Chiếc áo hở ngực, nữ quyền và khí chất Sài Gòn

09/08/2017 - 10:46

PNO - Cái đẹp của sự kín đáo mới là cái đẹp gợi cảm nhất và cốt cách, khí chất Sài Gòn thì chẳng cần phải phô vẫn sẽ cứ hiển hiện; và rằng “cởi mở” chẳng liên quan gì đến nữ quyền.

Không lệ thuộc thời tiết nắng nóng hay mưa giông, mỗi ngày, cô H., chủ quán phở, luôn chọn kiểu áo hở ngực khi đứng tiệm. Tôi cắc cớ hỏi: “Như bà chủ, áo hở bao nhiêu thì toại ý?”. Cô cười cười: “Hở sao cho… thấy được trọn nửa trên là em chịu”.

H. là chủ quán phở lề đường một khu lao động quận 11. Tất nhiên quán không biển hiệu, khách toàn quyền giả định rằng người đàn bà tuổi ngoài 30 này đang trong tình cảnh tự do. Phở và bò kho của quán chỉ bán buổi sáng. 

Chiec ao ho nguc, nu quyen va khi chat Sai Gon
Trong những hình ảnh xưa, phụ nữ Sài Gòn vẫn đầy khí chất mà chẳng cần phải hở

Khách ăn đông vì ngon, rẻ là chính, và cố nhiên số khách đàn ông thường xuyên đến quán còn vì cảm xúc nhìn ngắm cô chủ. Khi không gian thị giác của khách được mở rộng đến “trọn nửa trên”, họ có thể tưởng tượng buổi ăn sáng của mình đang ở giữa đồi cỏ êm, tràn hương thơm của rau om, ngò quế, húng cây…

Trong tiệc mừng sếp nhận học vị tiến sĩ, phu nhân của sếp - một phụ nữ đã lên chức bà ngoại - týp bà ngoại với những giá trị hiện đại bất thường còn đang trong vòng tranh cãi; không biết đứa cháu gái tuổi mẫu giáo của bà có thấy hoặc còn cần phải thấy bà ngoại trong dáng hiền dịu nữa hay không. Chỉ biết trong buổi tiệc đó, bà ngoại đã khiến cho đám quan khách nghiêm túc phải giật mình, tròn mắt.

Bà ngoại trong bộ soirée nhung đen hở ngực. Cái phần ngực hở rộng và sâu của bà được thắp sáng bởi màu da trắng và chuỗi ngọc trai. Trong trường hợp này, dáng đẫy đà lộ quyền lực mẫu hệ của bà càng tôn cao phần ngực hở, rất tự nhiên. Cách chọn phục sức của bà dường như cũng để khẳng định địa vị không ai có thể thay thế bà bên cạnh ông sếp.

Cộng đồng luôn tin thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của phụ nữ. Một khi số đông quý bà quý cô cùng chung cảm xúc về một lối trang phục thì đó được xác định là thời trang. Nhưng chọn trang phục theo mốt hở bạo lại là chuyện khác.

Chiec ao ho nguc, nu quyen va khi chat Sai Gon
 

Chị em vào cửa hàng thời trang chọn kiểu áo hở ngực, mang về nhà mặc và ngắm mình trước gương hoặc trước tình nhân trong phòng riêng là việc riêng. Nhưng đưa cái đẹp hở bạo ra trước công chúng lại khác và điều đó không hề tạo nên được chút khí chất nào, cùng lắm chỉ nhận về hai từ "nổi loạn".

Cháu gái của một người bạn là cử nhân mới ra lò, đi làm chưa tròn năm. Lần đầu dự tiệc do cơ quan khoản đãi, cô nàng đã mò cả buổi ở shop thời trang, chọn một cái áo giá sale, kiểu “ba lỗ” màu xanh mạ. Cô bị mẹ chặn lại trước khi kịp bước ra khỏi nhà với phần ngực hở bạo và hai cánh tay trắng trần tươi mát.

Mẹ cô nói như sắp khóc: “Con định làm xấu mặt cha mẹ hở?”. Ðứa cháu gái tỉnh rụi: “Con đẹp khỏe mạnh mà”. Rồi cô cười giòn: “Mẹ cần có tư duy cách mạng về cái đẹp”. Với đa số các bà mẹ Sài Gòn, cái đẹp không cần phải “cách mạng”.

Các bà có rất nhiều đồng minh sẵn sàng tranh luận tới cùng để bảo vệ giá trị mà họ tin là hiển nhiên rằng: cái đẹp của sự kín đáo mới là cái đẹp gợi cảm nhất và cốt cách, khí chất Sài Gòn thì chẳng cần phải phô vẫn sẽ cứ hiển hiện; và rằng “cởi mở” chẳng liên quan gì đến nữ quyền.

Nhớ có lần bạn tôi kể trích đoạn một cảnh phim Pháp. Một tay thủ lĩnh kháng chiến quân người Tây Ban Nha, sau nhiều năm sống tị nạn, vất vưởng trên đất Pháp, bỗng một hôm không ngăn được nỗi nhớ nhà. Hắn quyết định lên tàu về xứ, nhưng khi tàu tạm dừng ở ga biên giới thì hắn đổi ý.

Chiec ao ho nguc, nu quyen va khi chat Sai Gon
 

Hắn sợ! Hắn biết chắc sẽ bị bắt một khi về nhà. Tình trạng lưỡng lự khiến hắn chỉ còn biết ngồi trong quán trọ nhìn ngắm từng đoàn tàu xuôi ngược. Sáng sớm hôm đó, trong lúc hắn ngồi chờ cô hầu bàn phục vụ cà phê cũng là lúc đoàn tàu chạy từ phía đất Pháp sang Tây Ban Nha chuẩn bị rời ga. Hắn tự hỏi một lần nữa - về nhà hay vĩnh viễn lưu vong?

Bên kia biên giới là vợ, là mẹ, là con… và cảnh sát, quan tòa, nhà tù…  Tất cả đang chờ hắn. Hắn không thể quyết định, đành chờ số phận quyết định thay. Rồi số phận cũng đến, cho hắn thấy biểu tượng: cô hầu bàn xinh đẹp. Lúc cô khom người đặt tách cà phê xuống bàn, ngực áo cô vô tình mở ra để lộ trọn vẹn đôi gò bồng đảo thanh xuân.

Sau khoảnh khắc ấy, sau tiếng cảm ơn chân thành, không một phút chần chừ, hắn xách hành lý đi thẳng về phía đoàn tàu chuẩn bị khởi hành về quê hương. Hắn đã tìm lại được động lực để sống, chiến đấu và chết vì một đất nước Tây Ban Nha khác.

“Cách mạng về cái đẹp”, nếu có, chỉ nên đơn giản là: nếu được toàn quyền chọn, quý bà quý cô sẽ chọn áo hở ngực bao nhiêu thì… vừa ý. Ngày nay, không ai còn buộc phụ nữ phải che kín thân thể trong cảnh lệ thuộc đạo đức hà khắc. Không ai muốn quay lại thời kỳ mà phụ nữ không thể quản lý cái đẹp thể hình tạo hóa tặng riêng cho họ - thứ tài sản vô giá của họ.

Nhưng độ hở của cái áo cũng thể hiện văn minh thẩm mỹ bên cạnh chuyện kiểu dáng, chất liệu, chứ không phải những tuyên ngôn phải được gì hay cần những gì. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI