Chiếc áo phu thê

02/04/2015 - 10:29

PNO - PN - LTS: Người dân cả nước đang hướng về sự kiện kỷ niệm 40 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015). 40 năm tái thiết và phát triển, trong trái tim mỗi người, Sài Gòn là hình ảnh của một thành phố đáng...

edf40wrjww2tblPage:Content

 “Hồi mới cưới nhau khổ lắm!”. Họ rưng rưng nhớ về những ngày thiếu thốn. Vậy mà họ vẫn lòng dạ sắt son, thủy chung với nhau.

Tác giả của nhiều tượng đài lịch sử

Chiec ao phu the

Họa sĩ Lâm Quang Nới trong buổi giới thiệu mẫu phác thảo tượng đài Bác Hồ tại TP. Hồ Chí Minh

Ở tuổi nghỉ ngơi, vợ chồng họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, điêu khắc Lâm Quang Nới - Lý Thị Liễu (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật - nhiếp ảnh Oanh Vũ) vẫn tất bật với những công trình. “Còn mắc nợ nhiều quá nên phải làm hoài!”, ánh mắt đăm đắm trên mẫu tượng, đôi tay thoăn thoắt, dường như là cách ông lý giải chữ “nợ”. Và, ông bà tự thấy mình phải làm, tận hiến cho cuộc đời.

Là cặp vợ chồng cùng làm nghề điêu khắc hiếm hoi của Việt Nam, ông bà có nhiều công trình ý nghĩa: tượng đài liệt sĩ Ngã ba Giồng (Hóc Môn, TP.HCM), tượng đài Bác Hồ với Bác Tôn (Hà Nội), tượng đài Bác Tôn ở quê nhà An Giang, tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa)…

Đặc biệt, mẫu tượng Bác Hồ của ông vượt qua 31 mẫu, vinh dự được chọn đúc đồng, đặt ở công viên trước trụ sở HĐND và UBND TP.HCM từ đại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Năm xưa, khi làm công tác bảo tàng, đọc được lá thư vô cùng cảm động của Bác Hồ gửi cho đồng chí Phạm Hùng năm 1967, bày tỏ ý muốn được vào miền Nam, ông Nới đã ấp ủ ước ao làm tượng Bác với ý tưởng Người an nhiên sải bước giữa nắng gió Sài Gòn, vẫy tay chào đồng bào (trên thực tế, do tình trạng sức khỏe và do tình hình chiến sự ác liệt, Bác đã không thực hiện được mong ước này, lòng Người vẫn đau đáu nỗi nhớ miền Nam). Được sự động viên của bà Liễu, bằng tất cả lòng yêu kính, ông Nới bắt tay làm tượng Bác và đoạt giải cuộc thi phác thảo chân dung Bác Hồ.

Thành công quan trọng nhất của cặp đôi điêu khắc gia không phải chỉ ở những giải thưởng hay công trình, dự án mà thông qua từng tác phẩm, tình cảm ông bà thêm mặn nồng, gắn kết. Mỗi tác phẩm đều có dấu ấn của cả hai. Ông thừa nhận có lúc cảm thấy không mấy vui khi bạn đời chê tác phẩm của mình, từng thoáng nghĩ “giá đừng có vợ làm cùng nghề”.

Nhưng rồi ông phải công nhận, để hoàn thiện hơn, cần có con mắt khách quan sáng suốt của người khác. Lúc đầu, do bà chưa có kinh nghiệm, lời nhận xét của bà dễ bị ông phản ứng. Về sau, hiểu tính ông, bà khắc phục bằng cách không nói dài dòng mà thật ngắn gọn kiểu như “phải làm sao cho ánh mắt có thần hơn, miệng cười tươi hơn”, rồi bà “vọt” chỗ khác để ông ngấm dần và chỉnh sửa khi đã bình tâm.

Sự “kết duyên” giữa ý tưởng táo bạo của ông và bố cục đặc sắc, sinh động, giàu nữ tính của bà tạo nên giá trị độc đáo của tác phẩm. Bà không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ, không tiếc lời khen ông phác thảo hay, vẽ đẹp, viết tốt, thuyết trình thu hút. Trong buổi khởi công khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, là tác giả của biểu tượng chiến sĩ, bà lại không phát biểu và giao lưu mà ủy quyền cho ông.

Nhìn đâu cũng “thấy nhau”

Chiec ao phu the

Vợ chồng nhà điêu khắc Lâm Quang Nới - Lý Thị Liễu chăm chút cho tác phẩm của mình

Trong những ngày này, mọi người hướng về TP.HCM với lòng tri ân, bà cũng tri ân thật cụ thể theo phong cách chân thành, mộc mạc của mình: “Cảm ơn mảnh đất này đã cho tôi một người chồng, một cuộc sống hạnh phúc”.

Ông quê ở Nam Định, 18 tuổi đi bộ đội ở địa phương và sau đó tham gia chiến trường miền Đông. Bà sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Đam mê nghề vẽ đã dẫn lối họ tìm đến nhau ở trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM khi sau ngày giải phóng, ông được điều về trường làm công tác tổ chức và theo học ngành hội họa (lụa); còn bà là sinh viên ngành trang trí, vẽ tranh cổ động. Đi thực tế sáng tác tại Hóc Môn (TP.HCM), Bến Tre, Tiền Giang, ấn tượng đầu tiên của bà về ông là một cán bộ có gương mặt “khá ngầu”, nhưng lại vui vẻ, hòa đồng.

Cưới nhau, bất kể công việc gì, từ khắc tượng, vẽ chân dung, vẽ tranh cổ động đến vào buồng tối rọi hình cho các hiệu ảnh, ông bà đều không quản ngại. Căn phòng tập thể ở Bảo tàng Cách mạng TP (nơi ông công tác 25 năm) vừa để ở, vừa để thai nghén, cho ra đời những tác phẩm mỹ thuật. Nơi ấy, các đồng nghiệp cưu mang, đỡ đần nhau như anh em ruột thịt.

Thắt ngặt nhất là lúc con gái đầu lòng chào đời, năm 1982. Nhắc lại những lúc con bệnh, cái miệng móm duyên luôn tươi cười của bà chợt mếu. Bà rớt nước mắt nói với ông: “Lần con nằm ở Bệnh viện Nguyễn Văn Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định), túi không có tiền, đành nhịn đói, nhịn khát. Có người biết mình là nghệ sĩ nghèo đã thương cảm rồi cho cơm, tặng quần áo. Em không kể cho ba nghe, sợ ba xót (ba - cách bà trìu mến gọi ông - PV)”.

Cùng nhau xuôi ngược giữa thành phố thân yêu để thực hiện những công trình, dự án, qua những vùng kỷ niệm từng in dấu chân hai người, bà miên man hồi tưởng: “Đây trường vẽ, nơi hai đứa từng gặp gỡ, từng học tập, từng gặm ổ bánh mì được trường phát mỗi sáng; đây quán hủ tíu bò viên hai đứa dắt nhau ăn khi mới nhận nhuận ảnh; đây chợ Bà Chiểu, hai đứa kiếm tiền thêm bằng cách mướn sạp bán dưa hấu vào Tết Kỷ Mùi…”. Tưởng đã quên, ngờ đâu ông cũng ngoái nhìn chốn xưa, một chút thôi rồi lại tiếp tục hòa mình vào dòng chảy hối hả của Sài Gòn.

Điều đáng tự hào là họ luôn giữ vẹn nghĩa tình, nhìn đâu cũng “thấy nhau”. Ông trầm ngâm bảo đó là quy luật cuộc sống, nếu tiền vận suôn sẻ, dễ dàng thì có khi người ta không biết quý trọng, không cố gắng giữ gìn và vì thế, hậu vận chưa chắc đã hay. Bí quyết sống của ông bà là hết lòng, vững tin, không phụ nghề, phụ người; hạnh phúc rồi sẽ đến từ sự tích lũy, chắt chiu qua ngày tháng. Cũng có lúc cắn đắng, giận hờn nhau, nhưng ông bà nghĩ lại thời khổ nhọc, nhớ bộ quần áo lành duy nhất mặc chung, nhớ… rồi lại yêu quý nhau nhiều hơn.

Ở tuổi U70, ông Nới - bà Liễu vẫn hào hứng với những công trình mới và một số kế hoạch của gia đình. Ông bà sẽ xây một ngôi nhà lớn ở Q.2, TP.HCM, sẽ cưới dâu, sống quây quần tam đại đồng đường.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI