Chiếc "nón cời" của mẹ

15/12/2020 - 09:30

PNO - Áo dài bao giờ cũng còn thêm chiếc nón lá. Có như thế mới đúng điệu. Phải rồi. Nhưng chiếc nón ấy, với người phụ nữ Việt Nam ở mỗi độ tuổi mỗi khác.

“Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi. Mơ thấy bên lề cuộc đời. Áo dài đùa trong nắng cười…”. Ca từ này của nhạc sĩ Phạm Duy, lạ thay mỗi lần hát lên, tự dưng trong lòng tôi trào dâng một nỗi ngậm ngùi. Rét buốt. Tưởng chừng như hun hút từ trong xa vắng, có ngọn gió của ngày tháng cũ vọng về. Thương nhớ khôn nguôi. Và lại nghe thấy đâu đó có tiếng nói cười lúc mẹ mình thời còn son rỗi.

Tại sao thế? Áo dài bao giờ cũng còn thêm chiếc nón lá. Có như thế mới đúng điệu. Phải rồi. Nhưng chiếc nón ấy, với người phụ nữ Việt Nam ở mỗi độ tuổi mỗi khác. 

Tôi còn nhớ hồi bé xíu, lần nọ, ba tôi đi Huế về, quà ông tặng vợ là chiếc nón Huế. Nón trắng muốt. Quai lụa màu tím. Mẹ tôi thích lắm. Chỉ lúc nào lên chùa vào dịp hội hè, lễ tết mới đội, không chỉ để che nắng, mà còn là một cách làm duyên.

Khi còn trẻ, bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn làm duyên, và thời xa xưa đó, cái duyên nhất vẫn là chiếc áo dài và nón lá. Vậy nên, qua quan sát món quà của mẹ mình, tôi đã có cảm tình với chiếc nón lá từ lúc hỉ mũi chưa sạch, ăn chưa no lo chưa tới. 

Nón Huế ngày ấy, còn có tên gọi cực kỳ thơ mộng là “nón bài thơ”. Người ta làm khéo lắm, nón không chỉ là nón mà còn là nơi gửi gắm tình cảm yêu thương giữa người tặng và người nhận. Tôi còn nhớ, khi cầm chiếc nón đưa lên trước mắt, nhìn qua vành nón sẽ thấy hiện lên những câu thơ khác nhau, tùy tâm trạng mà người mua sẽ chọn cho phù hợp với tâm sự của mình.

À, những câu thơ đó là gì nhỉ? Tôi vẫn còn nhớ lõm bõm, đại khái như “Anh ra thăm đất Thần Kinh/ Mua chiếc nón lá tâm tình tặng em”; “Thương ai nắng dãi mưa dầm/ Lời thương anh gửi xin cầm trên tay”… Mỗi chiếc nón Huế đều có những câu mộc mạc như thế. Âu cũng là một cách “thay lời muốn nói”.

Tôi còn nhớ, sau này khi chị Ái lên trung học, mẹ tôi không còn trẻ, bà đã tặng lại chiếc nón cho chị. Chẳng rõ chị Ái có đội trong những ngày mới về làm dâu ở quê chồng hay không, vì lúc đó, tôi đã đi bộ đội.

Những chiếc nón, nghĩ tới đã thương
Những chiếc nón, nghĩ tới đã thương

Mỗi lần nhớ đến “chiếc nón bài thơ” xa xưa ấy, tôi lại hình dung ra ký ức tốt tươi nhất đời mình, vẫn là ngày tháng: “Trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya/ mẹ khỏe mạnh giã gạo/ hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại/ thuở ấy mẹ mới về với cha/ mới nghĩ vậy thôi con sung sướng khóc òa/ một niềm vui vĩnh cửu”

Sau này, khi đã tay bồng tay bế cả tám người con, thời son rỗi đã qua, mẹ tôi lam lũ buôn bán ngoài chợ Cồn cũng vẫn đội nón. Nhưng lại là chiếc nón khác, rẻ tiền hơn, đội thường xuyên mỗi ngày từ nhà ra đến chợ. Và cứ đội mãi, dù chiếc nón ấy dẫu ngày càng cũ, dẫu rách, dẫu đến lúc người ta gọi đó là nón cời. Vậy mà mẹ tôi vẫn không bỏ đi, có lần tôi hỏi cơn cớ làm sao, bà vừa nhai trầu vừa đọc câu ca dao, nay tôi vẫn còn nhớ như in: 

Vô duyên dầu mặc áo sa
Áo ra đàng áo, người ra đàng người
Có duyên dầu mặc áo tơi
Đầu đội nón cời duyên vẫn còn duyên.

Vốn từ “nón cời” đã có trong trí nhớ của tôi từ dạo ấy. Nếu không được mẹ thỉnh thoảng dẫn ra chợ, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ biết đến chi tiết này: thời đó, những người buôn gánh bán bưng ngoài chợ, dù bày bán dưới đất hay có sạp thì mỗi ngày đều đóng thuế. Tôi nhớ là người đi thu thuế mặc áo ka ki màu sẫm, đầu đội chiếc nón nhựa màu trắng ngà - sau này xem phim, tôi thấy mấy ông hội đồng thời Pháp thuộc hay đội. Trông bảnh tỏn lắm.

Ai bán cứ bán, ai buôn cứ buôn, thấy ông đi ngang qua là đưa vội dăm đồng tiền lẻ, không ngẩng đầu lên, nhận xong, không nói không rằng, ông ta lại dán con tem nhỏ xíu lên chiếc nón cời của người đó.

Trải qua năm tháng, tôi thấy trên chiếc nón của mẹ tôi chi chít những con tem xuôi ngược, không theo trật tự nào cả. Trông cũng ngộ nghĩnh, thích mắt. Vừa rồi, khi tham gia chương trình Ký ức vui vẻ, tôi có kể lại và sung sướng nhất là sau đó nhiều bà cụ xem xong đã khen tôi có trí nhớ tốt. Ấy là nhờ thời bé xíu được theo mẹ ra chợ.

Ôi chao, chiếc nón cời của cái thời “một ngàn chín trăm hồi đó” làm sao có thể quên được - khi mà nó đã gắn với kỷ niệm về mẹ của mình? Tưởng chừng như mẹ vẫn còn hiện diện đâu đây trong cõi trần gian này, vẫn đội nón cời, vẫn lam lũ nuôi chồng nuôi con: “Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi. Mơ thấy bên lề cuộc đời. Áo dài đùa trong nắng cười…”. 

Nghe mà ứa nước mắt. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI