Một ngàn chín trăm... hồi đó

Chiếc ăng-ten thần thánh và những kỷ niệm thời đặt gạch... xem ti vi

30/04/2022 - 18:33

PNO - 5g chiều, đám con nít đã lục tục tới nhà ông Tám đặt gạch, trải chiếu manh, lót ghế để… xí chỗ. Nhưng chẳng mấy chốc những cục gạch, tấm chiếu của người giữ chỗ trước đó bị xô dạt qua một bên theo cái lý “gặp mặt mới tính”.

Đầu thập niên 1980, ti vi là “món” giải trí xa xỉ và được người dân vùng Cái Hố (xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) yêu thích. Cả cái xóm rộng lớn chỉ hai nhà có ti vi: nhà ông Tám Du và nhà ông Sáu Cang. Nhà ông Cang thì ti vi chỉ mở đóng cửa cho gia đình xem, nên cả xóm hơn 1.000 người dân xem như chỉ còn chiếc ti vi của ông Tám.

Ti vi của nhà ông Tám là loại trắng đen, 14inch, phát bằng bình ắc quy. Tôi không biết ông Tám sắm chiếc ti vi khi nào, nhưng chiếc bình ắc quy hiệu Đồng Nai là mua đến 73 giạ lúa (hơn 4 chỉ vàng thời đó). Vậy nhưng rất nhiều lần, đang xem vở Đời cô Lựu mùi mẫn thì cái màn hình co lại bốn góc, nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt ngúm vì ắc quy hết điện.

Cứ đến ngày thứ Bảy là già trẻ bé lớn trong xóm háo hức và câu chuyện ngày hôm đó chỉ xoay quanh việc tối đi coi cải lương, bàn về tuồng sẽ phát (ngày đó chỉ đài Cần Thơ vào tối thứ Bảy mới phát cải lương). 

Chiếc Ăng ten gắn bó với ký ức của bao người
Chiếc ăng - ten đón sóng truyền hình gắn bó với ký ức của bao người

5g chiều, đám con nít đã lục tục tới nhà ông Tám đặt gạch, trải chiếu manh, lót ghế để… xí chỗ. Chừng chạng vạng, nhưng chưa tới giờ G (8 giờ tối), đoàn người rồng rắn rủ nhau đi xem ti vi. Bất kể mưa gió thế nào, đến tối thứ Bảy là những chiếc đèn dầu hột vịt hướng về nhà ông Tám. Những cục gạch, tấm chiếu của người giữ chỗ trước đó bị xô dạt qua một bên theo cái lý “gặp mặt mới tính”. 

Chỉ những người lớn tuổi mới được vé “VIP”, tức là ngồi bệt ngay trước ti vi, như vợ chồng ông Bảy Bồi, vợ chồng ông Hai Tân (anh ruột ông Tám) và bà Hai Nơi, Tư Bạch… Vì ti vi nhỏ xíu và chỗ ngồi có hạn, là khoảng trống ở hàng ba khoảng 9m2 (nơi nhìn được ti vi), nên ai xí được chỗ rồi thì sống chết cũng bám trụ, bởi đứng lên là mất chỗ ngay. 

Vì vậy mà có nhiều hôm, khi nghệ sĩ cải lương đang xuống xề mùi mẫn thì nhiều tiếng nhao nhao “khai quá, thúi quá”. Thủ phạm thường là thằng Tách, được má nó túm ra ngoài trong tiếng la khóc của nó, và tiếng ì xèo của những người xung quanh (nhưng không ai bỏ chỗ). Những khi đó, đội trưởng đội trật tự (tự phong) bà Bảy Ê vừa hét “nín để coi coi bây”, vừa cầm cọng dừa có gắn cục dầu chai bằng ngón tay cái gõ lên đầu đứa nào gây ồn ào. 

Những hôm có vở tuồng hay như Nghêu Sò Ốc Hến, Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu… ông Tám khiêng cái ti vi ra ngoài sân, kê lên cái bàn cao để ai cũng được coi, dù với những người đứng xa chỉ thấy nghệ sĩ như hạt đậu đen, chủ yếu là nghe tiếng ca. 

Tôi nhớ lần đầu Đài Truyền hình TPHCM (HTV bây giờ) phát vở Tô Ánh Nguyệt. Từ 5 - 6g chiều, không chỉ người trong xóm Cái Hố, mà cả các xóm lân cận cũng kéo đến coi, đông như khán giả xem phim bom tấn bây giờ. Tuy nhiên, ở quê tôi chỉ xem rõ được đài Cần Thơ, còn HTV thì… hên xui. Để xem HTV, cần phải xoay ăng-ten. Hôm đó, con Nhựt, thằng Vị - là chuyên gia xoay ăng-ten nhất định không chịu đứng lên, vì sợ bỏ dở một đoạn. 

Thấy vậy, ông Tám đi ra kho lúa - nơi đặt cây ăng-ten để làm nhiệm vụ. Đó là một nông dân chất phác, rất vui tính, yêu văn nghệ và luôn hết lòng phục vụ mọi người. Ông Tám đầy kinh nghiệm xoay ăng-ten, ông nhích nhẹ từng chút một, không xoay vù vù như con Nhựt. Con Nhựt xoay nhanh nên vừa mới thấy hình rõ, chưa kịp xem đã mất hình.

Ông Tám xoay và hỏi vọng vào “được chưa?”, bà Bảy Ê vừa lên tiếng “được” thì ngay lập tức đổi câu trả lời “mất tiêu rồi”. Ông Tám lại cặm cụi xoay cây sắt tròn bằng cổ tay con nít, cây cột lọt thỏm trong bàn tay hộ pháp của ông. Ông xoay cái ăng-ten về hướng nhà ông Út Lệ - hướng mà mọi người gọi đó là hướng TP.HCM. “Có rồi” - đám đông la to, kèm theo là câu hát của nghệ sĩ Minh Vương: “Anh đang cúi đầu chờ ân huệ…”. 

Có ai còn nhớ những chuyện vui thời xem ti vi ké?
Có ai còn nhớ những chuyện vui thời xem ti vi ké?

“Mất rồi, quay lại, tới tới chút ông Tám ơi”. Đám đông nhốn nháo, kêu ông Tám điều chỉnh ăng-ten, vì cứ vừa có hình rồi lại mất hình. Khán giả hồi hộp, căng thẳng, và ông Tám cũng căng thẳng như chơi trò chơi đuổi bắt. Gió bắt đầu nổi lên, dù ông Tám đứng giữ chặt cây ăng-ten, nhưng những hình ảnh mờ nhòe của nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy cũng không còn. Trên màn hình chỉ còn lại “đám rầy nâu bay” (những chấm đen dày đặc và kêu rè rè) và bên ngoài là tiếng kêu than, la đầy thất vọng và cả giận dữ. 

Đến 11g đêm, đã vãn tuồng hát theo lệ thường, mọi người mới chịu bỏ cuộc ra về. Khi đó, ông Tám mới phát hiện, chiếc lan can gỗ nhà đã xiêu vẹo và những họa tiết bông hoa trang trí đã rơi ra. 

Tội cho ông bà Tám, bởi cứ mỗi lần vãn tuồng, khi đã khuya lơ khuya lắc (ở quê nếu không có cải lương thì khoảng 8g tối mọi người đã ngủ say sưa), ông bà còn lọ mọ quét dọn nhà rồi mới được ngủ. Còn những khán giả ra về lòng đầy hân hoan và lại bàn nhau “không biết tuần sau tuồng gì, vái trời không phải là kịch”. Mọi người lại hào hứng bàn về vở tuồng vừa xem, vừa lên kế hoạch cho tuần sau để có chỗ ngồi tốt. Riêng tôi may mắn không phải lo nghĩ về chỗ ngồi, đặt gạch, thậm chí trẻ con trong xóm đến ngày thứ Bảy còn nịnh nọt cho tôi kẹo - vì tôi là con của ông Tám. 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI