Chiếc lồng đèn xấu xí nhất thế gian

26/09/2021 - 08:19

PNO - Xóm nhỏ thuở ấy làm gì có đèn đường, nên không gian của chúng tôi vằng vặc ánh trăng. Xòe tay ra, ánh sáng đó đã chảy tràn khắp lòng bàn tay.

Năm 18 tuổi, tôi rời làng, vào mùa trăng tháng Tám.

Đêm trước ngày đi, tôi cặm cụi ngồi dán giấy kiếng lên khung tre năm cánh, bên cạnh là đứa em ngồi chờ thành phẩm với ánh mắt nôn nóng. Xong lồng đèn ngôi sao, tôi lấy hai lon sữa bò đã hết của mẹ, mà lúc chiều tôi đã cọ rửa lau khô, đem ra đục lỗ, gắn que kẽm, thanh đẩy và đèn cầy. Nhiều năm về trước, anh trai tôi cũng làm cho tôi chiếc lồng đèn lon. Anh làm thuần thục như một người thợ. Tôi ngồi bên cạnh say sưa ngắm anh làm và háo hức chờ khoảnh khắc được thắp đèn lên. Nghĩ lại, có lẽ năm 18 tuổi tôi cũng thế, cũng thuần thục, sau nhiều năm tự chế lồng đèn cho em gái và cho cả chính mình. Em gái tôi cũng ngồi say sưa theo dõi, thán phục như tôi hồi trước.

Trong “từ điển” của tôi ngày đó, lồng đèn là thứ chỉ cần phát ra ánh sáng, mà cái đó anh tôi tự làm được. Anh làm từ đèn giấy kiếng đến đèn lon, đèn cọng đu đủ… nhưng tôi thích nhất là đèn lon, loại một lon làm trụ lăn còn một lon tạo ánh sáng, có thể đẩy lăn trên đường. Chỉ cần di chuyển, ánh sáng phát ra từ các lỗ nhỏ cũng xoay tít theo như một đóa hoa biết xoay dưới trăng. Tôi cũng không lo nó bị cháy như lồng đèn giấy kiếng, khi chen chạy trong đám đông con nít ở xóm.

Sài Gòn rực rỡ đèn hoa nhưng không có thứ ánh sáng mà chỉ cần nhắm mắt lại, tôi đều hình dung được độ trong veo của nó. Xóm nhỏ thuở ấy làm gì có đèn đường, nên không gian của chúng tôi vằng vặc ánh trăng. Xòe tay ra, ánh sáng đó đã chảy tràn khắp lòng bàn tay. 

Tôi cầm theo chiếc lồng đèn lon được anh trai làm cho, đẩy trên mặt đường, theo đoàn lân. Thật ra, thứ thu hút tôi nhất ở đám đông đó là những người múa lân. Tôi muốn biết trong lớp áo lân dài khoảng 3m, anh nào là “đầu lân”, anh nào là “mình lân”, còn anh nào là “đuôi lân”. Mỗi lần khám phá xong, tôi thích chí như một kẻ vừa giải mã được bí ẩn nào đấy của vũ trụ.

Mùa trăng của tôi kết thúc năm tôi 18 tuổi. Tôi vào Sài Gòn thi đại học, học xong thì ở lại làm việc, sinh sống. Trong nhiều năm, mỗi lần có thể về quê, tôi đều cố gắng sắp xếp để rơi vào những ngày trăng nhưng không dễ. Ánh trăng quê nhà giờ cũng khác nhiều, đèn đường thắp sáng suốt đêm, quốc lộ cũng mở rộng, chạy dọc xóm. Mùa hội lân dĩ nhiên cũng không còn. Mùa trăng năm ấy của tôi đã mãi mãi ở lại nơi nào đó, thành lớp trầm tích của trí nhớ. 

Đám trẻ nít chúng tôi giờ đã là trung niên. Mùa Trung thu giữa dịch COVID-19, tôi bần thần rứt vài đôi giấy tập, chẻ chiếc đũa tre thành nhiều thanh mỏng, tạo hình ngôi sao rồi quết hồ dán. Đứa con hơn ba tuổi bi bô bên cạnh, hỏi: “Mẹ làm gì đó” ngọng líu ngọng lịu. Trung thu Sài Gòn không có ánh trăng trong veo chảy tràn lòng bàn tay. Mùa “Trung thu cô vít” lại càng không, kể cả ánh sáng của chiếc lồng đèn nhựa phát tiếng nhạc vô hồn cũng vắng. Thôi thì, là đôi giấy trắng kẻ ô cũng được, là chiếc lồng đèn xấu xí nhất thế gian cũng chẳng sao. Chỉ cần mai này, trong ký ức của con từng có một mùa Trung thu với chiếc lồng đèn giấy của mẹ… 

Lương Hàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI