Chiến dịch chuyển trường

27/01/2020 - 15:39

PNO - Họ nói thiếu điểm. Thiếu không nhiều. Cậu bạn em lúc đầu nhận chạy hộ nhưng mãi không được, giờ gần hết học kỳ I rồi, phải chuyển nhanh kịp học kỳ II

Ðã một tuần nay anh Thụ ngủ không ngon. Trong giấc mơ toàn thấy mình làm không kịp việc: không đổ rác kịp xe rác đi mất hút, không đến kịp giờ giao ban bị thủ trưởng mắng, không ăn kịp quả trứng luộc để trứng biến thành siêu nhân sấm sét…

Ðến giấc mơ này thì Thụ đã nhận ra. Siêu nhân sấm sét là đồ chơi hồi bé của thằng Thịnh. Không kịp là không kịp chuyển trường cho nó trước học kỳ II. Mỗi buổi sáng thằng Thịnh đeo một cái cặp to, kính cận khòm khòm đạp xe sáu cây số đến trường. Anh Thụ đứng bên cửa sổ nhìn xuống, dõi theo thằng con hòa vào dòng xe ngùn ngụt mà vừa tự hào vừa thương vừa giận. Tự hào nhìn con mình bắt đầu đời nam nhi xông pha. Thương là thương nó còn bé mỗi ngày đạp mười hai cây đi về, đến nhà là đờ đẫn. Còn giận là giận mình, giận chiến hữu, nhậu nhẹt với nhau suốt nhưng có mỗi cái chuyện này mà mãi vẫn không xong.

Cứ mỗi tối, ngồi vào mâm, Thụ không dám hỏi con học hành ra sao. Thằng Thịnh lừ đừ chan đầy canh dưa vào bát cơm mới xới, ăn như cho xong. Anh bảo: “Con đừng chan như thế, cơm vữa hết”. Thằng Thịnh bảo: “Vâng ạ”, nhưng bữa sau nó lại làm y như thế, với một loại canh khác.

“Bố muốn nói chuyện riêng với con”, anh Thụ bảo con sau bữa cơm.

“Vâng ạ”, hai bố con sang phòng thờ, ngồi xếp bằng trên chiếu, đối diện nhau.

“Việc con phải học ở trường xa, trước tiên không phải lỗi tại bố”, anh Thụ trầm trầm mà đanh thép nói với con.

“Con biết ạ”, thằng Thịnh lễ phép một cách vô cảm.

“Con có biết bố mẹ phải vất vả thế nào không?”.

“Con biết ạ”, thằng Thịnh mắt vẫn nhìn thẳng nhưng cơ mặt không
nhúc nhích.

“Nếu năm ngoái con tập trung hơn thì năm nay đã không phải thế này”.

“Vâng ạ”.

Chưa có cuộc nói chuyện nào khiến anh Thụ thất vọng đến thế. Anh càng nổi điên hơn khi lúc sau thấy thấp thoáng ở bếp, vợ anh đang thì thào gặng hỏi thằng Thịnh, và khi bước ra, mặt chị sa sầm, cố tình để anh thấy.

“Anh đã làm hết sức rồi, em không thấy à?”, buổi đêm anh nói với vợ.

“Thì em có trách gì đâu. Em chỉ thấy sao có mỗi việc bé thế mà lâu quá. Con thì bé, đường thì xa…”.

“Nhưng việc chuyển trường có phải do anh quyết định đâu”.

“Em có nói gì đâu”, chị bảo. “Nhưng sao anh không nhờ anh Sính?”.

“Ai lại đi nhờ việc bé thế…”.

“Thế nào mới là việc to?”, chị vặn lại.

Anh không trả lời nữa, quay sang xem ti vi, lửa giận bốc ngùn ngụt.

“Hít thở sâu, hít thở sâu”, anh tự nhủ, nhưng máu cứ bốc lên đầu.

Ra ngoài thôi, anh quyết định và đứng lên, bước ra ban-công, nhìn xuống đường, chỉ thấy những chiếc taxi chạy lầm rầm trong đêm mưa.

Anh Thụ có một quyển sổ con, bên ngoài tuy là hình vẽ gấu nâu và lợn hồng dắt tay nhau hái hoa, nhưng bên trong, ngay trang đầu đã có bốn chữ cái: C.M.N.K, tức “cơ mật nhật ký”. Không ai có thể đoán được nội dung trong đó là gì - anh Thụ đã tính trước các khả năng, cùng lắm thì chỉ nghĩ đó là sổ chi tiêu và những lời ghi nhớ công việc.

Ðiều xe thăm cơ sở II đoàn. Khảo sát bếp ăn đoàn. Hoàn tất báo cáo trước ngày 26/7. Hóa đơn dịch vụ thường” -  thằng Thịnh từng lục lấy sổ của bố, đọc thật to. Cả nhà nghe mà không ai để ý, vợ Thụ vẫn nằm xem truyền hình, con Hương vẫn mải nhắn tin cho bạn. Thụ cũng nằm im, hai tay gối dưới gáy, nhìn lên màn hình.

Câu đó có nghĩa là: “Lấy xe đón hai thằng thợ mộc xuống nhà chị Lư, tình nhân của anh Sính, đo đạc làm lại cho chị cái bếp, phải xong trước ngày 26/7 là sinh nhật chị ấy. Coi như quà của anh Sính. Do Thụ trả tiền”.

Ông Sính làm trên thành phố, đĩnh đạc thâm trầm khi nói chuyện mắt như nhìn sâu vào tận đáy mắt người đối diện. Ông yêu chị Lư, phó giám đốc một bệnh viện, đã gần chục năm. Nhóm anh Thụ chăm sóc ông Sính thì chăm sóc cả chị Lư. Việc lớn, việc bé gì cũng mong chị gọi đến giúp, những mong chị kể lại với ông Sính về sự tận tụy của đàn em. Chơi với nhau cũng gần chục năm nhưng anh Thụ chưa bao giờ nhờ ông Sính việc gì. Vợ Thụ đôi lúc nói nửa đùa nửa thật: “Cứ phò cặp ấy mãi thế sao?”. Anh Thụ bảo: “Nuôi quân ba năm mới dụng lấy một giờ, yên tâm, sẽ có lúc nhờ.” Vợ anh lại nói: “Tiền nuôi ấy, thời giờ phục vụ ấy, thuê được mười thằng cò vừa nhanh vừa đỡ mệt”.

Thụ rất ghét vợ, anh chỉ muốn quăng bát cơm ra đường ngay lúc ấy… Tuy nhiên đến lúc này, anh nghĩ, khéo phải nhờ ông Sính thật.

Ông Sính nhìn sâu vào mắt Thụ: “Nó đi học xa lắm à? Thương nhỉ”.

“Vâng thương lắm”, Thụ đáp.

“Năm nay lớp Mười nhỉ?”, ông Sính bâng khuâng.

“Vâng lớp Mười”, Thụ đáp.

“Nghĩa là em muốn cho nó sang trường H., trường điểm đấy…”.

“Dạ trường điểm”, Thụ vuốt theo.

“Họ nói sao?”, ông Sính ân cần hỏi.

“Họ nói thiếu điểm. Thiếu không nhiều. Cậu bạn em lúc đầu nhận chạy hộ nhưng mãi không được, giờ gần hết học kỳ I rồi, phải chuyển nhanh kịp học kỳ II”, Thụ hồi hộp trình bày.

“Căng nhỉ, để anh xem rồi anh báo lại Thụ nhé. Cuối năm thế này không hiểu họ có chịu để ý cho mình không ấy chứ. Với lại trái tuyến thì còn dễ, chứ thiếu điểm thì e khó. Ðể anh xem nhé…”.

hggfhf
Minh họa: Hải Kiên

***

Anh Thụ bước ra khỏi phòng ông Sính mà rã rời. Suốt cả buổi ông ấy không hề nhấc điện thoại lên gọi cho một cậu em nào đó để giao việc như anh đã mất công tưởng tượng. Ông trầm ngâm, điềm đạm, khiến Thụ càng sôi tiết. Nhớ những khi ông vỗ vai anh nhè nhẹ: “Hôm nào tiện xem hộ chị Lư cái xe nhé” hay “Mấy đứa rằm có lên đền cho chị Lư đi với nhé!” là Thụ đã sốt sắng gọi ngay cho chị Lư, hỏi giờ nào có thể đến xem xe, giờ nào đón chị đi đền là tiện nhất…

Thụ đi xe hai vòng quanh hồ. Mùa đông mau tối, màn nước mờ mờ lạnh lẽo. Anh không muốn về nhà. Vợ sẽ hỏi mà lại hỏi ngay trước mặt con về kết quả cuộc gặp hôm nay. Còn gì ê hơn thừa nhận mình phò chủ mà chủ chẳng được tích sự gì khi mình cần tới. Mà việc mình cần lại rất cỏn con: chuyển trường cho con để nó được học trường tốt nhất, gần nhà.

“Thôi cả nhà yên tâm ăn tết nhé,” anh Thụ nói trong bữa cơm. “Thằng Thịnh đừng báo ai vội nhỡ nói trước bước không qua, nhưng học kỳ II con được về trường H. rồi”.

“Yeah!”, Thịnh kêu to, giật hai nắm tay đắc thắng, đúng kiểu thiếu nhi Tây trên phim.

“Anh Sính hả anh?”, vợ Thụ mềm
mại hỏi.

“Ừ, chị Lư lo”, anh Thụ đáp.

Trả lời càng lúc càng đi vào chi tiết, Thụ bỗng phục mình có thể mang lại sự bình yên cho gia đình một cách dễ dàng thế này sao. Phải đấy, cần gì phải làm mọi người lo. Cần gì phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận thua khi mình vẫn còn cửa thắng. Kệ, cứ để thằng cu an tâm thi học kỳ đã. Cứ để cả nhà ăn xong cái tết này đã, rồi sau đó mình sẽ báo là cả băng bị tóm gọn rồi, tiếp tục học trường cũ thôi, hết chuyện.

Thằng Thịnh tinh thần phơi phới, học hành tấn tới, điểm 8, điểm 9 là chuyện thường ngày, “không phải nghĩ”. Chẳng hiểu do cái gì, do tinh thần hay do đến lúc cần cao thì phải cao, nó tự nhiên cao vổng, thỉnh thoảng cúi xuống lúi húi nhắn tin trên cái điện thoại mẹ mới cho, miệng cười cười, trông đã ra kiểu diễn viên Hàn Quốc hẹn hò với con gái chủ tịch tập đoàn hay cháu ruột tổng giám đốc đại công ty. Thi học kỳ xong, Thịnh về nhà xin bố mẹ đi dã ngoại với lớp. Vợ Thụ lên mạng thoăn thoắt tìm hiểu, chỗ ấy không hồ, không sông; gõ thử các cụm từ tìm kiếm cũng chưa từng có chuyện gì không hay xảy ra ở khu du lịch ấy. Anh Thụ bảo: “Kệ nó đi, lớn rồi. Nhưng mà này”, anh nhìn thằng Thịnh: “Ðừng có linh tinh đấy nhé, dưới mười sáu cả, vớ vẩn đi tù”.

Thằng Thịnh lên đường, trong túi quần có ba trăm bố dúi cho, trong ba-lô có hai cái túi ói mẹ nhét phòng hờ. Các bạn nữ trong lớp tự dưng trông như con gái lớp khác: không đồng phục, đứa nào cũng xinh, lại còn đánh son và trang điểm, trông không còn là bọn “lớp mình”. Trên xe, Thịnh ngồi cạnh Tường Vy. Ngày thường Vy bé như cái kẹo, hôm nay thành con búp bê… Sau một ngày đàn hát, ăn uống, chụp ảnh, khi chia tay ở cổng trường, cả lớp đã thống nhất từ hôm sau sẽ đóng tiền đều đặn hằng ngày cho thủ quỹ, tích tiểu thành đại, cứ tháng rưỡi lại đi dã ngoại vui như thế này.

Khi mâm cúng ông táo đã hạ xuống, cả nhà quây quần gắp miếng đầu tiên, vợ Thụ bảo: “Thế là sau tết vào học kỳ là con qua trường mới luôn anh nhỉ?”. Thụ điềm nhiên bảo: “Anh Sính nói mùng Sáu có hiệu lệnh là cứ thế nhận lớp”. Vợ Thụ hỏi thằng Thịnh: “Chuyển trường thì có phải tết cô chủ nhiệm nữa không?”. Thằng Thịnh lúng búng, đầu cúi cúi: “Thì mẹ cứ tết cô đi”.

Sau bữa cơm, như thường lệ, anh Thụ dẫn con Xúc Xích đi vệ sinh dưới đường. Hai tay đút túi áo dạ, anh đang lơ đễnh nhìn xe cộ đi lại trên đường thì thằng Thịnh đến bên bố.

“Bố, con bảo này. Bố đừng mắng con. Bố đừng chuyển trường cho con nữa có được không?”.

“Vì sao?” với một phản xạ nhanh đến tự mình thấy ngạc nhiên, anh Thụ nghiêm khắc.

“Con muốn ở lại trường này. Con quen rồi, sang trường mới lại phải từ đầu”, thằng Thịnh cúi đầu không
nhìn bố.

“Giời ơi! Bố biết làm sao đây, ăn nói với bác Sính, bác Lư thế nào. Còn mẹ con nữa!”.

“Mẹ vừa bảo xuống nói với bố ạ”.

Anh Thụ chỉ muốn nhảy cẫng lên, nhưng vẫn giữ được trầm ngâm, mặt đăm đăm nhìn ra phố, kiểu rất khó nghĩ. Anh im lặng một lúc rồi bảo thằng Thịnh: “Lên nhà đi. Ðể bố báo gấp bác Sính xem sao. Họ lo xong hết rồi mới chết chứ”.

Trong lúc soạn quà, anh Thụ bảo vợ hễ gặp ông Sính thì cấm được nhắc gì chuyện chuyển trường kẻo ổng cáu, mà tốt nhất cứ để mình anh đi chúc tết. “Thôi nhé, một lần này thôi là người ta cạch nhà mình đến già. Giúp xong xuôi rồi lại õng ẹo đổi ý!”.

Anh mang bánh chưng, thịt trâu gác bếp, một chậu mai vàng miền Nam đến cho ông Sính. Ông ân cần hỏi anh, thế nào, cả nhà khỏe không, cơ quan em thế nào, thằng con em năm nay đã cấp III chưa ấy nhỉ… Anh Thụ nghe ông Sính hỏi thế nhẹ cả người. Rõ ràng từ hôm nhờ vả tới nay ông ấy chẳng động tay động chân gì cả. Anh bảo, cảm ơn, cảm ơn anh, cả nhà em khỏe cả, cháu nó học ngoan. Ông Sính ấm áp nhìn anh, chầm chậm nói: “Ðó là tất cả đấy, người lớn khỏe, trẻ con ngoan. Người ta chỉ cần có thế”.

Anh Thụ thấy những lời ấy từ miệng ông Sính thật vô nghĩa, thậm chí đáng ghét. Anh gật gù im lặng, nhìn chằm chằm vào lọ hoa đào làm như bần thần giác ngộ trước những lời chân lý của ông. Rồi anh đứng lên xin phép về. Lúc cúi xuống xỏ giày, anh khẽ liếc lên cái bàn to. Mớ quà tết kia, đáng lẽ mình phải mang đến tận nhà con bé Tường Vy mình vẫn đọc trộm tin nhắn để cảm ơn mới đúng.

Phan Thị Vàng Anh

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=