Chiếc máy và bước đi trước bệnh của thầy thuốc

05/10/2019 - 07:00

PNO - Trong cuộc đua marathon TP.HCM tổ chức đầu năm 2019, vận động viên Võ Văn T., 23 tuổi, tỉnh Bình Thuận, ngã quỵ ở cây số thứ 18.

Anh nhanh chóng được sơ cứu và đưa vào bệnh viện nhưng đã tử vong. Dư luận đau xót, người thân bàng hoàng, vì T. rất khỏe mạnh, đã tham dự nhiều cuộc thi chạy, leo núi và ở cuộc thi này năm ngoái, T. là một trong những người đầu tiên về đích...

Ở nước ta và trên thế giới có không ít trường hợp đang tham gia chơi, thi thể thao thì bất ngờ tử vong. Khám nghiệm tử thi mới biết tử vong do có bệnh lý về tim mạch, huyết áp… mà trước đó người bệnh không biết.

Thế nhưng, mới đây, chúng tôi chứng kiến thầy thuốc đi trước một bước. Đó là ở Phòng khám Đại học Y Dược 1, có một đội ngũ thầy thuốc đang dành một phần đời làm nghề của mình để phòng bệnh với những thiết y tế hiện đại và đã có những người thoát hiểm.

Chiec may va buoc di truoc benh cua thay thuoc
Chị Nguyễn Thị S., từ Bình Định vào để đo Cpet

Đánh thức nhu cầu 

Lúc 7g15, ngày 13/8, chị Nguyễn Thị S., 41 tuổi, ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đến Phòng khám Đại học Y Dược 1 đo gắng sức tim phổi (CPET). Bác sĩ (BS) Trần Quốc Tài hỏi: “Chị từ Quy Nhơn vào luôn à?”. 

Chị S. giải thích: “Tôi đi công tác, kết hợp làm test này luôn, vì tôi đọc báo thấy nói máy phát hiện bệnh tim mạch tiềm ẩn trong lúc vận động, gắng sức, mà ngoài tỉnh tôi chưa có”. 

Chị S. cũng cho biết, hai tháng trước, người bạn của chị đang chơi đá banh rồi lăn đùng ra chết, đưa vào bệnh viện, BS kết luận tử vong do đột quỵ, trong khi trước đó, bạn đi khám sức khỏe đều bình thường.

BS Tài trấn an: “Chị yên tâm, nếu chị có vấn đề về tim mạch, hô hấp tiềm ẩn thì đo CPET sẽ cho kết quả ngay”. BS Tài hướng dẫn chị S. đi chụp X-quang tim, phổi, đo đường thở, siêu âm tim, điện tim lúc nghỉ trước khi đo CPET. 

Cùng lúc đó, một thanh niên mặc áo thun bó ngắn tay, lộ cơ bắp chắc khỏe bước vào phòng đo CPET. Anh cầm trên tay đầy đủ kết quả hô hấp ký, siêu âm tim, X-quang phổi. BS Trần Quốc Tài nhìn bệnh nhân có ngoại hình đặc biệt, rồi nhìn vào hồ sơ thấy ghi Kiều M.S., 26 tuổi, ở Đồng Nai, nghề nghiệp BS. BS Tài cười, bắt tay bệnh nhân “hóa ra là đồng nghiệp.

Anh đã chuẩn bị đầy đủ các xét nghiệm rồi hả?”. BS - bệnh nhân nói: “Tôi chơi thể thao và tập gym mỗi ngày nên muốn làm CPET coi mình có bệnh tim mạch, hô hấp tiềm ẩn trong lúc vận động, gắng sức không”.

Anh M.S. ngồi lên xe đạp, bộ phận tạo công trong hệ thống CPET. BS Tài dặn: “Anh đạp theo hướng dẫn của tôi, từ nhẹ đến nặng. Trong quá trình đạp, nếu anh thấy mệt quá thì đưa tay ra hiệu”.  

BS Tài hô khẩu lệnh: đạp từ từ, đạp nhanh lên, hít thở sâu, thở mạnh ra… và mắt dán vào màn hình máy tính, với nhịp tim, thở, huyết áp hiển thị, cùng những thông số. Cuộc đạp xe vẫn tiếp tục ở mức 1 nhẹ nhàng. 

Màn hình báo hiệu huyết áp đang tăng quá nhanh, BS Tài ra hiệu lệnh cho điều dưỡng đo huyết áp lại bằng tay và kết quả hai lần đều là 260mmHg. Bệnh nhân vẫn rất khỏe nhưng BS Tài ra hiệu lệnh để bệnh nhân được hồi phục, bàn đạp xe đạp nhẹ lại và bệnh nhân đạp chậm lại.

BS Tài tư vấn cho bệnh nhân huyết áp tăng trong lúc gắng sức là tốt, nhưng tăng quá cao trong khi bệnh nhân chỉ mới bắt đầu đạp ở cường độ thấp là một chỉ dấu nguy hiểm. Đặc biệt, bệnh nhân không cảm nhận được và cảm giác còn rất nhiều sức, có thể đạp lên nữa.

Bệnh nhân có thể gặp nguy cơ tim mạch khi tập luyện nặng hay cường độ cao. Đây cũng là lý do tiềm ẩn, dẫn đến nguy cơ tử vong cho những người vốn tưởng chừng rất khỏe mạnh. Anh M.S. há hốc: “Trời, nếu không đo CPET, tôi có thể chết bất cứ lúc nào mà không hiểu vì sao…”. 

Vừa xong ca này, chị S. quay lại và được tư vấn để tiến hành đo CPET. Chị S. đạp xe từ tải thấp lên tải cao. Đến nhịp tăng tốc cuối cùng, chị S. ra dấu dừng lại vì mỏi chân không đạp nổi. Buổi đo của chị cũng vừa kịp hoàn tất.

10 phút sau, BS Tài gọi chị S. thông báo: “Kết quả của chị bình thường. Tuy nhiên, chị lưu ý khi gắng sức, thường tim sẽ mệt trước rồi mới đến phổi. Nhưng với chị thì ngược lại, hơi thở chị nhanh và nông. Nguyên nhân có thể do chị béo phì, có thể làm phổi bị thành ngực nhiều mỡ đè nặng. Vì vậy, chị cần giảm cân, kết hợp tập thở bằng bụng để hơi thở chậm và sâu hơn”.

Chiếc máy CPET tuy mới hoạt động chưa đầy sáu tháng, nhưng đã giúp nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm, mà kiểm tra sức khỏe lúc nghỉ ngơi không phát hiện ra. Anh Nguyễn V.N., 46 tuổi, công tác trong ngành công an ở Q.10, TP.HCM là điển hình. Thỉnh thoảng, anh N. bị hụt hơi nên đến Phòng khám Đại học Y Dược 1 kiểm tra. BS khám lâm sàng và làm các xét nghiệm nhưng không phát hiện bất thường. Khi biết anh mỗi chiều đều đi đá bóng 1-2g, BS tim mạch khuyên anh đo CPET. 

Giữa tháng 9/2019, anh N. đến đo CPET. Anh bước lên máy, khi chỉ vừa đạp xe được 2-3 phút ở tải thấp thì màn hình máy tính báo động. BS Tài lập tức cho anh N. dừng lại và giải thích: kết quả điện tim của anh xuất hiện nhiều nhịp tim liên tục có dấu hiệu thiếu máu cơ tim. Anh cần được chụp mạch vành để khảo sát kỹ hơn. Điểm đáng chú ý là các dấu hiệu này xuất hiện khi anh chỉ vừa mới bắt đầu tập luyện, ở tải thấp nên anh cần cân nhắc các nguy cơ khi tập luyện nặng.

Anh khá lo lắng vì các dấu hiệu bệnh vừa phát hiện được chỉ qua gắng sức. Anh báo bác sĩ sẽ quay lại để làm thêm các xét nghiệm, đồng thời được tư vấn nhiều hơn về cách tập luyện.

Mệnh lệnh từ trái tim

Lâu nay, thường các thầy thuốc phải tất tả chạy theo sau bệnh. Còn chẳng may xảy ra một cái chết bất ngờ, bao người phải vào cuộc, từ BS chuyên khoa cho đến bên pháp y. Đôi khi, những cái chết đột ngột, nhất là đến từ những người vốn được coi là khỏe mạnh thì luôn làm người thân bàng hoàng. Nhưng với các BS, nó còn tạo ra thôi thúc mãnh liệt, phải tìm cách hóa giải, để việc giải mã bệnh lý không còn đến sau.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ: “Tôi nhiều lần chứng kiến bệnh nhân bị lên cơn suyễn cấp, vào bệnh viện cấp cứu khi đã muộn và tử vong. Trong đó, có những trường hợp không biết mình bị bệnh suyễn, hoặc chủ quan không điều trị nên đã xảy ra chuyện thương tâm. Vì lẽ này, chúng tôi cứ đau đáu một điều: làm sao để tăng cường tầm soát bệnh, kiểm soát bệnh ổn định cho bệnh nhân?”. 

Chuyền cho tôi những tấm hình ngày bệnh nhân đo hô hấp ký, CPET… BS Tuyết Lan hào hứng: “Khi được mời về làm Giám đốc Phòng khám Đại học Y Dược 1, tôi chỉ đưa một điều kiện: phải có máy móc, thiết bị hiện đại để tầm soát bệnh, phát hiện bệnh sớm”.

Bà lý giải: “Dân mình giờ siêng năng tập thể dục, tham gia thi chạy, leo núi… nếu không tầm soát sức khỏe, xem mình ngưỡng vận động an toàn đến đâu, xem mình có bệnh lý nào tiềm ẩn không thì có thể rơi vào tình cảnh giống như vận động viên chạy marathon bị đột tử kể trên”.

Chiec may va buoc di truoc benh cua thay thuoc
Cấu tạo hệ hô hấp

BS Tuyết Lan cũng cho biết: “Chúng tôi mua nhiều loại máy thăm dò chức năng hô hấp, trong đó có một chiếc máy cao cấp nhất và lần đầu có ở Việt Nam là máy đo tim mạch, hô hấp gắng sức (CPET)”. Trong thăm dò chức năng, các test gắng sức luôn được đánh giá cao nhất, vì lúc gắng sức mới bộc lộ những bệnh lý tiềm ẩn, mà khi thăm dò chức năng ở trạng thái tĩnh, nghỉ ngơi không thể khám phá hết được”.

Cụ thể, tháng 9/2019, bé Lê Thị T.L., 11 tuổi, ở Q.Bình Tân, bị khó thở nặng, nhất là khi chạy nhảy, vận động. Em được nhiều cơ sở y tế chẩn đoán bị hen suyễn. Lâu nay, gia đình cho bé điều trị bệnh suyễn nhưng sức khỏe vẫn không cải thiện.

Khi bé đến Phòng khám Đại học Y Dược 1 khám suyễn, làm các bước thăm dò hô hấp như hô hấp ký, X-quang phổi, đo nồng độ oxit nitric đều cho kết quả bình thường nên BS loại trừ nguyên nhân suyễn và cho đo CPET để tìm nguyên nhân khác. Kết quả thật bất ngờ: bé bị rối loạn chức năng dây thanh khi gắng sức. Sau đó, bé L. được điều trị theo bệnh lý mới phát hiện này và không còn tình trạng khó thở khi vui chơi, chạy nhảy. 

Chiếc máy CPET chỉ là một thiết bị y tế, nhưng sự xuất hiện của nó ở đây lại mang theo cả hành trình khác của ngành y - hành trình phòng bệnh, tầm soát bệnh bằng kỹ thuật hiện đại và tất cả sự chuyên tâm của người thầy thuốc.

“Khát vọng của người thầy thuốc luôn muốn đi trước bệnh, phát hiện sức khỏe trục trặc, bệnh lý tiềm ẩn để giúp mỗi người có chất lượng sống tốt nhất dù ở độ tuổi nào. Chứ không phải như câu nửa đùa nửa thật của nhiều người - trẻ ráng cày để già uống thuốc”, BS Tuyết Lan nói. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI