Chiếc "mặt nạ" xấu xí

24/04/2014 - 06:45

PNO - PN - Giận chồng về trễ, không dạy con học, một cô vợ người Trung Quốc đã lôi con trai tám tuổi vào phòng ngủ, khóa cửa lại rồi dùng dao chặt đứt ba ngón tay con.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Phù thủy”, “mẹ hổ” là những danh xưng nhanh chóng được cư dân mạng phẫn nộ gắn cho người mẹ này. Tất nhiên, “mẹ hổ” phải đâu là một “loài” riêng biệt, mà chỉ là tên gọi của khoảnh khắc “hóa hổ” bất thường của những người mẹ, nhất là khi đứa con trở thành “vũ khí” tối thượng để thị uy, hoặc để “trả thù” chồng.

“Vũ khí” bất đắc dĩ trở thành nạn nhân, những đứa trẻ phải lớn lên với bao dư chấn từ những cuộc xung đột của bố mẹ.

Tôi vẫn còn nhớ những bữa cơm buồn tẻ của tuổi thơ, mỗi khi bố bỏ bữa đi nhậu, mẹ dấm dẳng bực tức, chẳng nói với con cái lời nào. Những lần như thế, chị em tôi lại ra hiệu cho nhau ăn vội cho xong bữa cơm, rồi lẻn nhanh vào một xó xỉnh nào đó trong nhà. Kinh nghiệm… làm con cho thấy, trong những lúc ấy, nếu trót mắc phải một lỗi, dù rất cỏn con, chúng tôi cũng sẽ “lãnh đủ”. Ngay cả khi bố đã trở về, nếu con cái không ngoan ngoãn lánh vào phòng, thì khó mà tránh khỏi “bom rơi đạn lạc”. Thực tế, ngoài việc thiếu kiềm chế, tước mất những phút vui vẻ, đầm ấm của chị em tôi, mẹ chưa bao giờ làm gì quá đáng để phải hối tiếc sau này.

Tôi lại nhớ chuyện đáng tiếc của một người bạn học thời phổ thông. N. có một người cha vô trách nhiệm, tiêu xài phung phí. Mỗi cuối tháng nhận những đồng tiền ít ỏi từ chồng, mẹ N. lại tức giận, than vãn đủ điều với con cái. Hơn thế, mỗi khi N. cần xin tiền, bà thẳng thừng từ chối bằng điệp khúc: “Đi mà xin ba mày!”. Cứ thế, N. nhiều lần quá hạn nộp học phí, rồi chán nản, bỏ học. Biết chuyện, mẹ N. tất tả lên trường đóng học phí rồi xin cho con đi học lại. Nhưng N. kiên quyết không trở lại, cậu lao vào cuộc mưu sinh.

Chiéc

Sau này, mỗi lần tôi về quê gặp mẹ N., bà hay nắm tay tôi, chảy nước mắt: “Nhà có nghèo đâu mà giờ nó thành ra người thất học”. Không nghèo, nhưng sự “chém thớt” lặp đi lặp lại của bà đã gắn lên người con nỗi mặc cảm về đồng tiền, hơn nữa là nỗi mặc cảm của một đứa trẻ khi phải ngửa tay xin tiền, dù là xin cha mẹ mình. Hoặc, lý giải một cách đơn giản nhất, N. đã chọn cách tự dứt mình khỏi cuộc giằng co của cha mẹ.

Khi còn nhỏ, trẻ con thường không hiểu nổi nguồn cơn của sự giận dữ mà chúng đang phải gánh chịu, nhưng chỉ cần nhận thức được “bố mẹ đang giận nhau”, đứa trẻ lập tức “biết thân biết phận”, lầm lũi tránh vào một góc. Lớn hơn, mái ấm sẽ trở thành nơi đứa trẻ ngại trở về nếu cha mẹ thường xuyên cãi vã.

Lánh vào một góc, không về nhà, hay tìm cách không phải xin tiền nữa, đều là những phản ứng thể hiện xu hướng cố tránh khỏi cuộc xung đột của bố mẹ. Dễ thấy, trong những lần phải chủ động tránh khỏi cha mẹ, đứa trẻ đồng thời cũng mất luôn một chỗ dựa mang tên gia đình, việc này lặp đi lặp lại, sẽ khiến cha mẹ, con cái ngày càng rời xa nhau.

Chuyện mẹ chặt tay con ở Trung Quốc, hay chuyện ông bố Hoàng Trọng Bảo (SN 1980, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) ném con bốn ngày tuổi xuống đất vì giận vợ, là những hậu quả tai hại của việc giận cá chém thớt. Bên cạnh đó, những cơn giận chồng/vợ chuyển hóa thành giận con trong mỗi gia đình cũng đang âm thầm gây nên nhiều hệ lụy. Nhiều cơn giận đôi khi chỉ thoáng qua trong đời sống vợ chồng, nhưng lại khiến con trẻ hoang mang, ngờ vực về gia đình. Hơn nữa, sự giận dữ đeo vào người lớn những “mặt nạ xấu xí”. Việc trình diễn cái mặt nạ ấy trước mắt con cũng vô tình tước đi của chúng cơ hội để tôn trọng ba mẹ mình.

 Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI