Chiếc đồng hồ huyền thoại của "tiểu thơ Sài Gòn"

23/03/2022 - 05:50

PNO - Thế giới thay đổi, đồng hồ không còn là vật xác định giá trị vật chất, chỉ còn là một vật giống như trang sức, lại đúng hệt như quan điểm của bà khi xưa: đó chính là món nữ trang xứng đáng của một tiểu thơ.

Tôi thấy cái đồng hồ điện tử lần đầu tiên trên cổ tay nhỏ bạn học cùng lớp và lập tức mê mẩn. Nhà nhỏ bạn ấy có nhiều người thân ở nước ngoài, tháng nào cũng đi “lãnh đồ”. Nhỏ dễ thương lắm, cứ có kẹo là đem vô chia cho đám bạn thân - lúc đó nhóm tụi tui gồm mười đứa con gái đi đâu cũng cặp kè với nhau, thân thiết vô vàn.

Chúng tôi cùng chơi chung búp bê, cùng khoác tay nhau xuống căng-tin xì xụp món canh bún khi mà cả đám rủng rỉnh tiền. Nhỏ bạn thường bóc thanh kẹo chewin gum thơm nức chia cho đám bạn, ăn xong là nâng niu miếng giấy bạc gói kẹo ép vô tập cho thơm, quý giá lắm lắm... 

Cái đồng hồ điện tử bọc nhựa màu trắng, chói sáng lên một cách đáng thèm muốn trên cổ tay của bạn. Tôi lúc đó chỉ chép miệng trong ước ao thầm lặng vì nghĩ rằng chỉ bên Mỹ mới có thứ xinh đẹp ấy. Cho đến một ngày kia... tôi đi ăn cưới với ba má ở nhà hàng trong Chợ Lớn. Má dẫn tôi đi dạo trong cái tiệm bán đủ thứ đồ ngoại nhập gần nhà hàng trong lúc chờ vào tiệc. Một dãy những chiếc đồng hồ hệt của nhỏ bạn, lộng lẫy trong tủ kiếng, rực rỡ đủ màu xanh đỏ trắng hồng.

Tôi lập tức nói cho má biết rằng đồng hồ là thứ mà con rất cần, rất thích, rất muốn... và tôi liên tục nói những chuyện có liên quan đến đồng hồ suốt cả tuần cho đến khi má công nhận rằng đồng hồ quả thật là thứ cực kỳ quan trọng đối với một học sinh lớp Sáu. 

Tác giả và cái đồng hồ huyền thoại
Tác giả và cái đồng hồ huyền thoại

Sinh nhật năm đó, tôi có quà tặng là một cái đồng hồ điện tử, vỏ nhựa, in hình hoạt họa trên mặt và có màu đỏ, tới giờ tôi cũng không hiểu tại sao lại là màu đỏ, trong khi tôi đã nói “ba vạn tám ngàn lần” với má là tôi thích màu hồng. 

Chừng thập niên 1960, hãng đồng hồ lừng lẫy Longines mở tiệm chính hãng ở Sài Gòn. Bà ngoại của tôi - vốn là tiểu thư Nam kỳ dẫn má tôi lúc đó là cô học trò nhỏ đi mua đồng hồ làm một món kỷ vật đánh dấu thời thiếu nữ.

Bà ngoại không chút ngần ngại móc tiền mua liền chiếc đồng hồ má tôi chọn. Theo lời bà, đó là chiếc đồng hồ chễm chệ nằm riêng một mình một tủ kính tận phía sau cùng của tiệm đồng hồ deluxe nhất xứ Nam kỳ thời đó. Và nó cũng là chiếc mắc nhất 
trong tiệm. 

Bà ngoại xài tiền đúng kiểu tiểu thơ Nam kỳ. Cứ xả láng và mua đúng cái mình muốn, chẳng cần quan tâm đến đắt rẻ hay mua xong cái đồng hồ đó có làm cho nhà mình… phá sản luôn không. Bởi, bà kể rằng gia cảnh lúc đó nghèo, so với cung cách tiểu thơ đài các của bà là nghèo lắm lắm, nhưng bà vừa có món tiền gọi là tiền “truất hữu ruộng đất” vậy là lập tức xông xênh đưa con gái đi sắm sửa sau khi mua hai căn nhà ở Sài Gòn cũng bằng món tiền trích ra từ đó. Vậy đủ biết gia cảnh đại điền chủ của bà khi xưa là ở cỡ nào.

Mua cho con trai căn nhà, mua cho con gái cái đồng hồ và chiếc xe Vélo Solex cũng là một trong những chiếc vélo đầu tiên nhập cảng về miền Nam. Má tôi đi học bằng vélo và trở thành một hiện tượng ở trường. Tuy vậy, cái xe thì thường thôi, cái đồng hồ mới là giá trị trong mắt bà. 

Bà kể tôi nghe: Longines là một hãng danh giá lắm ở bên Thụy Sĩ. Mua đồng hồ là phải Thụy Sĩ mà Thụy Sĩ thì phải Longines, đến nỗi tôi gần như xác tín rằng cả thế giới chỉ có Thụy Sĩ mới có cái xứng đáng gọi là đồng hồ. 

Bà tả cho tôi về cái đồng hồ “huyền thoại” mà bà đã mua cho con gái (là má của tôi): “Nhỏ xíu à con, mặt bằng cỡ đầu ngón tay vậy, tiếng máy chạy nghe cưng lắm, xạch xạch thiệt nhẹ... Mà nó làm bằng vàng đó con, có chạm nổi hai đầu bằng mấy chiếc lá, tinh xảo lắm, trên lá có nạm hột xoàn tấm y như giọt sương, rồi chiếc lá lại móc vô sợi dây đeo...”. 

Tôi chỉ được nghe kể về sự tích cái đồng hồ, chứ chưa bao giờ nhìn thấy nó. Thế giới thay đổi, đồng hồ không còn là vật xác định giá trị vật chất, cũng mất luôn tính năng xem thời gian, chỉ còn là một vật giống như trang sức, lại đúng hệt như quan điểm của bà khi xưa: đó chính là món nữ trang xứng đáng của một tiểu thơ. 

Mấy mươi năm sau, bằng một cách rất tình cờ, chiếc đồng hồ “huyền thoại” đó đã xuất hiện trở lại, đứng kim, dây đã bị thay, chỉ còn mặt đồng hồ y như lời miêu tả của bà. Tôi đã kỳ công và cũng có một cơ duyên lạ để tìm lại được cho nó sợi dây nguyên bản từ Thụy Sĩ, bằng vàng, với những mắt xích ngầm như đốt tre và từ khi nó xuất hiện trở lại, tôi không đeo chiếc đồng hồ nào khác ngoài chiếc Longines huyền thoại đó, tôi đeo để nhớ bà và hình bóng “tiểu thơ” và cũng vì nó bé xíu, vừa đúng với cườm tay của tôi. 

Tôi hay đi lại, sợ mất nên bỏ cái đồng hồ vào két sắt ở một góc trong kho. Tôi cất cái đồng hồ, như cất giữ những lời ngọt ngào của ngoại. 

Kỳ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI