Chiếc áo lem vết dầu của người cha lam lũ

19/06/2022 - 09:59

PNO - Mỗi khi nhìn tấm ảnh chụp cả nhà, tôi luôn ước thời gian quay ngược, tôi sẽ tươi cười hồn nhiên, nắm tay ba mẹ trong tấm hình đẹp nhất.

 

Cha già đi, con cái luôn ở cạnh bên là điều hạnh phúc nhất (Ảnh minh họa)
Cha già đi, con cái luôn ở cạnh bên là điều hạnh phúc nhất với cả hai (Ảnh minh họa)

Ba tôi làm việc ở gara sửa xe. Lúc nhỏ, mỗi lần thấy ba về tôi liền chạy ào đến nhưng bộ quần áo lấm lem và bàn tay đen kịt của ba đã ngăn tôi lại. Tôi luôn né những cái ôm của ba. Trong lòng tôi chỉ ước ba mình giống ba bạn Tâm, bạn Hùng… Mỗi sáng các chú ấy mặc sơ mi trắng, xách cặp đi làm, còn ba tôi mặc bộ đồ công nhân lấm lem, hôi rình mùi dầu nhớt dù mẹ luôn giặt rất kỹ.

Năm đó bác Hai tôi gả chồng cho chị Hạnh. Bà nội dặn mọi người phải mặc đẹp để chụp ảnh đại gia đình. Mẹ mua cho ba chiếc quần tây xám và áo sơ mi trắng. Ba diện đồ mới vào, nhìn ba sáng sủa hẳn ra, nhưng đôi tay với những chiếc móng dính dầu nhớt thì chẳng thể nào sạch được. Đành tạm chấp nhận, ba chỉ có thể tươm tất đến vậy thôi.

Lúc xe rước dâu chuẩn bị rời đi thì xe bị chết máy. Ba xắn tay áo, bò dưới gầm xe mò mẫm. Lúc xe khởi động được thì chiếc áo trắng của ba đã dính mấy vết dơ. Ba không có thời gian thay đồ khác, mà cũng chẳng có đồ để thay. Ba phải theo xe để đề phòng lại trục trặc.

Lúc cả nhà tôi lên chụp ảnh cùng cô dâu chú rể. Ba mẹ cười rất tươi, còn tôi mặt chù ụ. Mãi sau này mỗi khi nhìn tấm ảnh chụp chung duy nhất của cả nhà, tôi luôn ước thời gian quay ngược, tôi sẽ tươi cười hồn nhiên, nắm tay ba mẹ trong tấm hình đẹp nhất.

Có lần, tôi mang thư mời của nhà trường mời ba dự lễ tổng kết vì năm đó tôi đậu học sinh giỏi cấp tỉnh, được tuyên dương. Ba mặc lại chiếc áo trắng từng mặc hồi đám cưới chị Hạnh. Chiếc áo dù giặt kỹ nhưng vẫn còn những vết dơ.

Tôi phụng phịu: “Hay ba đừng đi”. Ba cười: “Vinh dự của con gái ba mà, không đi sao được”. Ba cầm tay tôi đi giữa sân trường, tươi cười chào các thầy cô đầy hãnh diện. Nhưng mặt tôi đỏ bừng, đầu cúi gằm không dám ngẩng lên.

Tan lễ, ba nói sẽ chở tôi đi ăn kem, vì tôi xứng đáng được thưởng. Tôi hét lên: “Con không ăn kem. Sao ba không mặc áo đẹp? Sao ba không làm công chức như ba của các bạn?”.

Ba sững sờ nhìn tôi, giọng khẽ khàng: “Ba có thể mua áo đẹp, nhưng tiền của ba là để nuôi con ăn học. Ba không biết làm công chức, nhưng đồng lương sửa xe của ba cũng đủ nuôi con…”. Câu nói nhẹ nhàng ấy làm đau tôi tới ngày trưởng thành. Tôi giận mình không biết thương ba, thấu hiểu những việc ba làm…

Tôi vào đại học, ba động viên tôi: “Con ráng học hành, ba còn sửa xe được là còn nuôi được con”. Tôi úp mặt vào vai ba. Mùi dầu nhớt khiến tôi cay mắt.

Tôi đi dạy kèm, chạy bàn, rửa chén thuê để kiếm thêm tiền mua sách vở. Bàn tay tôi chai sần, vươn mùi dầu mỡ. Xòe bàn tay, tôi nhớ bàn tay ba với những chiếc móng đen, nước mắt tôi lặng lẽ chảy… Mỗi lần gọi về nhà, tôi luôn nhắc ba đừng lo cho tôi, ba làm việc ít thôi, đừng cố quá… Nghe giọng ba cười hiền: “Tay ba còn vặn ốc được mà con”…

Khoác áo cử nhân cho cha là niềm mơ ước và hãnh diện của các cô gái (Nguồn FB Lê Thị Kim Thy)
Khoác áo cử nhân cho cha là niềm mơ ước và hãnh diện của các cô gái (Nguồn Facebook Lê Thị Kim Thy)

Tôi học năm thứ hai, mẹ đột ngột gọi điện thoại, giọng uất nghẹn: “Về liền đi con, ba mất rồi”. Hơn 100 cây số đường xe đò về nhà, tôi tê dại với nỗi đau. Tôi cứ dằn vặt mình tại sao lại là ba? Ba còn chưa nhìn thấy tôi tốt nghiệp, trưởng thành, mua áo mới cho ba…

Mọi người vẫn để ba nằm đó chờ tôi. Tôi run bần bật khi cầm tay ba. Tôi xoa bóp mãi đôi tay lạnh giá, mong một phép màu cho tay ba ấm lại. Tôi úp mặt vào tay ba. Đôi bàn tay đã vì tôi chưa một ngày được nghỉ…

Mẹ tôi vuốt ve mãi mấy bộ quần áo sẽ mang theo cho ba. Mớ đồ ít ỏi, cũ kỹ; cả chiếc áo sơ mi lấm lem năm nào. Tôi nghẹn ngào cầm chiếc áo cũ. Tôi sẽ chẳng còn cơ hội nhìn thấy ba mặc chiếc áo này nữa…

Ngày tôi tốt nghiệp, chỉ có mẹ lên thành phố dự với tôi. Tôi ngẩng nhìn trời xanh, dù đã cố nén nhưng nước mắt vẫn lặng lẽ chảy. Tôi ước gì có ba ở bên, mặc áo cũ cũng được, áo nào cũng được và ba mỉm cười với tôi...

Tôi ước gì còn cơ hội nói với ba câu này: “Ba à, con rất yêu ba. Con hãnh diện về ba”.

                                                                                                                                                                                                                                                             Yến Phượng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI