13 lần vượt cạn, 10 lần tự đỡ đẻ
Mỗi khi có dịp ra nước ngoài, ông Nguyễn Hữu Từ (Q.8, TPHCM) vừa tham quan cảnh đẹp vừa không quên dò hỏi những người bản xứ xem nước họ có bà mẹ nào như mẹ mình. Có người trả lời: “Nước tôi không có chiến tranh, không có bà mẹ nào như thế”. Có người bảo: “Tôi biết có gia đình nuôi 13 con thành nhân nhưng có đủ vợ chồng”.
Quay về nước, từ trên không trung, nhìn dải đất hình chữ S của nơi chôn nhau cắt rốn hiện dần, ông Từ trào nước mắt, thầm gọi: “Mẹ!”.
Quê ông Từ ở xóm Quang Sơn, xã Hải Quang, H.Hải Hậu, Nam Định. Sau ngày đất nước giành được độc lập 2/9/1945, bố ông là cụ Nguyễn Mạnh Tứ hoạt động cách mạng và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào năm 1947.
Không may, năm 1949, bố ông bị địch bắt giam ở nhà thờ Bùi Chu (cách nhà đến 25km), hằng ngày, bị tra tấn dã man và bỏ đói. Mẹ ông phải gói cơm nắm muối vừng vào lá chuối khô, vài ngày lại lội bộ đưa cơm cho chồng.
|
Bức ảnh quý chụp cùng mẹ kính yêu, ông Nguyễn Hữu Từ luôn mang theo bên mình |
Năm 1951, địch giải bố ông về nhà thờ Quế Phương (cách nhà 4km). Sau một trận đòn nhừ tử, tưởng ông đã chết, địch vứt xác ông ra hàng rào. Một cơn mưa kỳ diệu đã đưa bố ông quay lại trần gian. Nhờ một lương y cứu giúp, bố ông đã được về với gia đình một cách an toàn và sau đó lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
Căn bệnh gan đã cướp bố ông vĩnh viễn vào năm 1971. Khi đó, mẹ ông tên Đỗ Thị Mão (bà Tứ) mới 45 tuổi, một nách 12 con thơ dại và đang mang thai bốn tháng đứa thứ 13. Nhìn đàn trẻ mang vành tang trắng òa khóc bên quan tài, nhiều người khuyên mẹ ông nên gửi các con nương nhờ nhà chùa, nhà thờ, đứa lớn hơn thì cho đi giúp việc nhà người. Giải pháp có vẻ thiết thực nhưng các con lại tan đàn xẻ nghé, mẹ ông quyết giữ các con lại.
Từng là một quân nhân xông pha trên chiến trường, một doanh nhân dày dạn trên thương trường nhưng khi làm thơ về người mẹ vĩ đại thì nước mắt ông Từ lại nhạt nhòa trang giấy. Trong bài thơ Con cháu đời đời nhớ ơn mẹ, ông viết: “Ngôi nhà như con tàu rệu rã giữa biển xa/ Giông tố mịt mùng bão táp phong ba/ Muốn dìm con tàu xuống lòng biển cả/ Cả đàn con phải làm mồi cho đàn cá/ Còn con tàu chìm xuống đáy đại dương/ Mẹ vùng dậy, làm thuyền trưởng can trường/ Quyết vững lái, đưa đàn con cặp bến…”.
Với ông Từ, xót xa nhất là chuyện mẹ tự đỡ đẻ. 13 con, 13 lần “vượt cạn”, chỉ ba lần nhờ bà mụ, còn 10 lần bà tự đỡ. Hễ thấy bụng trằn trằn có dấu sinh là tối đó mẹ Tứ hơ hơ liềm cắt lúa lên bếp lửa để tiệt trùng, dùng để cắt dây rốn sau khi con lọt lòng. Nằm nghỉ một chút, mẹ đứng lên tự đi chôn nhau ở sau nhà. Sinh cậu út, phân vân chưa biết đặt tên gì, mẹ lại hỏi ý ông Từ vì bố đã mất mà ông Từ lại là con trai đầu. Nhìn em út trắng trẻo, khôi ngô như một mầm non vươn dậy, ông bật ra chữ Lộc. “Đặt tên út là Lộc đi mẹ! Bố mất rồi như cây đã khô nhưng lộc xanh tươi vẫn nảy từ cây khô đó”, ông nói. Mẹ ông đỏ hoe mắt, gật đầu.
Nằm ngửa nhớ con, nằm nghiêng nhớ cháu.
Dù mẹ Tứ không được học nhiều, nhưng thiên chức thiêng liêng làm “thuyền trưởng” đã khiến mẹ thành nhà hoạch định chiến lược tài giỏi. Kế hoạch ngắn nhất là sáng ra các con ăn gì, tối đến thắp gì cho sáng để học bài. Con gà sắp ấp trứng mà nhà thiếu rổ, mẹ tính tới tính lui, cuối cùng bèn chế biến ổ rơm từ cái thúng đã tuột vành. Và kế hoạch lâu dài phải sửa sang ngôi nhà có nguy cơ đổ sập, sau tám năm thành ngôi nhà vững chãi.
Càng thiếu thốn, chật vật, mẹ Tứ càng dạy các con ngay thẳng, thật thà, “đói cho sạch, rách cho thơm”, không lấy cắp của ai dù là một trái ổi, củ khoai. Thuở ấy, mẹ Tứ thường căn dặn: “Nghèo đói thì cả nước nghèo đói chứ có phải riêng nhà mình đâu mà lại lấy cắp của người ta”.
Thời tiết thất thường, đàn gà, heo của mẹ Tứ vẫn không bị dịch bệnh, vẫn đều đều cho trứng, cho thịt và cho phân để bón lúa tốt tươi. Khi các con đã ngủ, mẹ Tứ mới bắt đầu đi mót củ khoai, củ chóc… Mẹ đi bất chấp gió mùa đông bắc rét cóng. Những đợt giông bão lùa về, mẹ Tứ sợ sập nhà đè chết các con nên làm ngoài đồng mà mắt vẫn ngoái trông hướng nhà mình.
Với “tầm nhìn” của người “nội tướng”, khi ông Từ lấy vợ ở tuổi 20, mẹ Tứ khuyên hai vợ chồng nên ra riêng. Để tránh vợ chồng ông lầm tưởng mẹ muốn cách biệt, chia xa, mẹ Tứ ân cần giải thích: “Nhà mình nghèo quá, xập xệ, không cửa nẻo lại chen chúc, chật chội. Người ta nhìn vào sẽ không ai dám gả con gái thì các chú em của con không khéo sẽ ế dài, tội lắm!”.
Thời gian trôi, các con lớn khôn như những cánh chim bay xa, chỉ còn lại một cụ bà lưng gù thui thủi trong căn nhà xưa. “Người gù cũng như chiếc thuyền nan. Nằm ngửa nhớ con, nằm nghiêng nhớ cháu, bâng khuâng ngồi dậy nhớ thương chồng. Quay mặt phía Bắc, cụ nhớ và lo toan, tính toán cho các con cháu ở Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh; quay mặt phía Nam, cụ nhớ và lo toan, tính toán cho các con cháu ở Nghệ An, TPHCM, Tây Ninh…”, ông Từ miên man hoài niệm về mẹ.
Thật lạ là có một dạo, nhà ai trong vùng cũng mất trộm, riêng nhà cụ Tứ tuyệt nhiên không bị mất dù cụ ở một mình, nuôi đàn gà vịt mấy chục con. Một lần về thăm quê, vô tình gặp tên trộm “khét tiếng” của vùng, ông Từ đã giải được ẩn số ấy. Nhắc đến cụ Tứ, tên trộm bỗng chắp tay vái lạy: “Ôi cụ Tứ! Tôi bái phục cụ ấy! Tôi bái phục cụ ấy!”.
|
Cụ Tứ cùng 13 người con, ảnh chụp năm 2001 (ông Nguyễn Hữu Từ đứng rìa trái) |
Thì ra, với người nghiện rượu, chuyên ăn trộm, vào tù ra khám này, ai cũng khinh khi, xa lánh, chỉ có cụ Tứ chào hỏi, động viên: “Bác mới về đấy à! Ở trong ấy có khổ lắm không? Thôi giờ cũng lớn tuổi rồi, sửa đổi, chừa dần đi bác ạ!
Các cháu đã lớn cả rồi, lại còn thông gia thông giáo nữa chứ…”. Cụ móc trong túi ra ít tiền và nói: “Tôi nghèo lắm, có tí cho bác để khi thèm rượu quá thì uống tí chút và cũng bỏ dần đi cho khỏe!”. Lòng nhân ái của cụ đã khiến cho cả người bất lương cũng lay động tâm can.
Đầu mùa đông, đại gia đình ông Từ kỷ niệm 20 năm ngày cụ Tứ mất nhưng vẫn còn đây những câu chuyện ấm lòng… Và ông Từ vẫn mải miết đi tìm trên thế gian này hình bóng chiếc-thuyền-nan-từ-mẫu chở đầy nhân nghĩa, vị tha, cả đời thầm lặng đón đưa con cháu cập bến bờ hạnh phúc… Đại gia đình giờ đã có 139 cháu chắt, trong đó có 36 cháu là luật sư, kỹ sư, thạc sĩ, cử nhân nhiều ngành nghề, cùng nâng bước nhau và góp ích cho xã hội.
Tô Diệu Hiền
Nếu thời gian quay trở lại Nếu thời gian quay trở lại, mẹ còn bên cạnh, tôi sẽ làm ba điều. Điều thứ nhất là lo đầy đủ vật chất, bồi dưỡng ăn uống, lo thuốc men cho mẹ nhiều hơn. Lời kể của một sư thầy ở quê nhà hồi đầu năm nay về chuyện hơn 20 năm trước khiến tôi ray rứt về sự vô tâm của mình. Số là mỗi khi các con cháu cho tiền, cho thức ăn, cụ liền giấu giếm, âm thầm đem dâng cho chùa và san sẻ cho người nghèo, chỉ chừa lại một phần hết sức khiêm tốn. Vậy mà tôi vẫn đinh ninh, tự hào rằng mình đã lo cho mẹ đầy đủ. Nếu tôi biết điều này, tôi sẽ biếu mẹ nhiều hơn nữa. Có cả phần riêng cho mẹ và cả phần để mẹ giúp đỡ cho những mảnh đời trong xã hội để mẹ không phải sống cảnh thắt lưng buộc bụng khi điều kiện kinh tế của các con cháu đã ổn định hơn xưa. Điều thứ hai là hỏi kỹ và ghi chép lại kho tư liệu về lịch sử, tích truyện, hò, vè, ca dao, hát ru của hàng huyện hàng tổng quê mình mà mẹ lưu giữ bằng bộ não siêu việt. Đó cũng là những lời nghĩa nhân cho các con cháu vịn vào và đứng vững trong đời. Đồng thời tôi sẽ tạo điều kiện cho mẹ xem nhiều chương trình nghệ thuật, phim ảnh mà mẹ yêu thích. Điều thứ ba là tôi ôm mẹ nhiều hơn, hiểu nỗi lòng của mẹ nhiều hơn; thường xuyên gợi mở để mẹ bộc bạch những tâm tư sâu kín, những ước mong ấp ủ trong lòng để giúp mẹ toại nguyện. Nguyễn Hữu Từ |