Những năm trước 1975, phụ nữ trong gia đình tôi chỉ mặc những chiếc áo dài màu trắng. Lý do đơn giản là chị em tôi còn ở tuổi đi học nên phải mặc đồng phục áo dài trắng, quần trắng. Má tôi là người đi làm việc nhưng bà vẫn mặc áo dài với duy nhất một màu trắng.
Năm lên 14 tuổi, tôi được má giao nhiệm vụ sau giờ học văn hóa thì đi học may áo dài ở một tiệm chuyên áo dài ở gần nhà. Điều này không dễ dàng chút nào nhưng tôi vẫn phải thực hiện vì má tôi nói lý do học may để có thể tự may, tiết kiệm tiền công. Thời gian học may kéo dài khoảng sáu tháng, đủ cho tôi tiếp xúc với vô số mẫu vải cao cấp, hoa văn, màu sắc đẹp.
|
Má tôi và các con |
Cuối cùng tôi cũng kết thúc việc học may khi tự hoàn thành một chiếc áo dài ráp tay ngang bắp tay chứ không phải kiểu tay áo raglan như bây giờ. Và kể từ đó, tôi trở thành thợ may áo dài cho má mình. Đó là những sản phẩm đầu tay của cô thợ 14 tuổi với những lỗi vụng về ở đường ráp cổ. Vậy nhưng má tôi vẫn mặc những chiếc áo dài do con gái may để đi làm.
Một lần nọ, tôi thêu một mẫu hoa lên góc tà áo trắng của má. Bà chẳng nói gì nhưng chiếc áo đó nằm yên mãi trên giá áo. Một ngày, tôi đánh liều đem những thắc mắc dồn nén bấy lâu hỏi má: “Tại sao chỉ là áo dài vải ka-tê trắng? Tại sao áo thêu đẹp mà má không thèm mặc?”.
Bà giải thích đơn giản rằng, trong cơ quan của bà có rất nhiều phụ nữ trẻ đẹp, giàu có, mỗi ngày luôn thay đổi với những chiếc áo dài đẹp, sang trọng. Má cũng muốn đẹp chứ. Nhưng người mẹ nuôi một đàn con thay cho chồng đang tham gia kháng chiến thì làm sao đủ sức bon chen. Cho nên, áo dài màu trắng không bị lỗi “mốt” và quan trọng là người ta không thể biết mình có bao nhiêu cái áo để xem thường vì mình nghèo.
Giữa năm 1973, gia đình nhỏ của tôi bị một sự cố nặng nề. Giữa đêm khuya yên tĩnh, sau tiếng đập cửa ầm ầm là hàng loạt cảnh sát áo trắng ùa vô nhà kiểm tra tờ khai gia đình, lục soát rồi cuối cùng bắt ba và chị tôi đi.
Sáng sớm hôm sau, nhóm chúng tôi 3 người gồm dì Sáu Lan (Quận hội Quận 4), Trần Hiền (Công ty SJC Quận 4) và tôi được gia đình bên ngoại đưa xuống Cần Thơ trốn ở nhà một người quen. Thì ra trước đó vài hôm, căn cứ của Quận 4 đóng tại Quới Sơn, tỉnh Bến Tre bị kẻ phản bội dẫn lính về càn quét bắt bớ nhiều người, vì vậy mà các đường dây hoạt động nội thành bị lộ. Hai ngày sau, cảnh sát trở lại tìm bắt chúng tôi nhưng không có nên họ bắt luôn má tôi.
Trốn ở Cần Thơ nhưng tôi không ngồi yên được vì ngày thi tú tài 2 đang cận kề. Cuối cùng, cả nhóm trở về Sài Gòn tìm chỗ trốn khác để tôi tham gia thi cử. Vài tháng sau, má tôi được thả về.
|
Tác giả (thứ ba từ phải qua) thời trung học ở Trường Lê Văn Duyệt (nay là Võ Thị Sáu) |
Đêm đầu tiên hai má con gặp lại nhau, chúng tôi nói chuyện suốt và tôi nhớ mãi câu má dặn: “Con phải ráng học, học nghề gì cũng được miễn là có việc làm ích lợi cho xã hội. Dù có đi ở đợ, má cũng sẽ lo cho con học tới nơi, tới chốn”. Không lâu sau khi bị Nha Hàng không dân sự (Sài Gòn) đuổi việc vì tội ở tù chính trị, má tôi được bạn giới thiệu thi và trúng tuyển vào làm việc cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Tôi áp dụng bài học “áo dài màu trắng của má tôi” để làm trang phục bước vào Trường đại học Khoa học Sài Gòn. Số tiền học phí và tiền xe hằng ngày di chuyển lên học ở Khoa Sinh lý - Sinh hóa ở Thủ Đức là gánh nặng cho má tôi lắm rồi, làm sao tôi dám xin tiền may sắm quần áo đi học. Thế là đồng phục áo dài trắng thời trung học được tận dụng: áo dài trắng lên giảng đường, áo dài trắng vào phòng lab (khoác áo blouse bên ngoài), áo dài trắng đi họp nhóm học sinh sinh viên nội thành, áo dài trắng xuống đường biểu tình. Thậm chí buổi sáng ngày 29/4/1975, khi đi đến nơi tập kết với nhóm K41 Gò Vấp để chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn, tôi cũng mặc áo dài trắng.
Năm 1976, lúc tôi đang làm công tác Đoàn Thanh niên ở phường, anh Sáu Nghị lúc đó là thủ trưởng cơ quan Quận đoàn 4 nhắn tôi về tham gia cuộc thi ca hát cấp thành phố. Tôi nhớ mãi câu anh Sáu dặn: “Em về nhà mượn bộ áo dài để mặc đi thi. Đừng mặc cái quần chó táp ba ngày hổng tới nha”. Tôi chợt nhớ, hèn chi vài người gặp tôi ở phường hay hỏi là có phải từ ngoài Bắc vô không.
Đi nhận công tác ở Quận 4, hành trang của tôi là ba bộ đồ xin của má, toàn là quần đen và áo bà ba vì ngoài áo dài, tôi chẳng có trang phục nào khác để ra đường. Thời gian dài sau đó, tôi vẫn giữ thói quen đưa tay vén tà áo dài mỗi khi lên xuống xe, thật tình là có cảm giác buồn buồn, thiếu thốn gì đó khi không với được tà áo dài thân quen.
Không bằng lòng với trình độ may áo dài đã học năm xưa, tôi theo học nhiều khóa may các loại trang phục ở Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố. Thật tình mà nói, tôi rất biết ơn các cô giáo dạy ở đây. Họ rất chuyên nghiệp, có trách nhiệm và rất chân tình.
Cách đây nhiều năm, tôi đã may được áo dài trắng kiểu tay raglan cho con gái lớn học cấp III và lại tiếp tục may đồng phục áo dài cho con gái út. Điều quan trọng là con gái tôi khen áo rất đẹp và tự hào khoe với các bạn.
Vậy đó, tôi gắn bó với áo dài trắng một cách tự nhiên như hơi thở của mình. Tôi yêu má tôi với hình tượng con cò trắng lặn lội vất vả nuôi con. Chiến tranh đã qua, hơn 40 năm nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trên đất nước ta vẫn có những người mẹ, người vợ như những cánh cò trắng vất vả bươn chải kiếm cái ăn nuôi gia đình.
Những người con, xin đừng phụ tấm lòng, sự hy sinh của mẹ; hãy đón nhận, tiếp tục thắp sáng tình yêu của mẹ trong trái tim mình và truyền ngọn lửa đó cho thế hệ kế tiếp.
Thu Vân