Chiếc xe đạp kỳ dị

13/05/2023 - 13:55

PNO - Ngày ấy tôi oán mẹ vụ bắt tôi đi xe đạp cũ, nhưng sau này nghĩ lại mới thấy thương.

Hồi tôi học cấp II, trường cách nhà chừng 2km; không phải quá gần nhưng đi học tôi toàn đi bộ. Bạn bè nhiều đứa ngạc nhiên: sao không đi xe đạp cho nhanh? Tôi hất mặt, hùng dũng đáp: có một thôi đường, gần xịt, đi bộ cho nó… thể dục, xe xe cái gì. Lũ bạn nghe tưởng thật, mắt dơi mắt chuột nhìn tôi trầm trồ.

Kỳ thực, đâu đứa nào biết cái “tẩy” thực sự đằng sau bộ dạng phét lác của tôi: thà đi bộ còn hơn ngồi lên chiếc xe đạp cũ sườn cong duy nhất của cả nhà; chiếc xe mà anh Năm tôi mỗi lần nhìn cứ một hai đoan chắc nó phải từ thời “vua Bảo Đại tắm mưa”.

Thật tình anh Năm nói hơi quá; chiếc xe ấy nghe mẹ nói mua vào những năm đất nước vừa thống nhất. Chắc vậy nên xe cũng được đặt tên xe Thống Nhất, chất lượng khá tốt; duy cái sườn được mấy ông sản xuất thiết kế “cách điệu” cho lạ kiểu bằng việc cho 2 thanh giữa song song không chạy thẳng như sườn xe truyền thống mà uốn võng, lượn ngang vòng vèo “làm dáng” trước khi hàn dính ra sau.

Ảnh minh họa
Những chiếc xe đạp cứng cáp là niềm mơ ước của thanh thiếu niên một thời (Ảnh minh họa)

 

Dáng dấp chi không biết; tới thế hệ tôi, xe kiểu sườn trên đã lỗi mốt nặng, thành “kỳ quan” về sự không giống ai. Thêm nữa, chiếc xe đạp nhà mua từ hồi chị Hai còn đi học, kế tới chị Ba, anh Năm… Chưa kể, ngoài công dụng để tới trường, xe còn phải kiêm luôn trọng trách vô núi chở củi, ra đồng chở cỏ cho ba nên tới thời tôi trông nó nát như tương: chằng trước buộc sau, gỉ sét lỗ chỗ chẳng khác chiếc xe thồ của mấy bà đi mua nhôm nhựa. Xe cộ vậy mà bảo tôi leo lên đạp tới trường thì thà đi bộ cho xong. Vậy nên mới có chuyện nói phét với bạn bè cho đỡ ngượng.

Nhưng lên cấp III, trường cách nhà gần 10km. Muốn đến trường, tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận leo lên con ngựa sắt kỳ khôi đó. Mua xe đạp mới ư; đừng có mơ! Khoản này mẹ tôi rất chi “kiên định lập trường”. Xe đạp cũ còn tốt, không việc gì phải mua mới tốn kém. Đẹp xấu cái gì, đi học chớ đi đàn đúm ha…

Lý luận ấy “phủ quyết” mọi tranh luận. Tôi bậm môi cưỡi xe đạp cũ đi học. Bữa đầu thấy xe, lũ bạn cùng lớp trố mắt nhìn như nhìn… đĩa bay; sau đó phá lên cười. Thân hơn chút, chúng bắt đầu trêu; nào là: “kỳ (dị) quan duy nhất còn tồn tại”; nào là: “cưỡi xe này rủi té không chết vì chấn thương cũng chết vì… nhiễm trùng”; nghe ê cả mặt.

May, trong số bạn mới, tôi quen được con Lanh gần nhà. Nhà Lanh khấm khá, lên cấp III được gia đình sắm cho xe đạp Martin. Tính Lanh hào phóng với bạn. Thấy tôi khổ sở cùng chiếc xe đạp “kỳ quan”, Lanh đề nghị: hay bỏ xe mày ở nhà đi, tao qua chở.

Thiên địa quỷ thần ơi; với tôi, đó chắc chắn là câu nghe hay nhất trong năm; mà không, phải nói hay nhất trong… nhiều năm; tức tính từ khi tôi phải đối mặt cùng cái nguy cơ phải cưỡi con ngựa sắt “kỳ (dị) quan” kia đi học.

Theo xe con Lanh có chuyện hơi bất tiện. Xe không có ba ga sau để ngồi. Kệ, lợi dụng ưu thế nhỏ con nên tôi cứ đánh đu trước sườn xe cho Lanh chở đi chở về. Ngồi mỏi mấy cũng ráng chịu, cấm dám kêu ca. Ngoảnh lại ngoảnh đi thoắt cái 3 năm học cấp III đã vèo trôi. Tôi thi đậu cao đẳng sư phạm, xuống phố nhập học. 

Giờ mới thực sự “hết đường” trốn chiếc xe đạp cũ. Cả xóm chỉ mình tôi thành bà tân sinh viên ra phố, không có bạn đồng hành để mong đi nhờ xe. Với lại, đường xuống phố xa lắm, đi xe đạp một mình còn mệt, ai đâu chịu chở.

Tôi lên cao đẳng, mẹ không mua xe mới nhưng có dắt “kỳ quan” ra tiệm sơn sửa tí chút, lắp thêm cái giỏ cho tiện chở đồ đạc và… dễ coi hơn. Nói dễ coi là so với bộ dạng tiêu điều của nó khi xưa; chớ xuống nhà xe của trường, dựng bên lũ xe pháo mini, Martin… sáng choang của đa số sinh viên, đương nhiên kỳ quan vẫn cứ… kỳ quan không đổi.

May cái, sinh viên cao đẳng đông nườm nượp, ít ai để ý đến ai nên đầu tuần tôi cứ xuống sớm, ném đại “kỳ quan” vào một góc nhà xe, sau đó ôm đồ đạc đi bộ lên phòng. Đương nhiên cả tuần, tất tật mọi “di chuyển nội bộ” (đi mua cơm, đi thư viện…) đều ráng cuốc bộ hoặc đi nhờ xe bạn.

“Kỳ quan” cứ nằm im, nhẫn nhục đợi đến cuối tuần mới được tôi lựa lúc vắng người len lén dắt ra, lên yên phi thẳng một hơi về nhà, bụng thầm mong đi đường đừng gặp đứa bạn nào phất phơ chứng kiến cái bộ dạng tôi lúc đó (chắc rất chi giống… chàng Don Quixote đang cưỡi con ngựa Rocinante, là tôi nghĩ vậy).

Xe đòn ngang (Ảnh minh họa)
Xe đòn ngang "xịn"  trên đường (Ảnh minh họa)

 

3 năm cao đẳng trôi qua như giấc mộng dài. Thật may, cũng không đến mức thành… ác mộng như lúc đầu tôi tưởng. Con người dễ thích nghi cùng hoàn cảnh, nhất là khi ta còn trẻ. Khi chẳng còn gì để chọn lựa thì đành “an tâm công tác”; riết rồi quen. Ngày ấy tôi oán mẹ vụ bắt tôi đi xe đạp cũ, nhưng sau này nghĩ lại mới thấy thương. Không có cái đức cần kiệm, chi li đến nghiệt ngã kia, bà nông dân nghèo sao nuôi nổi một bầy con ăn học tới nơi tới chốn? Đức tính ấy, về già mẹ vẫn quen nếp cũ.

Lâu tôi về chơi, thấy chiếc xe “kỳ quan” dựng bên hè, ngạc nhiên: ủa xe còn xài được hả mẹ? Chớ sao không được? Thằng Năm biểu vứt, mua xe mới, nhưng mẹ không cho. Xe sửa mất ít tiền lại chạy tốt có sao đâu. Đẹp xấu cái gì… 

Y Nguyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI