Chiếc thang máy chở yêu thương

19/02/2025 - 06:23

PNO - Tôi biết ba có cảm giác bất lực khi đôi chân không thể chủ động lên lầu thắp hương cho ông bà, tổ tiên.

Đối với tôi, mùa xuân năm nay thật dài, thật ấm, dù tết trôi qua cũng gần 1 tháng rồi. Không chỉ vì cả gia đình tôi đã có một tấm hình chụp chung, đầy đủ trọn vẹn theo mong ước của ba tôi, mà còn bởi tết năm nay tổ ấm của chúng tôi tại Đà Lạt bỗng xôn xao… vì có thang máy!

Nghe qua tưởng nhà được nâng cấp sang trọng, nhưng thật sự chỉ là ba mẹ tôi đầu tư gắn thêm thang máy vào ngôi nhà sẵn có. Cá nhân tôi còn thấy cái thang hơi lạc quẻ về màu sắc trong một căn nhà phố bình thường…

Nhưng cả nhà mừng, vì từ nay ba có thể thoải mái lên lầu khi muốn. Chân ba vốn yếu nên suốt một thời gian dài ông phải ở tầng trệt. Trời phố núi những tháng giao mùa lại rất lạnh. Tôi nhớ một cái tết nọ, đúng vào mồng Một, ba đi xuống, bước không vững nên đã té, may ông bà tổ tiên đỡ nên ba không sao.

Tết năm đó chị em tôi ở nhà chồng, không về Đà Lạt được, nên ba mẹ giấu luôn, mỗi lần gọi điện lại thấy lạ nên thắc mắc: “Sao tết mà ba cứ nằm nghỉ hoài”…

Mỗi lần về thăm nhà, tôi thấy ba lên cầu thang phải có người đỡ rất khó khăn. Khi mẹ đi vắng, cần lên lầu, ba lại tự vịn để đi, đôi khi có tâm lý sợ phiền nên ông cứ ráng… Tôi luôn cảm giác bất an, lo sợ, nghĩ tới việc nếu lỡ ba bị té, sẽ không dễ gì may mắn như lần trước.

Chúng tôi từng sắm một cái giường để ở tầng dưới, an tâm là ba sẽ không cần lên xuống, tránh được nguy cơ té cầu thang, nhưng tôi rất xót xa thương ba vì trời lạnh, giường lại gần phía sau nhà. Mỗi lúc Đà Lạt trở rét, chị em tôi lại thấp thỏm…

Ba của tác giả ăn bận tươm tất lên xuống thang máy để thắp hương cho tổ tiên, ông bà
Ba của tác giả ăn bận tươm tất lên xuống thang máy để thắp hương cho tổ tiên, ông bà (ảnh tác giả cung cấp)

Trước đây, tôi hay mong ba mẹ xuống TPHCM chơi để gần gũi con cháu, nhưng con tôi cũng đi học vắng cả ngày, chân ba yếu nên chẳng đi đâu, tất cả sinh hoạt chỉ trong căn nhà phố. Chiều chiều ông bà đợi 2 cháu ngoại về chơi cùng. Vậy nên có một thời gian, cả nhà thấy ba nóng tính hơn, hay bực bội, có những bức xúc không tên, rồi lại hay thở dài… Thâm tâm tôi biết ba tự ti, là cảm giác bất lực và khắc khoải khi đôi chân không còn có thể chủ động lên lầu thắp hương trên bàn thờ ông bà, tổ tiên…

Rồi thì câu chuyện “làm thang máy” được mang ra bàn bạc. Ban đầu mọi người đều thấy không khả thi vì phải thay đổi kết cấu nhà hoàn toàn và chi phí dội lên. Nhưng ba vẫn muốn làm, và chúng tôi đều cố gắng để ngôi nhà cuối cùng có được chiếc thang “nối những tầng vui”.

Suốt thời gian thợ làm công trình thang máy, ba mẹ phải chuyển qua một nơi khác ở tạm. Chẳng biết mấy anh thợ có nhột không, vì có một camera chiếu thẳng vào thang máy và ba ngồi xem camera cả ngày! Không phải vì kỹ tính khó chịu gì đâu, mà bởi ba quá nóng lòng mong mỏi…

Tết rồi về, tôi thấy ba tăng 3 ký. Ai nhìn thì nghĩ nay ba lên lầu ngủ ngon hơn, nhưng tôi biết, thật ra có một giá trị ẩn đằng sau câu chuyện thang máy. Ba tôi phấn khởi vì sau nhiều năm chân yếu nên không lên lầu thắp hương cho ông bà được, nay đã có thể tự tay làm việc đó. Nỗi niềm canh cánh được gỡ bỏ khiến tinh thần ba tôi vui hơn, phấn khởi bởi cảm thấy tròn trách nhiệm với tổ tiên. Rồi ba ăn ngon, ngủ sâu giấc, đặc biệt dễ tính hơn, rất ít khi cáu bẳn như trước đây.

Chúng tôi mua thêm một cái sofa đặt ngay cạnh phòng thờ, chỉ để mỗi ngày ba bấm thang máy lên ngồi nghỉ, ngắm nghía, tự sự vui buồn. Tôi tin rằng đấy là cảm giác vui mừng không tả nổi, là sự ấm áp khi ba thấy bản thân đã tự làm được phần việc thiêng liêng mà không cần vợ con phụ giúp.

Ngày tôi khoe nỗi xúc động về chiếc thang máy lên mạng xã hội, ba liền nhắn để gửi thêm mấy tấm hình cho sinh động. Thế là tôi có một loạt hình trích xuất từ camera. Nhà 3 tầng nho nhỏ mà ba mắc 8 camera, theo ba lý giải là để “được ngắm mọi ngóc ngách trong nhà, mỗi lần đi Sài Gòn thăm cháu, ông mở camera coi cho đỡ nhớ”.

Võ Thuý Hằng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI