Chiếc ghế trống

08/12/2018 - 06:39

PNO - Hình như Thoa có đến, có ẵm theo thằng Tiến. Có điều, dù chỉ đến trong giấc mơ mòn mỏi, Thoa cũng không bao giờ ngồi lên cái ghế để sẵn đó lần nào...

Cầm vén cái màn màu xanh đã thủng lỗ chỗ che tạm phía sau quán, đút đầu vô cái hộp chật nghẹt mà mọi người đang chen chúc nhau ngồi tự tay hóa trang cho mình, tằng hắng khi nhìn thấy Sáng:

- Anh Sáng à, bữa nay đông khách, em bán luôn cái ghế của anh nghen.

Sáng đang kẻ chân chim con mắt cho vai ông già Tám hiền lành trong vở Cánh đồng gió, nghe kêu tới tên, liền gầm lên:

- Không à nghen, để cái ghế đó cho tui.

- Đi mà anh, khách điện thoại năn nỉ nè…

- Đã nói không là không. Tui xí cái chỗ đó, tui trả tiền đàng hoàng.

Cầm ngoe nguẩy bỏ ra, không quên làu bàu đủ cho Sáng và mọi người nghe thấy:
- Khùng, lần nào cũng chừa một ghế cho ma nó coi.

Chiec ghe trong
Ảnh minh họa

Mới hôm qua, diễn xong về, nằm trằn trọc khó ngủ, đến khi ngủ thì trong giấc mơ sâu, Sáng thấy mẹ con Thoa ngồi ở cái ghế đó rõ ràng. Ban đầu cũng tưởng là Thoa không tới. Mấy lần, Sáng đứng bên góc hậu đài ghé mắt nhìn xuống khán phòng tối thui. Cái ghế vẫn để trống, nhưng rồi đến sát giờ kéo màn thì Thoa tới, Thoa ẵm theo thằng Tiến. Lúc ra vai, nhập tâm, Sáng không biết thằng nhỏ ngủ hay thức. Nhưng khi chuyển cảnh, chờ tới hồi đến phiên mình, Sáng lại ghé mắt nhìn và thấy nó nằm ngủ cuộn tròn trong lòng Thoa, còn Thoa thì cầm cây quạt giấy phe phẩy đuổi muỗi cho thằng nhỏ mà mắt vẫn hướng về sân khấu như chờ đến vai của Sáng.

Cảm giác đó thật đến nỗi nó theo Sáng đến lúc mở mắt thức giấc, nhìn trao tráo lên nóc mùng. Cái mùng rộng rinh từ khi Thoa ẵm thằng Tiến về bên ngoại. Sáng nhớ là trên dưới cũng chục lần Thoa nói, tui về bên má đây, tui chịu hết nổi rồi. Tui với thằng Tiến cũng cần phải ăn, phải sống. Ở với anh, rồi cũng có ngày anh rao bán mẹ con tui để đi theo cái gánh hát của anh thôi… 

Thật ra đó không phải là một gánh hát. Không phải như những gánh hát xưa rong ruổi lưu lạc rày đây mai đó trên những chiếc ghe mỏng manh ngược xuôi đầu sông cuối bãi. 

Sáng về làm ở nhà văn hóa huyện từ khi học hết tú tài. Mê làm ca sĩ, lại có chút năng khiếu, thêm những trải nghiệm loàng xoàng từ mấy cuộc thi văn nghệ ở trường, ở phường xã, Sáng mặc kệ tía má biểu xướng ca vô loài, quyết tâm xin vô đội văn nghệ xung kích của nhà văn hóa huyện. Sáng tham dự mấy cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, được mấy chú ở Sở Văn hóa Thông tin để ý, rút về đoàn văn công tỉnh.

Ở đó Sáng gặp Thoa.

Thoa là diễn viên múa. Chỉ mấy bận dựng chương trình thi diễn, với vài tiết mục ca múa minh họa và dăm ba tiểu phẩm kịch tuyên truyền, hai người thành một cặp đẹp đôi.

Dân nghệ sĩ, chất lãng mạn tràn trong mạch máu, gặp người trong mộng như bị sét đánh trúng, chỉ biết té cái đụi vào lòng nhau, mãnh liệt yêu và bất chấp mọi thứ. Cho đến một bữa, khi biết có một sinh linh nhỏ xíu đang bơi lẩy quẩy trong bụng Thoa thì cả hai quyết định xin phép trưởng đoàn về quê gặp ba má Thoa tính chuyện cưới hỏi. 
Hồi học phổ thông, Thoa được thầy cô cử tham gia mấy cuộc thi văn nghệ. Thoa đẹp gái, hát hay còn múa thì phải nói là năng khiếu trời cho. Mấy sếp văn hóa tỉnh đã dòm ngó chấm Thoa vô đoàn văn công đang thiếu hụt diễn viên trẻ vừa có thanh vừa có sắc. Cái năng khiếu văn nghệ văn gừng gặp cơ hội Thoa thi rớt tú tài đã đưa đẩy Thoa theo đoàn văn công.

Chiec ghe trong
Ảnh minh họa

Lúc đó, ba Thoa phản đối dữ lắm. Ổng biểu thi rớt thì ở nhà, tao nuôi. Đợi mai mốt có đám nào ngon, tao gả cho một tấm chồng mà nương tựa. Nhưng mê hát múa quá, tối ngày Thoa thủ thỉ với má, má Thoa lại chiều con nên rủ rỉ rù rì mưa dầm thấm đất cho tới lúc ba Thoa đồng ý.

Tất nhiên ba Thoa không chấp nhận Sáng. Ông nói nghề của Sáng, rày đây mai đó, xướng ca vô loài, thương vay khóc mướn, hát xong tuồng vô gặm son phấn phù phiếm mà ăn… Rồi tuyên bố, có chết tao cũng không cho nó lấy thằng kép hát.

Không lâu sau, ông ngã bệnh, mấy ngày thì mất. Sau này khi Thoa bồng con về, má có kể cho con gái nghe là hồi ba mày sắp mất, ổng có nói là gì thì gì, bà cũng ráng kiếm tấm chồng ngon lành cho con Thoa có cuộc sống ổn định. Ráng ngăn nó đừng theo thằng Sáng kép hát. Nói nhiêu đó, rồi ông trút hơi thở cuối cùng.

Thôi thì con gái mười hai bến, bụng dạ để cho ai thì theo người đó. Má Thoa không nỡ ngăn cản con. Theo anh kép hát không cưới hỏi gì, Thoa đẻ ra thằng Tiến. Chuyện ca múa biểu diễn của Thoa đành xếp lại. Sáng mê hát, tách khỏi đoàn văn công, tự lập đoàn biểu diễn. Buổi đầu khó khăn, bao nhiêu của cải dành dụm đội nón ra khỏi nhà theo mấy tuồng của Sáng.

Rồi thằng nhỏ thiếu sữa. Rồi bữa ăn của mẹ nó cũng chắp vá đắp đổi. Rồi lâu lâu nó nổi đẹn, nổi ban, dăm bữa lại vô nằm nhà thương mười ngày, nửa tháng…

Sáng chạy vô chạy ra, chạy qua chạy lại giữa cái tổ của mình và cái đoàn hát mới lập, giữa sân khấu rực rỡ xiêm y và hậu trường vá víu ẩm mốc tồi tàn... Vợ chồng bắt đầu cự nự, dằn mâm xán chén. Tới lúc cơm không lành, canh không ngọt nữa, Thoa ẵm thằng nhỏ, muối mặt về với má, bỏ lại Sáng muốn làm gì thì làm…

Sáng nhớ vợ nhớ con lắm. Khi ở cạnh một bên, bận rộn ít dòm ngó tới nhưng cũng biết nó nằm đó, trên cái võng buộc tạm bợ. Thoa cũng ở đó, có mặt nặng mày nhẹ nhưng khi sân khấu về khuya, vãn tuồng, chồng rúc vào người vợ, hít hà, năn nỉ ỉ ôi một chút thì huề. Thoa nghĩ đến chồng, dầu gì cũng tốt, tính nết hiền lành, không nhậu nhẹt, gái gú dù trong đoàn không ít môi son má phấn đẩy đưa. Gì cũng được, chỉ cái tội mê hát, mê diễn nhập tâm với sân khấu mà vô tâm với đời. Chỉ giận những khi Thoa có cảm giác hai mẹ con bị bỏ rơi. Tiền mua sữa cho con còn bị đặt lên bàn cân tính tới tính lui, chứ máu đầu tư dàn dựng vở mới để được hát được diễn nổi lên thì bao nhiêu tiền chắt chiu Sáng cũng không tiếc.

Già néo đứt dây. Đến khi chịu hết nổi, Thoa dứt áo ra đi. Sáng cũng hùa theo, thôi thì em tạm đưa con về bên ngoại nhưng nhớ là anh vẫn mong em từng giờ từng phút.
Mà thiệt, Sáng mong lắm. Nhất là khi đoàn gượng được qua lúc khó khăn, gặp anh Mạnh Thường Quân mê hát, mê diễn, cho mướn chỗ đêm đêm sáng đèn với giá vô cùng hữu nghị. Rồi thì khán giả sau hồi nghi ngại đã chịu đến ngồi say sưa với những số phận trên sân khấu. Rồi tiếng lành đồn xa, có đồng vô đồng ra lo cho đoàn... 

Công việc cứ tấn tới, Sáng không còn thời gian để thu xếp về thăm vợ con, chỉ: “A lô, em à, anh nhớ con lắm, em chín bỏ làm mười, lên đây cho anh gặp thằng nhỏ thường xuyên, có em đỡ đần thêm cho đoàn hát. Hay là lên làm khán giả coi cũng được. Cỡ này anh diễn xuất thần nhe. Nhờ nhớ vợ đó, cứ nghĩ đến vợ con là diễn được cảnh chảy nước mắt. Anh chừa ghế cho em. Chừa hoài. Không lên hả, không lên cũng chừa. Một vé mấy chục ngàn đó, đừng để bỏ không nghen em. Đi mà vợ ơi…”. Nhưng Thoa không tới. Nhiều lần sau đó thì điện thoại ò í e, bảo số điện thoại này không liên lạc được...

Và cái ghế đó, đêm diễn nào cũng bỏ không.

Cầm tức lắm. Tức và giận. Giận mà thương. Vậy nên dù luôn miệng rủa Sáng khùng, Cầm cứ hay xáp lại vờ như tình cờ nhưng lại chăm chút lo lắng cho Sáng từng bữa ăn, từng ly nước. Nhất là mỗi lần diễn vở Cánh đồng gió mà Cầm thích, Cầm cứ nôn nao hóa trang cho mình lụm cụm nhăn nheo để vô vai vợ chồng già với Sáng. Khùng vậy chứ lên sân khấu, Sáng luôn ân cần nâng niu Cầm trong từng nét diễn, từ ánh mắt đến lời thoại đều rất nồng nàn. Ai cũng biểu là một cặp xứng đôi. Có lần thằng cha Cường trong đoàn độc mồm độc miệng, cũng đế vô xúi dại, biểu: “Sáng à, tao nghi con Thoa nó bỏ mày thiệt rồi, biết đâu thằng nhỏ có cha dượng rồi cũng nên. Hay là mày với con Cầm xáp lại cho cả đoàn một bữa nhậu đã đời ra mắt luôn đi. Tuồng giả, tình thiệt, làm tới luôn đi mày, khà khà…”.

Sau cái hôm nghe ông Cường ác miệng đùa dai nhắc tới mẹ con Thoa, Sáng đăng bảng thông cáo cho đoàn nghỉ hát mấy bữa, rồi tức tốc quá giang xe về quê tìm Thoa.
Người dân ở bến đò Rạch Sâu, chỗ băng ngang sông là nhà của Thoa, nói y như lời ông Cường phán. Chính má Thoa ngập ngừng xác nhận. Bà nói nhiều lắm, đại khái rằng coi như hai đứa hết duyên hết nợ, thì thôi bây để cho con Thoa nó làm lại cuộc đời. Thằng nhỏ cũng là con của bây, bây đi hát hò ca diễn quanh năm suốt tháng thì để Thoa nuôi con, rồi thì lá cũng rụng về cội thôi mà. 

Lời của má Thoa lởn vởn bên tai Sáng trên chuyến xe trở về đoàn hát. Lần đò này, Thoa được người ta hỏi cưới đàng hoàng. Chứ đâu như Sáng hồi đó trẻ người non dạ, dắt díu ăn ở với nhau đẻ ra thằng Tiến mà vẫn không có tờ hôn thú lận lưng sao mà làm khai sanh cho thằng nhỏ được đi học với người ta. Rồi còn tương lai của nó? Vợ chồng Thoa giờ cũng mần ăn ổn định trên thành phố. Thoa chỉ việc ở nhà cơm nước, chăm sóc đưa rước thằng Tiến đi học, vun vén cho ngôi nhà ấm cúng, chờ chồng về cùng ăn cơm. Lâu lâu chồng còn đưa ít tiền gởi về cho má tiêu xài. Đâu như Sáng, đắm đuối với nghiệp diễn, cứ lang bạt kỳ hồ, giật gấu vá vai qua ngày đoạn tháng. 

Chiec ghe trong
Ảnh minh họa

Sáng trở lại đoàn hát, thất thần như vai chính trong vở tuồng Người phu khiêng kiệu cưới. Ai hỏi gì cũng không nói, lầm lầm lì lì. Chỉ khi nào lên sân khấu mới trở lại là Sáng, nhập tâm, xuất thần như lên đồng; xuống xề vọng cổ vẫn ngọt lịm, có khi còn mùi mẫn, nức nở hơn xưa. 

Rồi thì Cầm biết, ông Cường biết, cả cái đoàn hát nhỏ như lỗ mũi cũng biết hết.

Từ ngày trở lại đoàn, Sáng đổi khác nhưng thói quen chừa cái ghế trống thì không bỏ được. Vậy nên cái ghế vẫn cứ nằm đó mỗi đêm.

Thân thiết như ruột thịt với Sáng mà ông Cường cũng bực mình chịu không nổi. Biểu nếu mày lỡ chừa thì chừa luôn ba cái ghế. Thằng Tiến đâu phải như hồi nào nằm trong lòng mẹ mà hai má con ngồi chung một chỗ vừa coi cải lương vừa phe phẩy quạt? Còn cha dượng của nó nữa, hổng lẽ đứng coi? Mấy lần như vậy, Sáng lầm bầm chửi đổng vài câu rồi bỏ đi. Cầm thì vỗ chát chát vô lưng thằng cha Cường nói năng bỗ bã vô tình xát muối vô lòng Sáng, xát luôn vào dạ Cầm. 

Rồi tự dưng Cầm cũng bực mình nhưng không biết làm gì, chừng như sực nhớ ra, mở rương phục trang của đoàn hát, lục lọi mấy bộ tuồng cổ, rồi vá chỗ này chỗ kia, cặm cụi kết lại mấy cái chùm kim sa hột lựu. Có khi lấy mũi kim nhọn vờ như găm vào đầu ngón tay để có cớ kêu ui da, rồi ứa nước mắt. 

Mấy câu bỗ bã bâng quơ của Cường rồi cũng trôi tan theo những ngày đắp đổi của đoàn hát, hết tập tuồng mới rồi biểu diễn, hết lo ăn uống rồi ngủ nghỉ, có khi lên đường lưu diễn rày đây mai đó. 

Để những lúc đoàn của Sáng đi tìm thêm khán giả, đậu lại ở một vùng đất phiêu dạt nào xa xôi, sau lúc vãn hát, dọn dẹp sân khấu về khuya, ếch nhái, côn trùng kêu râm ran, đôi khi trời lại mưa rả rích đẩy cái lạnh vào trong mùng, thì dù Cầm có trở mình ủ ấm dỗ giấc, thì đêm vẫn cứ thế, vẫn nhẩn nha dai dẳng kéo dài đến sáng. Và Cầm thì hết nằm xuống lại ngồi lên lóng ngóng ngó cái dáng thu lu quen thuộc bên ngoài đang rít khói thả vào bóng tối.

Cầm nghĩ chắc là Sáng thấy hết, biết hết. Trời phú cho những nghệ sĩ như Sáng, như Cầm độ nhạy đủ tinh để nhập vô mấy vai diễn, khóc cười với họ, đau khổ hay hạnh phúc cùng họ. Làm sao mà Sáng không nhận ra cái dằn hắt của Cầm, ánh mắt vừa tha thiết vừa ấm ức của Cầm; huống chi những lo lắng ân cần không che giấu.

Ngay cả khi vào vai trên sân khấu, những lớp lang mà người là chồng, người là vợ; những nồng nàn thắm thiết trong cử chỉ, điệu bộ và lời ca. Như thể bao nhiêu nỗi niềm đều được Cầm gom hết dúi vào vai của mình và Sáng. Để lúc vãn tuồng, tan hát, mọi việc hậu trường Cầm đều xắn tay vô xăng xái nhưng đừng ai biểu Cầm dọn ghế sau khi khán giả lục tục kéo về. 

Bởi cái ghế mà đêm nào Sáng cũng để trống đó như một chỗ đặc biệt riêng tư trong lòng mình dù lẫn lộn trong đống ghế nhựa rẻ tiền kia nhưng không bao giờ Cầm không nhận ra. Chiếc ghế mà đêm nào trước giờ khai diễn, sau khi Sáng khấn vái đầy cung kính trước bàn thờ Tổ bên hông sân khấu, thì y như rằng anh sẽ vén nhẹ tấm rèm nhung đã cũ để buông ánh nhìn đuổi theo tiếng thở dài.

Hình như Thoa có đến, có ẵm theo thằng Tiến. Có điều, dù chỉ đến trong giấc mơ mòn mỏi, Thoa cũng không bao giờ ngồi lên cái ghế để sẵn đó lần nào.

 Trần Tùng Chinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • “Người thứ ba”

    “Người thứ ba”

    20-12-2024 10:00

    Thế nhưng, cũng chính vì quá thân, cộng với suy nghĩ “thân thì không cần giữ kẽ”, chị thường xuyên làm chúng tôi khó xử.

  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.