PNO - Người vợ ấy chỉ đơn giản muốn giải thoát bản thân khỏi sự dằn vặt nếu không chu toàn được cho chồng - vốn như chu toàn cho một người thân. Họ ly hôn.
Bốn năm cho hành trình từ những ngày mò mẫm công thức nơi góc bếp nhà trọ đến khi thành bà chủ một thương hiệu bánh ngọt - câu chuyện không dừng ở khởi nghiệp thành công mà còn là chuỗi ngày khám phá bản thân của bà chủ Lê Thị Hoàng Yến.
Thương hiệu giữa di sản
Bây giờ, Yến không còn là cô bé làm bánh mà đang bận rộn với sổ sách, điều hành 4 chi nhánh bánh ngọt Song Khiêm ở khắp Hội An, cùng 70% thị phần sử dụng của các khách sạn nơi này. Ở tuổi 20, sau khi lập gia đình, 2 đứa con chào đời không người phụ giúp, Yến chọn nghỉ việc. Gánh nặng áo cơm dồn hết lên anh Cao Văn Viễn - chồng chị - bấy giờ đang là đầu bếp chuyên làm bánh Âu cho một khách sạn lớn ở Hội An. Những ngày túng bấn, Yến tự hỏi liệu có thể vừa nội trợ, chăm con vừa học chồng làm bánh Âu để bán?
Yến tìm hiểu nhu cầu khách hàng, tự lùng nguyên liệu, điều chỉnh công thức… Do không vốn liếng, chị duy trì kinh doanh bằng khoản tiền vay mượn của nhiều người. Nhưng, chưa nói chuyện vốn để mở tiệm, thị phần cung cấp bánh tăng, song lại trả tiền theo kiểu gối đầu; Yến đối mặt với vấn đề… phá sản khi chẳng còn ai có thể vay mượn được. May mắn, cuối năm 2014, một người quen đang làm việc ở Tổ chức Xin Chào (tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ - một trong những nhà tài trợ cho Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng - nơi anh Viễn được nuôi dưỡng) ghé thăm.
Người quen ấy muốn tặng khoản vay 150 triệu đồng cho vợ chồng Yến, như món quà cuối cùng trước khi Tổ chức Xin Chào rút khỏi Việt Nam. Công ty TNHH MTV Bánh ngọt Song Khiêm ra đời. Những chiếc bánh Âu lấy công làm lời có giá chỉ 3.000-15.000 đồng phủ sóng các khách sạn Hội An, tìm đến cả người dân thu nhập thấp. Năm 2016, khi tiệm bánh đầu tiên hoạt động ổn định, Viễn nghỉ việc, về giúp vợ. Yến điều hành công ty chung. Trong 2 năm, họ mở thêm 3 chi nhánh.
Khi sự hiểu mình lên tiếng
Mỗi ngày, 1 giờ sáng, Yến thức dậy, tỉ mẩn nhào nặn rồi nướng bánh để “làm sao sản phẩm phải đến được bữa điểm tâm khi còn nóng”. Lắm hôm, phố cổ ngập lụt, chị chẳng ngại đi chân trần lội nước, giao từng chiếc bánh nóng đến khách sạn. Chị khẳng định: “Chỉ khi hiểu bản thân cần điều gì tốt nhất, dù ăn một miếng bánh, tôi mới có thể đặt mình trong vị thế khách hàng, mong muốn sự phục vụ tốt nhất”.
Cũng bởi dựa trên sự hiểu mình mà cách đây nửa năm, Yến quyết định dừng lại cuộc hôn nhân được xây dựng bằng tình thương “để được sống - theo đúng nghĩa đen” - như cách nói của chị. Cha không nhận từ khi Yến còn là bào thai, mẹ bỏ đi ngay từ lúc sinh con; chị lớn lên trong vòng tay của ngoại. Phần Viễn, gia cảnh khó khăn, mẹ mất sớm, cha gửi lại một phần thân thể trong cuộc chiến, khiến cuộc mưu sinh thêm nhọc nhằn. Mười tuổi, anh được gửi vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng. Trưởng thành, được học nghề bánh Âu, Viễn về Hội An đầu quân cho một khách sạn lớn. Tại đây, anh được một đồng nghiệp, vốn là cậu của Yến, rủ về nhà sống chung, để đỡ tiền thuê trọ.
Sau 3 năm cùng sống dưới mái nhà, Viễn ngỏ lời yêu Yến. Ấy vậy, cô gái trẻ rạch ròi: “Bây giờ mình đều hiểu tính cách của nhau, em vẫn không yêu anh. Nhưng cả hai đều thiếu thốn và khao khát tình thâm, hơi ấm gia đình, mình có thể kết hôn và chung sống dựa trên những điều này được không?”. Họ thành vợ chồng mà không trải qua một lần hò hẹn.
Tám năm trong nợ duyên chồng vợ, kết nối giữa hai người vẫn trước sau nương vào tình thương, sự chăm sóc và gắn bó trên tinh thần bù khuyết những thâm tình thiếu hụt. Nhưng trách nhiệm chung với hàng loạt mối quan hệ hai bên lại ngày càng trở nên quá nặng. Phần lớn chuyện mưu sinh của họ hàng dựa theo sự trưởng thành của thương hiệu bánh Song Khiêm. Gần một năm trước, Yến về nhà trong tình trạng kiệt sức. Cơn đột quỵ kéo đến, để sau đó, chị tỉnh dậy, hồi phục và bật khóc trước những gánh vác, lo toan.
Yến xin chồng một cuộc trò chuyện, mong sự thấu hiểu ở anh trong quyết định buông bỏ cuộc hôn nhân vẫn đang trong “tình trạng hạnh phúc”. Người vợ ấy chỉ đơn giản muốn giải thoát bản thân khỏi sự dằn vặt nếu không chu toàn được cho chồng - vốn như chu toàn cho một người thân. Họ ly hôn.
Song Khiêm vẫn lớn mạnh, không ngừng được vun bồi bởi hai con người chưa bao giờ hết thương nhau. Yến nhẹ nhàng: “Chỉ không còn chạm nhau bằng những chăm sóc riêng tư, còn lại, cả hai vẫn thương nhau như người thân trong nhà. Và, Song Khiêm ví như thành viên được sinh ra từ ngôi nhà ấy, hà cớ gì không thương”.