nhà cửa để đến lánh nạn tại một trại tạm cư của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và thường xuyên sống trong những cơn mưa bom đạn từ các cuộc không kích của Israel.

“Bốn tuần trước, tôi còn không thấy tương lai nào cho gia đình mình chứ đừng nói gì tương lai của Hala”, Mahdeya Abdullah, người mẹ 30 tuổi của Hala nói. Lúc đó, công việc chiếm nhiều thời gian nhất trong ngày của Mahdeya là cầu nguyện: “Tôi luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo lúc nào đó trong đêm, khi thức dậy thấy con bé đã chết”. Chồng chị, anh Majid (32 tuổi) và ba người con lớn Saja (bốn tuổi), Mazen (sáu tuổi) và Waroud (12 tuổi) cũng có cùng nỗi lo.

Chien dich 'giai cuu trai tim' cho Hala

Trẻ em ở dải Gaza chết oan vì cuộc chiến dai dẳng tại đây

Cả nhà sống nhờ vật phẩm cứu trợ, chen chúc trong căn phòng tồi tàn làm bằng vật liệu dã chiến. Mọi thứ đều do LHQ cung cấp, kể cả việc học của Mazen và Waroud. Đó là điều duy nhất khiến Mahdeya tự hào, bởi đến trường là điều chị chưa từng trải qua.

Khi cuộc chiến ở dải Gaza bùng phát, anh Majid không thể kiếm sống như nhiều người đàn ông khác vì anh từng phải mổ tim ở Jordan lúc mới 15 tuổi. Người con trai lớn Waroud cũng thế.

Căn bệnh tim của Hala được các bác sĩ (BS) phát hiện chỉ 20 ngày sau khi em ra đời. Các BS từng thông báo với Mahdeya là Hala được đưa vào danh sách “chờ mổ” tại Isreal hoặc Mỹ. Trong thời gian chờ, Mahdeya được cấp một bình dưỡng khí để Hala sử dụng hàng ngày với lời dặn mang bé đến bệnh viện kiểm tra thường xuyên.

Chien dich 'giai cuu trai tim' cho Hala

Mahdeya không thể tin là có ngày bé Hala lại cười tươi được như thế này - Ảnh: NYT

Thế nhưng, chiến tranh nổ ra. Hầu hết BS đều được chuyển đến nơi an toàn hơn, còn mẹ con Mahdeya không thể vượt qua lửa đạn để đến với BS khi cần. Cuộc sống của Hala chỉ còn tính bằng ngày…

Đến tháng Tám, gia đình Mahdeya được khuyên nên rời khỏi căn nhà vẫn ở lâu nay để đến một trại tạm cư của LHQ, trị trấn Jabila. Họ ra đi gấp gáp đến nỗi chỉ có bộ quần áo trên người. Hai ngày sau, Majid trở về nhà cũ, và choáng váng vì mọi thứ đều đã ra tro khi một quả bom nổ ngay khu nhà của họ. Nỗi lo lớn nhất của Mahdeya là bình dưỡng khí dành cho Hala đã hết mà không kịp đổi bình mới. Cô không thể rời khỏi hàng rào phong tỏa của Israel, dù mạng sống của Hala tùy thuộc vào bình dưỡng khí. Các BS từng chăm sóc cho Hala biết tình trạng nguy kịch của cô bé, nhưng họ cũng bất lực vì mọi nỗ lực đưa Hala đến bệnh viện là hoàn toàn không thể.

Phép lạ đến rất bất ngờ. Từ thông tin góp nhặt, phóng viên Krishnan Guru-Murthy đã đưa chuyện của Hala vào một phóng sự trên kênh truyền hình Channel 4 News. Thế là chiến dịch “giải cứu” Hala được hình thành bởi nhiều tổ chức nhân đạo trên thế giới. Chính quyền Israel đồng ý cho Hala và mẹ em rời khỏi dải Gaza để đến Jordan. Từ đó, hai mẹ con đáp chuyến bay đến London. Hành trình kéo dài ba ngày. Mahdeya nhớ lại: “Khi lên máy bay, con bé hầu như không còn thở. Tôi lo là nó sẽ chết trước khi đến được Anh”.

Sức khỏe của Hala tệ đến nỗi các BS không thể giải phẫu cho em ngay mà phải dành nhiều thời gian để Hala có thể hồi sức. Quá trình đó kéo dài hơn một tuần và sau cùng, các BS quyết định phải giải phẫu vì không thể chậm trễ hơn. Đích thân giáo sư Francois Lacour-Gayet, một trong những chuyên gia phẫu thuật tim giỏi nhất thế giới thực hiện ca mổ kéo dài bốn giờ này.

Khi được thông báo là ca mổ thành công tốt đẹp, Mahdeya hầu như không thể khóc hay cười. Điều thần kỳ đã đến với Hala trong khi gia đình gần như mất hết hy vọng.

Mười ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe của Hala đã khá hơn. Môi cô bé vốn luôn xám xịt nay đã ửng hồng. Thỏa thuận ngưng bắn không thời hạn giữa Israel và phe Hamas đến thật đúng lúc. Mahdeya quyết định cùng Hala trở về Gaza, có thể là trong một-hai tuần nữa.

“Tôi nóng lòng muốn gặp lại các con. Hy vọng là tôi được trở về mảnh đất cũ và ai đó giúp chúng tôi dựng lại nhà. Tôi mong lại được bước đi trên những con đường ở Gaza mà không còn lo bom đạn trút xuống. Các con tôi lại được đến trường và không phải sống trong sợ hãi. Thật hạnh phúc nếu quê hương tìm lại được hòa bình”, Mahdeya nói.

 THIỆN NGA (Theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI