Chiếc xe đòn dông của ba

09/01/2021 - 05:17

PNO - Thời chúng tôi, rất nhiều đứa trẻ vẹo sườn tập xe đạp trên chiếc xe đòn dông. Tôi đã té lên té xuống, trầy trụa bầm giập, cho đến khi thực sự thuần phục được "con ngựa sắt" khó tính.

Tôi lớn lên trong căn nhà cuối ngõ. Ngày ngày, cứ chiều xuống là tôi hay ra giữa ngõ ngồi xem người ta qua lại. Thực tâm tôi đang ngóng cha về - người đàn ông cao liêu xiêu trên chiếc đòn dông cũ, vai trĩu nặng túi hàng để mẹ nhẹ gánh hơn.

Biết cha hay chiều con gái, nên ông vừa đến nhà là tôi mè nheo xin mượn xe. Phải tranh thủ thôi, vì lát mẹ về là sẽ có "bài ca" vô nhà tắm rửa, hoặc lo phụ mẹ chuẩn bị cơm chiều.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trẻ con hàng xóm chạy xe đạp đầm hoặc mini, nên đứa thì ngồi luôn trên sườn xe, đứa đứng đạp tụt lên tụt xuống. Tôi đi chiếc đòn dông nên chỉ có cách lòn một chân vào dưới thanh ngang để đạp. Chiếc xe “siêu to khổng lồ” so với thân hình của một đứa trẻ gầy gò. Tôi không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần té lên té xuống, trầy trụa bầm giập, cho đến khi thực sự thuần phục được "con ngựa sắt" khó tính ấy. Chỉ cần víu vào hông nó là tôi lao đi vun vút.

Có lần cao hứng quên mất lời cha dặn, tôi chạy xe ra tuốt đầu ngõ. Lúc sắp đến cây cầu đan hẹp, tôi nảy ra trò nhắm mắt qua cầu. "Diễn" quá đạt lượt đi nên tôi hí hửng lặp lại ở lượt về. Không ngờ, cả người lẫn xe ngã lộn nhào xuống kênh. Lá cây ô rô nhọn hoắt thi nhau đâm vào da thịt. Tôi nhớ hoài câu "cá không ăn muối cá ươn" của cha từ đó.

Đầu những năm 1990, thời bao cấp trôi qua chưa được bao lâu, cuộc sống chật vật vẫn đeo bám nên cha nghỉ việc ở sở, xin vào làm cho nhà máy đường khá xa nhà. Chiếc đòn dông đồng hành cùng cha suốt những tháng ngày lam lũ đó.

Cứ cách ngày cha mới trở về, lại còn không đúng y giờ giấc, nên tôi càng ra vào trông cha nhiều hơn. Khi cha về, tôi không chỉ có xe để mượn, mà còn có nguyên cây mía để được toàn quyền "xử lý". Hồi đó tôi thích ăn mía vô cùng. Mà phải là cây mía còn nguyên vỏ mới chịu, vì ăn mía chỉ hấp dẫn nhất ở chỗ tự dùng răng mà xước, rồi cắn ép cho cái thứ nước ngọt lịm đó ứa ra, cũng bằng răng. Tôi yêu cây đến nỗi má hay cười chọc tôi là con Mía. Giờ kể lại chuyện cũ, má còn tặc lưỡi: "Chắc ngày xưa thiếu thốn quá, nên gặp cây mía, bây như bắt được vàng". 

Một ngày kia, cha cũng về nhà bằng chiếc đòn dông ấy, vẫn có cây mía buộc dọc theo đòn xe, vẫn dáng cha khom lưng đạp, nhưng có thêm hai thùng bọt đường lặc lè hai bên ba-ga. Xe tiến mỗi lúc một gần, tôi càng giảm bớt hí hoáy. Lạ thay, người cha như bị bao trùm bởi một lớp sơn dày đặc. Hóa ra mặt đường gập ghềnh làm thùng bọt đường bị đậy kín nắp đã nổ tung. Nó "tắm" cha giữa đường ngày hôm đó. Thương cha đứt ruột, chiếc đòn dông không còn ai muốn mượn. Cây mía ngọt lịm cũng bị ngó lơ.

Được cha chở đi xe là sướng nhất trần đời, mà phải ngồi đằng trước mới chịu. Đường càng ổ voi ổ gà càng thích. Đau mông ê đùi cũng ráng khom người ngồi vịn im re, nhưng lòng tôi thì vui như hội. Có lần đến phiên trực nhật, vai mang cặp, tay vác chổi, tôi cứ thế đuổi bướm bắt hoa trên đường đến trường cùng lũ bạn hàng xóm. Gặp cha giữa đường, tôi xin quá giang. Cũng cái "tính nào tật nấy", tôi nằng nặc đòi cha cho ngồi đằng trước, nhưng vì phải vác cây chổi dài nên cha bảo ra sau mà ngồi. Tôi ráng cò kè đòi hỏi nên cha giận, bắt đi bộ tiếp. Vậy là bọn bạn được dịp cười tôi thúi mũi.

Chiếc xe xưa với bao kỷ niệm
Chiếc xe xưa với bao kỷ niệm

Một sáng nọ, tôi lên cơn sốt. Cha mẹ kẹp tôi ngồi giữa, tống ba trên chiếc đòn dông đi bệnh viện. Cha luống cuống vì chở nặng, lại xuất phát thiếu cân bằng, nên cả ba té nhào vào hàng rào dây kẽm gai đau buốt. Giờ mỗi lần nhìn vết sẹo ở chân, tôi lại nhớ đến cái đêm hiếm hoi không được ngồi ở đòn ngang nhưng chẳng hề phản kháng đó.

Thời gian không ngừng trôi, cuộc sống mới luôn tràn về khỏa lấp. Cha giờ đã đi xa. Chiếc đòn dông trở thành kỷ vật. Để nhớ thương. Để làm dịu mát tâm hồn. 

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI