Trước ngày cưới, mẹ dẫn chúng tôi vào phòng và căn dặn: “Các con dù gì cũng sắp chung một mái ấm. Cuộc sống gia đình không phải như trò chơi tình yêu. Mẹ không nhiều tiền bạc, chỉ khuyên các con rằng: cuộc sống có gặp muôn vàn khó khăn thì hãy cứ đơn giản mà sống. Đó là chiếc chìa khóa mang lại hạnh phúc”.
Ảnh minh họa
|
Ngày tôi về với anh, hai bên gia đình đều hoan hỉ chúc phúc. Thấm thoắt đã hơn hai năm. Vợ chồng tôi xin ra ở riêng tại một phòng trọ nhỏ. Anh làm công ty nước ngoài nên đi suốt, còn tôi là nhân viên hợp đồng thời vụ cho một xí nghiệp nhỏ ở quận Tân Bình.
Cuộc sống gia đình ban đầu khá chật vật. Song, vì là vợ chồng son nên lúc nào chúng tôi cũng như đôi chim sẻ quấn quýt, tươi vui. Tôi thường ghé tai anh thỏ thẻ: “Nhớ cái “chìa khóa” mẹ cho chúng mình nha anh!”. Anh cười: “Anh nhớ mà! Em không thấy mình đang sống trong “túp lều lý tưởng” đó sao?”. Sau mỗi cuộc chuyện trò như vậy, chúng tôi thấy thương nhau nhiều hơn, và trân trọng hơn hạnh phúc mình đang có.
Nhưng ở mảnh đất nhộn nhịp này, cuộc sống không cho phép bạn ngồi yên để mơ mộng. Trải qua một năm đầu hạnh phúc, tôi mang thai đứa con đầu lòng. Cái bụng ngày một to khiến tôi không còn tung tăng như dạo trước được nữa.
Bước qua tháng thứ tám thai kỳ, tính khí tôi thay đổi hẳn. Tôi luôn muốn mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ theo ý mình; bực bội ra mặt nếu hôm nào anh về muộn hơn thường ngày. Tôi trở nên cau có, cáu gắt, chẳng thèm nói chuyện với chồng. Thậm chí có hôm anh hỏi, tôi còn lớn tiếng trách móc.
Căn phòng trọ yên ắng trước đây giờ trở nên ồn ào, căng thẳng. Nhiều lúc thấy mình quá quắt, tôi tâm sự với hội chị em bạn thân. Họ bảo, phụ nữ mang bầu thường rất khó chịu, nên điều đó chẳng có gì đáng lo ngại. Được nước, tôi lấn tới. Càng ngày càng coi anh không ra gì. Mỗi lần thấy anh, tôi như thể tìm thấy một nơi để trút giận, xả tức.
Trước sự thay đổi của vợ, anh chỉ im lặng và nhẹ nhàng hoàn tất những việc mà tôi chưa vừa lòng: phơi đồ phải lộn mặt trái; cái chổi quét xong phải treo đúng chỗ; không được nấu cơm quá khô; lau nhà phải hai lần mới sạch… Nhiều lúc tôi tức điên lên khi thấy anh không thèm trả lời trả vốn, chỉ cố giấu nụ cười mỉm, vừa nhìn tôi vừa làm việc.
Đôi khi, anh còn ghẹo tôi: “Chà, cái tướng em giờ mà ra lăn mặt đường thì láng khỏi phải nói, hề hề…”. Như đổ dầu vào lửa, tôi lại có cớ để bù lu bù loa: “Ờ! Giờ anh bảo tôi xấu chớ gì! Vậy ngày xưa cưới xin làm gì hả? Nếu anh không hài lòng, cảm thấy xấu hổ với ngoại hình của tôi thì mỗi người một đường cho rảnh nợ!”. Anh vẫn chỉ im lặng và mỉm cười. Suốt thời gian dài, “túp lều lý tưởng” của chúng tôi chỉ còn nụ cười của anh.
Ngày tôi lên bàn sinh, không ai khác ngoài chồng là người “phụ trách” mọi thứ. Vì bà ngoại ở xa không đến kịp, nên anh chỉ biết xoay xở một mình cho đến khi hai mẹ con xuất viện. Cơ thể người đàn bà mới vượt cạn trở nên rệu rã, tôi không còn đủ sức để cộc cằn với anh được nữa.
|
Ảnh minh họa |
Căn phòng nhỏ có thêm thành viên nên mọi thứ cũng mới mẻ hơn. Tôi xúm vào cùng anh lo cho con, quên đi những vặt vãnh thường ngày. Những ngày tôi “nằm ổ” cũng là thời gian anh được nghỉ ở công ty. Dù có ngoại lên phụ chăm con, nhưng tôi luôn cảm nhận lúc nào cũng có anh bên cạnh. Anh hay thủ thỉ: “Làm mẹ rồi, nhưng em còn con nít lắm nha!”.
Và anh bắt đầu tâm sự về khoảng thời gian suốt ngày bị tôi cằn nhằn: “Vì anh muốn đơn giản mọi thứ. Anh không muốn hơn thua với em. Em muốn anh phơi đồ phải lộn trái ư? Không đâu. Anh chỉ làm khi nào em thấy và “chỉ đạo” thôi. Còn lại, anh vẫn phơi bình thường. Và đồ em mặc vẫn đẹp, vẫn thơm đó thôi. Em không nhận thấy cái chổi không cần treo đúng chỗ, nhưng nhà vẫn sạch, vẫn mát đó sao?
Nhiều bữa anh đi làm về, mải việc nhà còn không kịp gội đầu, chỉ lau mình sơ sơ. Vậy mà tối ngủ, em vẫn gối đầu vào tay anh đấy thôi!”. Rồi anh nêu ra một loạt sự việc. Lúc này, tôi mới thấy mình thật ngớ ngẩn.
Mẹ tôi chắc cũng không hề biết con gái đã nhanh chóng quên đi lời dặn của bà về chìa khóa hạnh phúc, bởi lúc nào bà cũng chứng kiến vợ chồng tôi rất thuận hòa, êm ấm. Bất chợt tôi thấy mình tệ quá.
Nhưng thật may mắn, phần khiếm khuyết của tôi đã được anh lấp đầy. Anh nhớ lời dặn của mẹ như một thứ hồi môn hết sức giá trị. Anh không chỉ giữ cho gia đình nhỏ của chúng tôi tránh khỏi sứt mẻ, mà còn mang lại không khí nhẹ nhàng, êm dịu bằng chính sự bao dung của anh.
|
Hình minh họa |
Giờ tôi nhận ra sống đơn giản không phải là một triết lý hay điều gì to tát. Chỉ cần anh và tôi, nơi căn nhà này, không ai phải to tiếng với ai; cả hai biết chia sẻ mọi thứ trong niềm thấu cảm.
Tôi cũng chẳng phải nhọc công để tâm đến những nguyên tắc mình đặt ra trước đây nữa. Giữa bộn bề lo toan thường nhật, thi thoảng, tôi vẫn được anh tặng hoa vào một ngày bình thường, không chờ đến dịp gì trọng đại, rồi cùng anh chăm chút mấy chậu sen đá khi con trai đã ngủ say.
Tôi thầm cảm ơn mẹ đã cho chúng tôi một tài sản lớn, và chỉ mở được bằng một chìa khóa duy nhất, là sự giản đơn. Tôi thầm cảm ơn anh luôn trân trọng và cất giữ chìa khóa của mẹ, để mỗi ngày, khi tra vào ổ, chúng tôi mở được một không gian bình yên trong ngôi nhà nhỏ hẹp của mình.
Bồ Công Anh