Chiếc túi truyền thông

17/12/2019 - 06:30

PNO - Chị pha mực, đổ mực lên khuôn rồi gạt mực để in từng dòng chữ “nói không với túi ni-lông”, “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”… trên những chiếc túi vải như một người thợ in thủ công lành nghề.

Chị là Huỳnh Thị Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN P.9, Q.11.

Mô hình “May túi vải bảo vệ môi trường” được Hội Phụ nữ P.9, Q.11 thực hiện từ tháng 6/2019. Mô hình xuất phát từ việc muốn có một sản phẩm của riêng Hội để mỗi khi nhìn thấy, chị em và bà con lại nhớ và ý thức được việc phải chung tay chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường sống. 

Để thực hiện ý tưởng, Hội tập hợp một số chị em biết nghề may và nhóm hiện có năm thành viên. Riêng phần mình, chị Trúc đảm nhận vai trò tìm kiếm đơn hàng, mua vải, chọn mẫu. Mỗi tháng, nhóm họp để tổng kết hoạt động, đánh giá sản phẩm làm ra rồi cùng rút kinh nghiệm.

Chiec tui truyen thong
Nhóm may túi vải tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm túi vải thân thiện với môi trường
 

Để sản phẩm ngày càng đẹp và tốt, chị Trúc lên mạng tìm mẫu, trao đổi cùng các thành viên để thống nhất mẫu mã, số đo rồi mới phân công người cắt, người may, người ủi. Công việc không làm khó được các chị, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng chiếc túi hoàn thành nhìn vẫn còn đơn điệu nên chị Trúc nghĩ phải in thêm cái gì đó lên túi để nhắc người sử dụng nhớ đến thông điệp bảo vệ môi trường. 

Chị về nhà tìm anh rể để học nghề in. Được thực hành in trên giấy, trên vải nhiều lần, tưởng chừng đã quen tay, nhưng đến khi thực hiện đơn hàng 100 chiếc túi vải đầu tiên chị Trúc lại lúng túng và in hỏng. Chị ôm hàng về nhờ anh rể hỗ trợ và học được thêm kinh nghiệm. Nhờ đó, đến nay tất cả đơn hàng chị đều thực hiện trơn tru. 

Cầm chiếc túi vải trên tay, ai nấy đều thích thú vì nó dễ xếp gọn khi mang đi chợ, chất liệu vải cũng nhanh khô. Cả nhóm phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh, thành viên của nhóm, nói: “Chỉ mong sao chiếc túi vải mình làm ra được chị em luôn sử dụng để thay thế túi ni-lông khi đi chợ”.

Chị Oanh năm nay đã ngoài 50 tuổi, có gần 30 năm gắn bó với nghề may. Trước đây, chị từng mở tiệm may, nhưng do công việc ngày càng ế ẩm nên chị đóng cửa tiệm, về nhà nhận may quần áo cho bà con quanh xóm và một số khách quen… Công việc cũng tạm đủ sống. Chị Oanh phấn khởi: “Từ nửa năm nay, nhờ may túi vải mà chị em chúng tôi có thêm việc. Chịu khó mỗi ngày ngồi thêm một vài tiếng cũng có tiền đi chợ”. Rồi chị lấy ra khoe chiếc túi vừa may xong, có kích thước nhỏ gọn, chất liệu vải dày dặn. 

Qua sáu tháng hoạt động, mô hình đã dần phát huy được hiệu quả và may được gần 700 chiếc túi. Ngoài những chiếc túi vải thân thiện với môi trường, Hội nhận thêm các đơn hàng may túi vải đựng chai nước thủy tinh. Các mẫu túi cũng thay đổi theo yêu cầu khách hàng. Ngoài ra, mỗi tháng, Hội được hội viên gia đình làm nghề dệt tặng vải để may những chiếc túi thu gom ve chai, phế liệu cho các hội viên trong các hoạt động bảo vệ môi trường của Hội. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI