Chiếc vespa xông đất của người về từ bệnh viện

25/01/2020 - 11:20

PNO - Thanh âm đầu năm thật sự chẳng có gì ngọt ngào hay nhẹ nhàng, vì sáng mùng Một tết là lúc ba tôi trở về nhà sau một ca trực đêm giao thừa trên chiếc xe vespa kiểu cổ đầy “cục cằn” và nặng nề.

Sáng mùng Một tết, nhà người ta khởi đầu bằng tiếng chúc tụng nhau, hay bằng những giai điệu hồ hởi phát ra từ ti vi, đầu đĩa. Bởi người Việt quan niệm, ngày mùng Một phải là người hạp mạng với gia chủ, hoặc năm hoàng đạo, đến xông đất cùng những âm thanh tích cực mới mang lại vận may.

Nhưng nhà tôi thì khác, thanh âm đầu năm thật sự chẳng có gì ngọt ngào hay nhẹ nhàng, vì sáng mùng Một tết là lúc ba tôi trở về nhà sau một ca trực đêm giao thừa trên chiếc xe vespa kiểu cổ đầy “cục cằn” và nặng nề. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba tôi là bác sĩ trưởng khoa ở bệnh viện tỉnh, đã là bác sĩ thì có phút giây nào mà không chạy đua với thời gian để giành giật sự sống, bất kể ngày hay đêm. Và tất nhiên, dịp tết cũng chẳng ngoại lệ. Có năm, khi mới mùng Hai, ba tôi vừa gắp một khoanh bánh tét, vài miếng củ kiệu cho vào chén thì đã vội buông đũa, tất tả trở lại bệnh viện vì một ca cấp cứu hoặc bệnh nhân chuyển biến xấu, cần y lệnh của trưởng khoa. 

Đến khi ba trở về, trời cũng đã ngả tối, cả nhà lo lắng, nhưng chẳng ai dám biểu lộ điều ấy ra, vì sợ ba… lo ngược lại, và cũng sợ thốt ra những từ đen đủi ảnh hưởng đến “tài vận” cả năm. Như đọc được ánh mắt của cả nhà, ba cười rồi buông câu đùa nhẹ tênh: “Người thì còn nghỉ ngơi ăn tết chứ bệnh tật có chịu nghỉ tết bao giờ”. 

Bao mùa tết trôi qua, nhà tôi cũng dần quen với cảnh vắng mặt ông những ngày đầu năm mới, sau đó “mở rộng” ra không chỉ là đêm giao thừa hay ngày mùng Một, mà còn vào nhiều dịp lễ khác trong năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lúc đầu, chị em tôi còn mè nheo hỏi từng người lớn trong nhà, vì sao mãi chẳng thấy ba về chở đi chơi? Nhưng càng lớn, phần hiểu chuyện, phần đã quen với “hiện thực” ấy, chúng tôi đều ngầm hiểu rằng, âm thanh cục cằn “mở hàng” năm mới của chiếc vespa đã nói thay cho ba tôi rằng, đêm qua, các bệnh nhân đã có những khoảnh khắc giao thời khỏe mạnh và bình yên, dù họ không thể quây quần bên gia đình; đôi khi cũng là lời thì thầm kể về một mạng sống đã được những thiên thần áo trắng giành về từ lưỡi hái thần chết. Tiếng pô xe lạch bạch, thô cứng ấy gợi nhắc cho tôi những hy sinh thầm lặng của ba - một vị bác sĩ tận tâm và đáng kính. 

Bất kỳ thứ gì lặp đi lặp lại mãi cũng sẽ trở nên nhàm chán, nhưng có những điều người ta cứ mong chúng hãy cứ “nhàm chán” như thế. Với tôi, đó chính là một sáng mùng Một se se chút hơi lạnh ẩm ướt đặc trưng xứ biển, có chậu mai của ông tranh nhau nở hoa bung xòe trước hiên, nồi thịt kho kiểu Huế của bà, vẫn đôi bàn tay mẹ thoăn thoắt cắt bánh tét thành từng khoanh, và chắc chắn chẳng thể thiếu tiếng nổ lạch bạch từ chiếc vespa cổ của ba thay tiếng pháo giòn giã… 

Lưu Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI