'Chiếc cần câu' kỳ diệu

08/07/2015 - 14:44

PNO - PN - Từ chỗ thất nghiệp, ôm hai đứa con nhỏ chờ đồng lương giáo viên ít ỏi của chồng, nay chị Đặng Thị Bạch Cúc (ngụ 407/97/67/27 Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã là chủ một doanh nghiệp may mặc có tiếng trong quận. Sự thay...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Vì chị ấy xứng đáng”

Năm 2006, chị Cúc bày tỏ nỗi lòng với các cán bộ Hội P.10: “Tôi cần một công việc để thoát khỏi tình trạng thiếu trước hụt sau của gia đình, nhất là khi hai con dần lớn, cần thêm chi phí cho việc học hành. Tôi có biết cắt may sơ sơ, tôi ước mình có một chiếc máy may để kiếm vài đồng”. Xét thấy chị cần cù và khao khát tìm việc mưu sinh, Hội LHPN P.10 đã quyết nhanh. Có máy may, chị Cúc tranh thủ tối đa thời gian, vừa chăm con vừa may gia công tại nhà, bước đầu giải quyết được bài toán kinh tế gia đình.

Khi tay nghề vững, chị làm nhanh và đẹp hơn, khiến hàng xóm “nhìn mà thèm” một công việc như vậy. Chị Cúc mạnh dạn nhờ Hội LHPN phường tiếp tục hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất. Nhắc lại chuyện này, chị Trần Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp) phấn khởi: “Trong việc hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo, một yếu tố cần quan tâm hàng đầu là năng lực sử dụng vốn của người được vay. Chị Cúc đã chứng minh khả năng của mình và chị xứng đáng nhận được vốn vay nhiều hơn”.

Cầm trong tay 30 triệu đồng, chị Cúc lập tổ sản xuất quần áo, mua máy mới, tuyển thêm sáu lao động. Lúc này, chị đối diện với nỗi lo mới: tìm đầu ra ở đâu khi sản phẩm ngày càng nhiều? “Tôi phải dần thích nghi, trút bỏ chiếc áo của một người phụ nữ rụt rè, chậm chạp để đi tìm khách hàng”. Lúc này, Hội PN tiếp tục sâu sát, hỗ trợ chị Cúc. Chính chị Thanh Nhàn đã dắt chị Cúc đi giới thiệu với những đơn vị, tổ chức có nhu cầu may đồng phục số lượng lớn trên địa bàn Q.Gò Vấp. Đặc biệt, những ngày hội lao động do Hội tổ chức đã giúp chị tiếp xúc nhiều hơn với các đối tác lớn, từ đó mở rộng sản xuất.

Điều quan trọng nhất giúp cơ sở may của chị Cúc không ngừng phát triển là sản phẩm luôn được chăm chút từ vật liệu đến đường may, nhưng giá lại thấp hơn hẳn so với sản phẩm của các công ty lớn. Chị kể: “Có lần, tôi đến một trường tiểu học để chào hàng, thầy hiệu trưởng đã tròn mắt khi nghe báo giá và hỏi tôi “chị muốn phá giá hay sao mà đưa giá thấp vậy?”. Tôi đã chứng minh cho đối tác thấy, thực ra, giá của đồng phục học sinh có thể thấp hơn mặt bằng thị trường nhiều, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo”.

'Chiec can cau' ky dieu

Nhờ vốn vay từ Hội, chị Bạch Cúc (đứng) đã tạo ra việc làm cho phụ nữ nghèo tại Q.Gò Vấp

Nồi cơm chung

Hiện tổ may gia công của chị Cúc đã là Công ty TNHH may mặc Bạch Văn. Bà nội trợ Bạch Cúc ngày nào nay đã là bà giám đốc năng động, không còn thời gian nghỉ ngơi. Chị chia sẻ: “Cũng khó mà tránh vất vả, mình chịu trách nhiệm duy trì công việc cho nhiều người, việc không trôi chảy là nguy”. Công ty của chị đang có tám nhân công làm việc trực tiếp, mỗi người có thu nhập năm-sáu triệu đồng/tháng. Công ty còn quản lý bốn cơ sở “vệ tinh”, mỗi cơ sở có sáu thợ. Ngoài ra, chị Cúc cũng có một chi nhánh ở tỉnh Bến Tre với 35 máy may.

Chị Cúc bộc bạch: “Cứ suy ra từ bản thân thì biết, với người nghèo, họ cần nhất là “cần câu”. Vì vậy, tôi luôn ưu tiên vốn liếng để mua máy may cho người nghèo mượn. Có người làm việc tốt, trả góp mỗi tháng 500.000đ, khoảng 10 tháng là họ có thể sở hữu luôn chiếc máy. Nhiều người đã kiếm đến hơn 10 triệu đồng/tháng - con số mà trước đó họ không dám mơ”.

Chị Cúc cũng ưu tiên hỗ trợ phụ nữ khó khăn. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tâm (khu phố 1, P.10). Chồng chị Tâm là thợ xây, thu nhập thấp. Chị Tâm phải nuôi đứa con khuyết tật (nằm một chỗ) và người cô của chồng bị lòa nên không thể rời nhà để đi làm. Chị Cúc chủ động tìm đến, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật may và cho mượn máy may. Cuộc sống của chị Tâm đỡ hẳn.

Chị Cúc biết gần công ty của mình có chị Màu từ tỉnh khác đến tạm trú. Chị thậm chí còn không biết họ tên đầy đủ của chị Màu, nhưng vẫn mạnh dạn hỗ trợ máy may, bởi chị quan niệm: “Với những người nghèo khó, không nên khiến họ càng khó thêm. Giờ mà bắt họ phải có nhà, có hộ khẩu để yên tâm giao máy thì còn nói gì nữa”.

Công ty của chị Cúc hoạt động ngày càng hiệu quả, là trường hợp tiêu biểu trong số những chị em được hỗ trợ vốn làm kinh tế của Q.Gò Vấp. Chị đã vinh dự được hai lần đón đoàn công tác của Trung ương Hội về kiểm tra và biểu dương như một điển hình trong đề án 295 (Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015).

Hiện nay, dù bận rộn với công việc nhưng chị Cúc vẫn tích cực tham gia công tác Hội với vai trò Ủy viên BCH Hội LHPN P.10. Chị vui vẻ: “Tôi đã chứng minh cho chị em làm việc cùng thấy rằng, không chỉ có một sân chơi lành mạnh, việc gia nhập Hội còn giúp chị em phát huy khả năng của bản thân và có cơ hội làm kinh tế. Nhờ đó, những cộng sự của tôi trong công ty đã tham gia các hoạt động Hội tích cực”.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI