Cuối tháng Mười âm lịch, khi những cơn gió heo may cuối năm đổ về cũng là lúc các tiệm may bắt đầu nhộn nhịp. Thợ nào nổi tiếng của vùng, thì thường đến đầu tháng 11 âm lịch đã chốt sổ, không nhận thêm hàng.
|
Trước tết chừng 1 tháng, các tiệm may lớn đã không còn nhận hàng - Ảnh minh họa |
Ngày đó, chỉ có dịp tết anh em tôi mới được mặc đồ mới. Ở quê, hễ ai diện đồ mới, liền bị chọc: “Ăn tết sớm quá nha”. Thường, tôi được mẹ sắm cho bốn khúc vải, trong đó hai khúc kẻ sọc, một màu xanh, một màu nâu hoặc xám nhạt để may pijama, còn lại một khúc để may quần tây và một khúc may áo sơ mi.
Đến khi lớn hơn một chút, tôi mới biết ở thành thị, pijama thường chỉ mặc khi… ngủ. Nhưng với một đứa bé 5-6 tuổi ở quê ngày trước, được mặc pijama là một niềm vui lớn trong những ngày xuân về. Nó hí hửng chạy từ nhà trước ra ngõ sau, nhảy chân sáo trên con đường mòn nhỏ xíu đi chúc tết khắp nơi, rồi vui sướng cực độ với những bao lì xì đỏ thắm.
Nhà tôi có chỗ may đồ “ruột”. Vì thế, không cần người lớn đi theo, chị thợ cũng sẽ biết ý để làm cho đúng. Trong mớ ký ức còn lại, đó là căn nhà ván với mấy tấm cửa màu xanh cao vút mà có lúc tôi tưởng chừng chẳng bao giờ mình đủ cao để với tới.
Chiếc bàn máy được đặt sát cửa sổ, ánh sáng bên ngoài lọt vào cùng chiếc đèn con chỉ đủ thắp sáng cho người thợ. Xung quanh đó là vải đủ màu sắc, họa tiết cùng kim, chỉ và không thể thiếu hộp phấn kẻ với rất nhiều mảnh vụn. Cây thước đo dày cộm, những vân gỗ hiện lên đẹp mắt bóng loáng qua thời gian. Cây thước lúc đó lớn hơn tuổi đời tôi đến tận bốn lần, cũng là ngót hơn 20 năm chị thợ theo nghề.
Người ta gọi chị là Năm Cọp, vì nghe bảo chị dữ lắm. Nhưng với lũ trẻ chúng tôi ngày đó, chỉ cần tụi con gái muốn may đồ búp bê, cứ đến xin vải là chị cho ngay. Vì thế, trong mắt lũ trẻ, chị chẳng đáng sợ chút nào.
Chiếc thước dây màu hồng đã sờn đôi chỗ được vòng qua ngực, bắp tay, rồi đến lưng, chân… Chị thoăn thoắt như một nghệ sĩ biểu diễn. Những con số được viết rất nhanh vào quyển sổ đã nhàu nát, mà có xem người ta cũng chẳng hiểu. Chiếc máy may con bướm có những họa tiết màu vàng được trang trí nổi bật trên nền đen thật bắt mắt. Nó đáng giá mấy chỉ vàng, là vốn liếng mẹ chị cho ra riêng lập nghiệp.
Trước khi trang phục hoàn chỉnh, người thợ thường yêu cầu khách hàng đến thử lần cuối để chỉnh sửa cho thật vừa vặn. Đó cũng là lúc lòng người nôn nao, chộn rộn vì biết tết đang cận kề.
Hồi đó, ba bộ đồ mới được mẹ tôi cất kỹ vào tủ, khóa cẩn thận vì sợ con nít hay phá, sẽ mang ra mặc trước. Đó là chiếc tủ cây, với cánh cửa đã cong đi một chút qua nhiều năm tháng, cùng ổ khóa cũ mèm nhưng đầy quyền uy với một đứa trẻ.
Đến tận 28 tết, chúng mới được mang ra giặt thật sạch rồi treo gọn gàng lên sào, lũ trẻ ngày nào cũng ngước nhìn vài ba bận thèm thuồng.
Giờ chiếc máy may con bướm năm nào của chị Năm Cọp đã được xếp gọn vào một góc. Nó vẫn còn đó, như để lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ, mà ở đó, đứa trẻ nào cũng mong thật nhanh đến giao thừa, để được khoác chiếc áo mới, rồi khoe từ làng trên đến xóm dưới.
Thành Lâm