Ngày 27/2, TAND tỉnh Cà Mau xét xử nguyên giám đốc 7 công ty, xí nghiệp thủy sản ở Cà Mau, cùng 8 người từng là lãnh đạo, cán bộ ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Minh Hải về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Những người này bị cáo buộc cấu kết với nhau chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của ngân hàng.
Trong số này, bị cáo Đặng Thị Ngợi (Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh - DNTN Ngọc Sinh); Nguyễn Tấn Hải (Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải - Công ty Việt Hải); Huỳnh Minh Trung (Công ty TNHH Nhật Đức - Công ty Nhật Đức) và 4 giám đốc công ty kinh doanh thủy sản khác bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Bà Ngợi ngồi xe lăn ra hầu tòa. |
Liên quan đến vụ án, 10 bị cáo khác là các cựu nhân viên của các công ty này cũng bị truy tố về cùng tội danh, với vai trò đồng phạm giúp sức. Riêng, ông Trịnh Tuấn Mẫn – nguyên giám đốc VDB Minh Hải, cùng bảy thuộc cấp bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến 2011, bảy người đứng đầu các doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau chỉ đạo thuộc cấp lập hồ sơ tài chính khống vay vốn tại VDB Minh Hải. Sau khi vay vốn, họ đã sử dụng trái mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán. Trong đó, Đặng Thị Ngợi bị cáo buộc chiếm đoạt của VDB Minh Hải số tiền lớn nhất, lên đến hơn 266,7 tỷ đồng.
Được thành lập năm 2000, DNTN Ngọc Sinh do bà Ngợi làm chủ từng là đối tác lâu dài của VDB Minh Hải. Tuy nhiên khi làm ăn thua lỗ, nữ giám đốc Ngợi đã chỉ đạo kế toán trưởng Dương Minh Chánh lập các báo cáo tài chính khống thể hiện kết quả kinh doanh có lãi, dù đã lỗ hơn chục tỷ đồng để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn từ phía ngân hàng.
Từ năm 2009-2010, bà Ngợi còn ủy quyền cho chồng là Nguyễn Trung Thành ký khống 31 hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài có tổng giá trị hơn 21 triệu USD (dù giá trị các hợp đồng chỉ hơn 6,5 triệu USD), kê khống giá trị tài sản như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, quyền sử dụng đất,… từ 24,5 lên 115 tỷ đồng để vay tiền. Tổng cộng, công ty của bà Ngợi đã được VDB Minh Hải giải ngân hơn 303 tỷ.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Huỳnh Minh Trung - giám đốc công ty Nhật Đức đã chiếm đoạt của VDB Minh Hải số tiền trên 143,2 tỷ đồng.
Nguyễn Tấn Hải cũng bị cáo buộc chiếm đoạt trên 75,6 tỷ đồng; Phan Xuân chiếm đoạt hơn 85,2 tỷ đồng; Nguyễn Hữu Thành chiếm đoạt trên 107,6 tỷ đồng của VDM Minh Hải…
Số tiền 7 người trên chiếm đoạt của ngân hàng lên đến 1.069 tỷ đồng. Để xảy ra việc này, ông Trịnh Tuấn Mẫn – nguyên giám đốc VDB Minh Hải bị cáo cuộc ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ đồng và ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng. Ngoài ra, bảy nhân viên dưới quyền ông Mẫn bị buộc tội tham mưu, ký vào các hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho VDB Minh Hải.
Theo cáo buộc của Viên kiểm sát, người chịu trách nhiệm chính trong vụ thiệt hai của ngân hàng là ông Trịnh Tuấn Mẫn (61 tuổi). Tiếp đó, là Vũ Văn Hoan (nguyên phó giám đốc phụ trách công tác tín dụng xuất khẩu) và 6 thuộc cấp.
Trong quá trình thực hiện việc cho vay tín dụng xuất khẩu, lãnh đạo và cán bộ VDB Minh Hải đã buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng và đầy đủ các quy trình, quy định trong hoạt động cho vay tín dụng xuất khẩu, nhất là đối với các doanh nghiệp có dư nợ quá hạn, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán trả nợ... Việc này đã tạo điều kiện cho những doanh nghiệp lợi dụng, có hành vi gian dối trong việc lập hồ sơ vay, sử dụng trái phép vốn vay, mất khả năng thanh toán, chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Kết quả điều tra xác định, trong gần 3 năm giữ chức giám đốc VDB Minh Hải, ông Mẫn đã không chỉ đạo thực hiện việc thẩm định, kiểm tra tình hình tài chính, khả năng sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, giải ngân vốn sai quy định, để các doanh nghiệp sử dụng vốn vay sai mục đích trong thời gian dài, dẫn đến không có khả năng trả nợ cho VDB Minh Hải.
Tại cơ quan điều tra, ông Mẫn thừa nhận trong quá trình giải ngân, ông chỉ căn cứ vào bảng kê khai của doanh nghiệp, không kiểm tra, đối chiếu chứng từ gốc... Ông Mẫn lý giải: Biết việc các doanh nghiệp đến đặt vấn đề xin hạn mức vay trước khi phân bổ là sai quy định của VDB Việt Nam và pháp luật, nhưng ông vẫn thuận việc này nhằm đảm bảo không phát sinh nợ quá hạn tại chi nhánh và tiếp tục duyệt và giải ngân cho các doanh nghiệp vay.
Các bị can khác như Vũ Văn Hoan – Phó giám đốc phụ trách công tác tín dụng xuất khẩu, bị cáo buộc là người tham mưu cho giám đốc trong việc ký duyệt các hồ sơ cho vay nhưng đã không làm hết trách nhiệm. Trong tổng số thiệt hại, ông Hoan được xác định đã ký duyệt 28 hồ sơ thẩm định với số tiền hơn 317 tỷ đồng, ký 143 hồ sơ giải ngân với số tiền trên 484 tỷ đồng.
Đặc biệt, cựu phó giám đốc Hoan khai nhận, thời điểm cuối 2009 đầu 2010, khi ký 20 hợp đồng tín dụng ký với DNTN Ngọc Sinh (do bà Đặng Thị Ngợi làm giám đốc), ông biết doanh nghiệp này gian dối, nhưng "nghe theo chỉ đạo của giám đốc Mẫn" nên vẫn tiếp tục ký duyệt, giải ngân. "Có trường hợp phòng kế toán thắc mắc và không đồng ý, nhưng ông Mẫn vẫn chỉ đạo thực hiện", Hoan khai với cơ quan điều tra.
Thuộc cấp của ông Mẫn là Trần Kỳ Oanh - nguyên cán bộ tín dụng cũng đã thiếu trách nhiệm khi thẩm định, biết một số công ty lập hồ sơ khống nhưng vẫn đề nghị cho vay vì "làm theo sự chỉ đạo của sếp".
Tương tự, các bị can còn lại đều bị cáo buộc có hành vi sai phạm trong việc thẩm định, phê duyệt cho vay gây thiệt hại số tiền lớn cho ngân hàng này.
Tuy nhiên, sau khi làm các thủ tục, phiên tòa đã tạm hoãn vì thiếu một số nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đông Hưng