Vì sao 240 người Israel vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm vắc xin?

04/01/2021 - 14:14

PNO - Trong số gần 1 triệu người Israel được chủng ngừa COVID-19 cho đến cuối năm 2020, khoảng 240 trường hợp được chẩn đoán nhiễm virus vài ngày sau khi tiêm.

 

Một người đàn ông được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer tại Jerusalem, Israel hôm 30/12/2020
Một người đàn ông được tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer tại Jerusalem, Israel hôm 30/12/2020

Con số này nhấn mạnh sự cần thiết của việc các cá nhân phải tiếp tục tự bảo vệ mình trong nhiều tuần sau khi được tiêm chủng, vì cơ thể cần thời gian để phát triển các kháng thể hiệu quả chống lại SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19.

Vắc xin Pfizer không được sản xuất bằng chính virus SARS-CoV-2, nghĩa là không ai có thể mắc bệnh từ các mũi tiêm chủng. Thay vào đó, vắc xin chứa một đoạn mã di truyền giúp hệ thống miễn dịch nhận ra protein gai bám trên bề mặt của virus và tạo ra kháng thể để tấn công nếu nó gặp phải virus thật.

Nhưng quá trình này cần có thời gian và các nghiên cứu về vắc xin. Đến nay, các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 sau mũi tiêm đầu tiên là sau 8 -10 ngày nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%.

Đây là lý do tại sao liều thứ 2 của vắc xin được khuyến cáo tiêm 21 ngày sau liều đầu tiên. Điều này quan trọng vì nó tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với virus, mang lại hiệu quả 95% và đảm bảo khả năng miễn dịch kéo dài. Mức độ miễn dịch này chỉ đạt được khoảng 1 tuần sau liều thứ 2 hoặc 28 ngày sau liều đầu tiên.

Bất kỳ ai bị nhiễm bệnh vài ngày trước khi tiêm liều đầu tiên hoặc trong vài tuần trước khi đạt được hiệu quả đầy đủ vẫn có nguy cơ phát triển các triệu chứng.

Trước báo cáo tại Israel, một y tá ở bang California (Mỹ) cũng có kết quả dương tính với COVID-19 hơn một tuần sau khi tiêm vắc xin của Pfizer.

Pfizer cho biết trong một tuyên bố với hãng tin Reuters: “Dựa trên nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả ở giai đoạn 3 của chúng tôi, vắc xin cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại COVID-19 trong vòng khoảng 10 ngày kể từ liều đầu tiên và được tăng cường đáng kể sau liều thứ hai. Đó đó nhu cầu tiêm chủng bao gồm 2 liều”.

Một vấn đề khác cần lưu ý là các nghiên cứu vẫn chưa xác định được liệu vắc xin có cho phép một người không phát bệnh nhưng vẫn mang mầm bệnh và lây lan hay không.

Có khả năng, cơ thể của một người sẽ được bảo vệ khỏi virus sau khi tiêm chủng, các lớp niêm mạc trong đường mũi, ngoài tầm hoạt động của kháng thể, vẫn có thể chứa các hạt virus không ngừng nhân lên.

Dù những hạt virus sẽ không gây hại cho người mang mầm bệnh - vì bất kỳ virus sống nào xâm nhập sâu hơn vào cơ thể sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn dịch được đào tạo - chúng vẫn có thể bị tống ra ngoài qua đường mũi miệng và lây nhiễm sang người khác.

Với những người được chích vắc xin ngừa bệnh thì sau tiêm chủng, các tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo là suy nhược, chóng mặt và sốt. Các triệu chứng ít gặp hơn tập trung ở nơi tiêm như đau, hạn chế cử động, sưng và đỏ.

Tấn Vĩ (theo Times of Israel, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI