PNO - PNCN - Một ngày giữa thu, tiếng trống cắc tùng múa lân ngoài sân đình làng Hạ theo gió lan vui khắp xóm. Trong căn nhà tranh tuềnh toàng, cậu bé Năm một mình nằm trên chiếc chõng tre, mải mê ngó nghiêng cây đèn kéo quân ngộ nghĩnh treo...
edf40wrjww2tblPage:Content
Vết thương lòng đã xảy ra với Năm lúc tập tễnh cắp sách đến trường. Nhìn tụi bạn được cha cồng kềnh, xoa đầu mỗi khi được điểm giỏi mà Năm khát khao cháy cả lòng. Khát khao đó đã thúc giục Năm bạo dạn về nhà hỏi mẹ cha đâu thì lại bị mẹ cho một cái tát nổ đom đóm. Cái bạt tai đó khiến nỗi hoài nghi về người cha trong Năm càng mãnh liệt.
Một hôm, đang ngồi mơ màng trong lớp thì cô giáo làng, cũng là thím của Năm, dịu dàng tới bảo: “Con có muốn gặp mặt cha không?”. Ngỡ bà tiên hiện ra trước mặt, mắt Năm rơm rớm… Cô giáo lau nước mắt cho Năm rồi nói: “Thím nghe cha con mới du học về. Hiện đang ở nhà bà nội. Chắc vài ngày nữa ông sẽ ra với vợ con ở ngoài Trung. Thím cho con nghỉ buổi học để về gặp cha nghen!”.
Năm lao vút ra khỏi lớp mà quên cả cặp. Cậu chạy tới khu vườn lớn nhất làng, có cánh cổng thường ngày đóng im ỉm. Đó là nhà của bà nội mình, Năm nghe người ta nói thế. Đi hết con ngõ chè tàu sâu hun hút, qua một cái sân gạch rộng, Năm chen vào giữa đám đông đang kiễng chân nhìn vào bên trong nhà qua khung cửa sổ. Thì ra mọi người đang chăm chú nhìn những món đồ chơi tân kỳ chạy bằng pin trên bộ ngựa gõ, do một người đàn ông lạ, trắng trẻo trong bộ đồ sang trọng điều khiển. Tất cả họ trầm trồ với ánh mắt thèm thuồng. Bỗng một nông dân phát hiện ra Năm, anh ta liền kéo Năm vào đứng trước mặt người đàn ông lạ đó, rồi nói: “Cha mi đây, chào cha đi” và quay qua nói với người ấy: “Hắn là con của cậu đó, cho hắn con khỉ này nghen”. Vừa nói, anh ta vừa ấn món đồ chơi vào tay Năm. Năm ôm con khỉ biết đánh trống vào lòng mà quá ngỡ ngàng. Nhưng, người đàn ông trắng trẻo đã gỡ tay Năm ra khỏi món đồ chơi, và nói: “Không được, tất cả đã có chủ. Con khỉ này của thằng Ba”! Nói rồi ông ta móc ví lấy một tờ giấy bạc, lạnh lùng nhét vội vào túi áo Năm mà không hề nhìn mặt, không hề hỏi han nửa lời.
Tủi phận, Năm tách khỏi đám đông chạy thục mạng về nhà lăn đùng ra khóc. Tối về, biết chuyện Năm tùy tiện đi gặp cha, mẹ liền “an ủi” bằng một trận đòn thừa sống thiếu chết. Đánh con xong, mẹ nó ôm mặt khóc nức.
Kể từ đó, nỗi hoài mong về người cha trong Năm lịm tắt.
Ảnh: Khắc Hiếu
Cậu ngạc nhiên là vì sao người lớn lại khó hiểu đến vậy? Khi cha còn sống, mẹ thù hằn. Ai hỏi tới thì giận dữ như bị chọc vào vết thương đang mưng mủ. Vậy mà nay ông mất, mẹ lại đau khổ. Mẹ Năm nước mắt ràn rụa bảo con: “Mau đứng dậy, theo mẹ ra ngoài làng thắp cho ba nén nhang đi con…”.
Đám tang cha Năm được quàn tại nhà tang lễ ở rìa làng, nơi lệ làng dành cho những người không may bị chết đột ngột giữa đường hoặc bị bệnh truyền nhiễm từ nơi khác đưa về. Nhìn xe cộ để bên ngoài và các điếu phẩm bày la liệt từ trong nhà tang lễ ra tận ngoài sân, thì đây là cái đám tang to nhất làng từ trước tới nay. Trong nhà tang lễ, bên chiếc quan tài được trang trí khá cầu kỳ, vợ của người quá cố tuổi ngoài 30, áo tang khăn sô đứng buồn ủ rũ. Phía sau lưng chị ta là cậu con trai tuổi độ lên bảy, tám, là anh cả của mấy đứa em đang đứng, ngồi lít nhít hơn nhau nửa cái đầu.
Bỗng tiếng râm ran trò chuyện, tiếng kèn trống và cả tiếng khóc trong nhà quàn trở nên yên ắng. Tất cả họ đang để mắt tới một phụ nữ dáng lam lũ, đầu choàng chiếc khăn nâu vụng về cố giấu hai mắt đỏ hoe, lộ khuôn mặt rám nắng vẫn còn lưu nét một thời xuân sắc. Tay chị cầm một bó nhang, tay kia dắt cậu bé chừng 10 tuổi, đen đúa, tóc vàng hoe. Hai mẹ con họ thẳng bước từ ngoài cổng vào nhà tang lễ. Một người làng bên tới phúng điếu, thấy lạ hỏi cụ già ngồi bên cạnh: “Chị ta là ai vậy thưa cụ?”. Được thể, cụ già “tuôn” một mạch: “Con nớ thì người trong làng ni ai cũng biết. Đời hắn khổ ải lắm. Lấy chồng lúc chưa đủ tuổi làm giấy kết hôn. Hơn 10 năm làm dâu đầu tắt mặt tối, đến nỗi cha mẹ ruột ở ngay trong làng đau ốm mà bà mẹ chồng cũng không cho về thăm. Trong khi hắn làm lụng vất vả, thì thằng chồng lên tỉnh ăn học, đỗ đạt xong là lấy vợ khác liền và ở trên nớ luôn. Đáng trách là chính bà mẹ chồng đứng ra cưới vợ hai cho con trai mà lại giấu biệt người con dâu đang ở với mình đến tận mười năm trời!”. Nghỉ một chút để lấy hơi, cụ già lại nói tiếp: “Giỏi thiệt! Mụ làm rứa là để bòn sức lao động của chị này. Nghiệt ngã hơn là dù thằng chồng có vợ mới nhưng thỉnh thoảng vẫn về “ăn cơm nguội”. Ngày nọ, chị ta khấp khởi khoe với mẹ chồng là mình đã có bầu. Ai ngờ cả mẹ chồng lẫn chồng lại vu oan cho chị ta chửa hoang rồi đuổi ra khỏi nhà. Không giấy kết hôn, chị ta đành ngậm nỗi đắng cay về nhà cha mẹ ruột sinh nở”.
Lúc này, người phụ nữ ấy đã dẫn cậu con trai đến đứng trước mặt một bà cụ dáng dấp sang trọng, vẻ mặt buồn xo, đang ngồi trên chiếc ghế mây đặt chếch bên trái quan tài. Chị ta quỳ xuống mà rằng: “Thưa mẹ, người ta nói một ngày cũng nên tình nên nghĩa, huống chi con có hơn mười năm làm dâu mẹ. Phận con mỏng nên bị gãy gánh giữa đường, tuy nhiên cũng sinh cho mẹ được một đứa cháu. Nay con đến xin mẹ cho cháu thắp một nén nhang dâng cha nó để tỏ lòng máu mủ. Dạ thưa, đây là lần thứ hai trong đời cháu được đứng cạnh cha mình đó mẹ!”. Bà cụ đưa mắt nhìn thằng bé, cũng là lần đầu tiên bà để tâm tới đứa cháu vô thừa nhận này. Khuôn mặt nó hoang dại, thiếu sự chăm bẵm nhưng đường nét sáng sủa, rõ là dòng giống nhà này không lẫn vào đâu được. Rồi đưa mắt nhìn vào chiếc mũ rơm và chiếc gậy tre đang để trên chiếc khay đặt bên trái bàn hương con mình. Bà lại nhìn cậu bé con của người dâu thứ hai đang đứng bên linh cữu cha ra chiều đăm chiêu suy nghĩ…
Chiếc mũ rơm đang để trên chiếc khay ấy, với người ngoài thì không ai để tâm, nhưng với người trong cuộc thì nó lại là một vật chứng khẳng định đứa cháu nào là đích tôn trong gia tộc bề thế, giàu có này. Đồng nghĩa người mẹ của nó cũng có một vị trí tương xứng trong dòng tộc. Quả là khó cho sự lựa chọn của bà, bởi cái nghịch cảnh chính do mình tạo nên.
Thật ra, lúc tang gia cử hành lễ thọ tang, bà (tức là bà nội mấy cháu) đã toan đội chiếc mũ rơm ấy lên đầu cậu con trai người vợ thứ hai của con mình. Nhưng đã bị ông trưởng tộc nhà chồng ngăn lại. Bà giận dữ nói ông không được can thiệp sâu vào gia đình mình, thì ông nhẹ nhàng nói: “Họ mạc là căn cứ vào huyết thống, xưa nay chúng tôi chỉ biết thuận theo lẽ trời, đứa sinh trước là anh là ả, đó là đạo lý chứ không lý lẽ, giấy tờ gì sất. Chị không công nhận thằng Năm nhưng chúng tôi thì có, lẽ nào chúng tôi lại quên cái ngày đám cưới của cha mẹ nó. Khi đó chị có mời bà con họ mạc tới ăn trầu kia mà”. Mấy lời cuối, ông gằn từng tiếng một: “Nếu chị làm khác đi thì e không có ai gánh đám đâu nhé”. Lời cảnh báo của ông tộc trưởng xem ra hiệu nghiệm.
Sau một hồi đắn đo, bà cụ bảo con trai thứ: “Cho cháu thọ tang cha nó đi con, nó là đích tôn nhà này đó”. Quyết định đó đã làm người vợ thứ hai chết lặng người, muốn gào lên nhưng chợt nghĩ làm như vậy sẽ tệ hại hơn. Cố nuốt nỗi bực tức vào lòng, chị ta hậm hực đứng nhìn Năm được dẫn tới trước linh cữu cha để người chú mặc áo tang và đội mũ rơm lên đầu.
Theo hướng dẫn của người chú, Năm quỳ xuống dâng hương bái lạy cha mình trong tiếng nhạc tế nhất tề xướng lên. Tiếng kèn, tiếng nhị nghe não nề, cộng với cái cảm giác di ảnh người chết cứ “trìu mến” nhìn trân trân vào mình, Năm bỗng khóc rống lên. Lúc này, tiếng nhạc điếu “khấp phụ” nghe ai oán, hòa cùng tiếng con trẻ khóc cha càng khiến người chứng kiến không thể nào cầm được nước mắt. Mẹ Năm quá bất ngờ về hành động của con mình, chị không ngờ tâm hồn trẻ con dễ rung động đến vậy. Quan sát con, chị lại phát hiện thêm cái bất ngờ nữa. Đó là khi nhìn xuống chân con, cậu ta… đã tè ra một vũng! May là cái quần tang khá rộng nên không ai nhận ra, chị nhanh trí đánh rơi chiếc khăn đội đầu xuống vũng “nước” ấy, rồi giẫm lên tìm cách lau sạch. Lo lắng, chị ghé sát tai con hỏi: “Sao vậy con?”. Và chưng hửng khi nghe Năm trả lời: “Mẹ ơi, con sợ… ma lắm!”.
Đến lượt mẹ Năm thắp nhang cho chồng, cố giữ cho đôi mắt ráo hoảnh, cũng không chít khăn tang, chỉ vái lạy chồng bình thường như bao người phúng điếu khác. Hành lễ xong, chị quay sang thưa với mẹ chồng: “Con xin lạy sống mẹ một lạy, cũng là cái lạy sau cùng nếu mai này mẹ có “quy tiên” con xin phép không có mặt”. Không đợi bà cụ phản ứng, chị liền quỳ xuống thực hiện lời nói mình. Với chị thì giờ đây lòng như gió đã đổi chiều - một chút lửa tình với chồng bấy lâu lưu giữ trong tim nay đã tắt, thì còn màng chi một ngôi thứ cho con, nơi mà tình thương không là nền tảng. Nhẹ nhàng cởi chiếc mũ rơm trên đầu con mình ra, đem đội vào đầu cậu con trai của người vợ thứ hai. Hôn lên trán cháu ấy một cái, xong chị cáo biệt tất cả tang gia và dẫn con ra về trước sự ngỡ ngàng của dân làng.