|
Những hình ảnh về nghề làm heo đất ở Bình Dương trưng bày tại triển lãm |
Sáng 1/8, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong giới thiệu cuốn sách ảnh cùng triển lãm mang tên Nghề truyền thống Việt (tựa tiếng Anh: Vietnam’s Traditional Crafts).
Đây là cuốn sách ảnh thứ 13 và triển lãm cá nhân thứ 19 trong sự nghiệp nhiếp ảnh của anh. Triển lãm diễn ra chỉ trong 1 ngày, từ 8-18g, tại Hotel Majestic Saigon (quận 1, TPHCM).
Ý tưởng thực hiện sách này được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong ấp ủ thực hiện trong 10 năm. Với anh, Việt Nam có hàng trăm nghề truyền thống, cho thấy bề dày văn hoá - lịch sử; sự độc đáo, thú vị của từng vùng đất trên cả nước. Nhưng hiện tại, phương thức sản xuất mới xuất hiện trong làng nghề. Sự thay đổi đó thôi thúc nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thực hiện sách ảnh để tôn vinh, lưu giữ những giá trị di sản còn sót lại.
|
Thông qua sách ảnh, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các làng nghề |
Anh tìm đến những làng nghề ở nhiều tỉnh, thành như: Cao Bằng, Hà Nội, Ninh Bình, Huế, Phú Yên, Ninh Thuận, TPHCM, An Giang... Anh hỏi thăm, trò chuyện cùng các nghệ nhân, người lao động, ghi lại những khoảnh khắc làm việc của họ.
“Tôi đã đi, đến và thấy, mới cảm nhận được những nét đẹp lao động bình dị, tình yêu nghề, tâm huyết của các nghệ nhân làng nghề. Họ luôn cố gắng giữ lửa cho nghề truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các làng nghề”, anh chia sẻ.
|
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong trong sự kiện giới thiệu sách ảnh vào sáng 1/8 |
Anh hoàn thành 66 bộ ảnh sau nhiều chuyến đi, chọn ra 45 bộ tương ứng với 45 nghề truyền thống đưa vào sách. Các nghề này vẫn làm thủ công, chưa có nhiều máy móc công nghiệp can thiệp.
Những làng nghề xuất hiện trong sách ảnh lần này như: nghề làm chiếu cói (Phú Yên), nghề thêu ren (Ninh Bình), tranh làng Sình (Thừa Thiên - Huế), nón lá (Bình Định), đúc đồng (TPHCM), làm giấy bản (Cao Bằng)...
Có nhiều khó khăn anh phải đối diện. Các làng nghề không còn sôi động như trước, thậm chí chỉ còn vài hộ dân giữ nghề. Có khi anh đến thì mọi người nghỉ sản xuất vì không có đơn hàng. Thời tiết cũng là yếu tố tác động không nhỏ, nên có lúc đến nhưng đành hẹn dịp sau. Anh cũng phải tính toán kỹ về kinh phí lưu trú, ăn ở vì tài chính có hạn.
Lần này, anh chỉ in 100 cuốn sách. Giấy in ảnh và giấy lót được chọn từ giấy mỹ thuật của Ý. Bìa sách là chất liệu giấy của Hà Lan. Phần bìa hộp đựng sách giấy carton của Phần Lan. Các chất liệu này đều thân thiện với môi trường.
Trong mỗi quyển sách, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đính kèm thêm 1 tờ giấy được anh mua từ làng nghề làm giấy bản truyền thống ở Cao Bằng. Trên giấy có phần viết tay nội dung chứng nhận đây là cuốn sách giới hạn. Ngoài ra, hộp đựng sách sẽ do nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh chuyên về sơn mài gia công.
|
Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng ngắm nhìn các bức ảnh tại triển lãm |
Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng là một trong những khách mời tham dự triển lãm này. Chị ấn tượng vì có nhiều góc ảnh đẹp, biết thêm một số làng nghề không phổ biến.
“Theo tôi, đây cũng là cách giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu thông qua việc xem các bức ảnh này. Tôi thích nhất về nghề viết chữ trên lá buông của người Khmer.
Khi nghiên cứu, chúng tôi biết về nghề này, cũng xem các thầy làm. Nhưng để chụp được những khoảnh khắc đẹp như thế thì rất khó. Tôi cũng ghi chú lại một vài làng nghề để giới thiệu cho một số bạn bè làm công tác nghiên cứu” - chị chia sẻ.
|
Các sư thầy viết chữ lá buông ở An Giang |
*Các hình ảnh khác trong triển lãm:
|
Nghề làm gạch ở Mang Thít, Vĩnh Long |
|
Một vị khách dùng điện thoại ghi lại hình ảnh về làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu (Hà Nội) |
|
Làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu (Hà Nội) |
|
Các vị khách ngắm ảnh về nghề làm muối hầm ở Phú Yên |
|
Nghề đan thúng chai ở Phú Yên |
|
Loạt ảnh về nghệ nhân khiếm thị Nguyễn Thị Có, hơn 50 năm làm nghề chằm nón ở Phù Cát (Bình Định) gây chú ý tại triển lãm |
|
Nhiều vị khách lưu lại hình ảnh của cụ bà làm nón |
|
Nghề chạm vàng bạc tại Hà Nội |
Những sách ảnh nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã ra mắt: Gánh, Những nẻo đường tuổi thơ, Vượt qua bóng tối, Ánh sáng cuộc sống, 45 ngày tại Thụy Sĩ, Mưu sinh, Chân dung, Nhịp sống Sài Gòn, Sài Gòn COVID-19, Cười, Sài Gòn COVID-19 (2021), Bóng. Anh từng nhận trên 200 giải thưởng về ảnh nghệ thuật và báo chí trong và ngoài nước: 16 lần đoạt giải thưởng ảnh báo chí thành phố và quốc gia, 12 lần giải thưởng xuất sắc quốc gia (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), Giải thưởng lớn-Grand-Prix (Japan), 3 huy chương vàng Trierenberg Super Circuit (Áo), 5 huy chương Asahi Shimbun (Japan)... |
Trung Sơn