PNO - PN - Chia tài sản thường là “trận chiến” không khoan nhượng của nhiều cặp vợ chồng ở ngưỡng cửa ly hôn. Chính vì thế, những kiến thức pháp luật mà các luật sư cung cấp tại Chương trình tư vấn Lối thoát ly hôn số 2 (Báo Phụ...
Quang cảnh buổi tư vấn Lối thoát ly hôn số 2
KẺ CƯỜI, NGƯỜI MẾU
Là hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành lớn nên từ thời con gái, chị L.H.N. (Q.12) đã có một tài khoản kha khá. Sau ngày cưới, chị cùng chồng gom góp mua một ngôi nhà làm tổ uyên ương. Rồi chị sinh một lúc hai cậu con trai, chồng chị buộc chị nghỉ việc ở nhà chăm sóc con. Mới là “trụ cột” gia đình được nửa năm, anh N.M.P., chồng chị N., bỗng sinh tật bồ bịch lung tung, về đến nhà là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Ba năm sống trong bạo lực, chị N., quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị ôm con về nhà mẹ, đi làm lại và đơn phương xin ly hôn. Do nôn nóng thoát khỏi người chồng vũ phu, chị N. không đề nghị tòa chia tài sản. Chị nghĩ đơn giản, chỉ cần bán nhà chia đôi là xong. Không ngờ ly hôn đã ba năm, anh P. vẫn không chịu bán nhà. Chị treo bảng bán nhà thì bị chồng cũ chửi, đuổi khách, phao tin khu vực này sắp bị giải tỏa. Giờ em trai chị N. cưới vợ, nhà mẹ chị trở nên chật chội, chị muốn cùng con trở về sống ở nhà cũ cũng không xong; muốn “thối” nửa giá trị căn nhà để P. dọn đi cũng chẳng được vì anh ta đòi số tiền “trên trời”. LS Vũ Thị Hoài Vân tư vấn: “Chị N. chỉ còn cách duy nhất là gửi đơn khởi kiện chia tài sản chung ở TAND Q.12”. Chị N. nghe vậy than trời: “Phải đến ba năm nữa tôi mới để dành đủ tiền tạm ứng án phí!”.
Ở tuổi 60, tưởng đã yên phận với nhà đẹp, con ngoan, thì bà Trần Thị L. (H.Bình Chánh) lại đứng trước nguy cơ mất trắng khi vợ cũ của chồng xuất hiện, sau hơn 20 năm bỏ đi theo tiếng gọi tình yêu, việc ly hôn bị bỏ ngỏ. Cưới nhau năm 1989, bà L. cùng chồng đổ bao công sức để tu bổ đất đai, nhà cửa. Bất ngờ, đầu năm 2013, vợ cũ của chồng bà xuất hiện, đòi ly hôn và chia tài sản. Chỉ vì… quên đăng ký kết hôn, bà L. mất toi bao năm tích cóp, nay “cốc mò, cò xơi”. Quan hệ vợ chồng của bà L. không được pháp luật công nhận. Người vợ cũ vì chưa làm thủ tục ly hôn nên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nên việc chị ta trở về, đòi chia tài sản chung là hợp pháp. Theo luật sư Huỳnh Minh Vũ, bà L. không có bất cứ quyền nào về tài sản chung của vợ chồng, về thừa kế giữa bà và chồng, mà chỉ có quyền chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Nếu có tài sản riêng thì bà được hưởng (nhưng phải chứng minh được là của mình).
Luật sư Phạm Lĩnh Sơn đang tư vấn - Ảnh: P.Huy
ĐỂ LẠI CHO CON
Để lại tài sản cho con là một vấn đề được nhiều cặp vợ chồng ở ngưỡng cửa ly hôn quan tâm. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự đồng thuận thì “cách để” thế nào cho hợp pháp, tránh gây phiền phức, rắc rối về sau cũng chẳng dễ.
Chồng bỏ theo người khác nhiều năm, chị Phạm Thị B. (Q.3) sợ “lắm phần lẻ miếng” nên đề nghị chồng để lại căn nhà cho hai con trai. Chị không ra văn phòng công chứng mà viết giấy tay, có chữ ký hai bên. Ba năm sau, Nhà nước phóng đường mất một phần nhà, nhà cũng xuống cấp nên chị B. phải vay mượn để xây sửa. Nợ ngân hàng, nợ người quen chỉ mình chị trả, không có sự đóng góp của chồng. Mới đây, chồng chị có con riêng, muốn ly hôn dứt điểm để kết hôn mới, làm giấy khai sinh cho con. Oái oăm, trong đơn, chồng chị nhờ tòa chia tài sản vì vợ chồng không tự thỏa thuận được, đồng nghĩa với việc phủ nhận chuyện để lại nhà cho con. Chị B. té ngửa khi biết thỏa thuận miệng hay viết tay có giá trị pháp lý rất thấp. Cũng may, chị còn giữ những giấy tờ thanh toán nợ xây nhà để làm bằng chứng trước tòa.
Dù trực tiếp ra văn phòng công chứng nhưng do sơ ý, không đọc kỹ văn bản, anh Hồ Văn D. (Q.Tân Phú) đã bị vợ “phù phép” chiếm nhà. Mục đích của anh là công chứng ủy quyền nhà cho con nhưng cuối cùng văn bản do vợ chồng anh ký lại là ủy quyền cho… vợ. Sau đó, vợ anh làm thủ tục tặng nhà cho mẹ ruột và treo bảng rao bán. “Bút sa gà chết”, anh D. đang “lội ngược dòng” để thưa kiện, giữ nhà lại cho các con.
Bạn đọc viết đơn nhờ Báo Phụ Nữ can thiệp, giúp đỡ tại buổi tư vấn
Nhiều người không muốn kiện cáo, ăn thua tài sản với vợ/chồng mình nhưng cương quyết không để đời sau thiệt thòi. Trước nguy cơ chia tay, chị Nguyễn Thị T. (Q.Bình Tân) lo nhất là chồng sẽ giành ngôi nhà mà chị cho là được tạo dựng hoàn toàn bằng công sức của mình. Chị muốn các con được hưởng toàn bộ gia sản. Chị vốn là bộ đội, nhưng bị chồng bắt bỏ ngành vì tiền lương ít ỏi. Chị ôm con vào Nam lập nghiệp. Tiền trợ cấp chuyển ngành, chị mua một miếng đất nhỏ. Sau sáu năm, chị cần kiệm cất được nhà. Khi xảy ra mâu thuẫn, ly hôn, chồng đòi chia đôi khối tài sản đó của chị vì phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Chua xót, bức bối, đang ở cuối đường hầm, thì được luật sư Nguyễn Thị Duyên “soi sáng ”: “Đó là tài sản riêng của chị. Trước khi kết hôn, người vợ/chồng đã có quá trình cống hiến cho nghề nghiệp nhiều năm, khi lập gia đình một thời gian ngắn đã được cơ quan cấp đất, cho nhà, hưởng lương hưu hay trợ cấp thôi việc một lần. Số tiền đó không phải là tài sản chung. Để không phải chia tài sản riêng này, chị cần phải xuất trình tài liệu, chứng cứ chứng minh như quyết định chuyển ngành, giấy đăng ký kết hôn… Đồng thời, chị cũng nên xin xác nhận của chính quyền địa phương về thời gian cất nhà, thời gian chồng chị không sống cùng để chứng minh chồng không đóng góp gì vào tài sản này”.
Theo luật sư Phạm Lĩnh Sơn, có nhiều cách thức để lại tài sản như hai vợ chồng cùng cam kết thỏa thuận cho con bằng việc làm hợp đồng tặng/cho tài sản tại văn phòng (phòng) công chứng. Ký hợp đồng xong thì quyền sở hữu tài sản thuộc về người con, không thuộc quyền của cha mẹ nữa. Trong trường hợp người con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, đã có quyền định đoạt nhưng có thể tiêu hoang hoặc bị tác động, dụ dỗ, xúi giục…, nên để trút gánh lo tài sản cho con bị thất thoát, sử dụng không vì mục đích chính đáng thì có thể ghi rõ trong hợp đồng những điều kiện cụ thể, chẳng hạn: “Con chỉ được quyền định đoạt tài sản đó khi đến X tuổi”.
DIỆU HIỀN - NGHI ANH
Tránh tái “đáo tụng đình”
Nhiều người nghĩ, cứ giải quyết xong quan hệ hôn nhân rồi mọi việc tính sau, nên để nhanh việc, cán bộ tòa án thường đưa ý kiến gác lại tranh chấp tài sản sang vụ án khác. Thực tế, nên gộp chung các vụ việc làm một, vì nhiều lợi ích: Thứ nhất, không mất nhiều thời gian vì mọi vấn đề đều được giải quyết trong cùng một vụ án. Khi bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành thì sẽ chấm dứt mọi quan hệ giữa các bên. Thứ hai, nếu việc tranh chấp tài sản sau ly hôn, nuôi con, cấp dưỡng… giải quyết bằng một vụ án khác, sẽ mất thêm thời gian, công sức. Nếu có thay đổi chỗ ở mà bên kia không xác định được nơi cư trú, vụ án có thể bị tạm đình chỉ. Nếu nơi cư trú giữa các bên quá xa xôi, hoặc một bên không may chết đi, sẽ phát sinh vấn đề như thừa kế, vô cùng phức tạp. Đặc biệt là khi có các mối quan hệ mới.
Phần án phí theo quy định của Pháp lệnh về án phí, lệ phí tòa án có hiệu lực ngày 1/7/2009 (trừ trường hợp được miễn, giảm), nếu không có tiền tạm ứng án phí tranh chấp tài sản mà muốn ly hôn thì tòa sẽ tách thành hai vụ án. Vậy nên cố gắng nộp tạm ứng án phí, để được giải quyết trong cùng một vụ án.
Nếu hai bên thỏa thuận phân chia tài sản được, tòa lập biên bản công nhận. Nhiều tòa không ghi rõ trong bản án, hay ghi: về tài sản hai bên tự thỏa thuận, mà không nói rõ thỏa thuận như thế nào, theo văn bản nào v.v... Sau này, nếu có tranh chấp thì sẽ phải khởi kiện như một vụ án dân sự. Do đó, để đảm bảo, hai bên nên ra công chứng làm hợp đồng thỏa thuận phân chia tài sản và nộp bản sao cho tòa án.
Trường hợp đã có văn bản hợp đồng công chứng mà một trong các bên không thực hiện thì bên kia phải khởi kiện. Tòa sẽ căn cứ vào đó để buộc các bên thực hiện theo đúng thỏa thuận đã cam kết bằng một bản án, được cơ quan thi hành án thực thi theo đơn yêu cầu và nộp lệ phí (lệ phí này thấp hơn rất nhiều so với án phí chia tài sản) của nguyên đơn.
LS PHẠM LĨNH SƠN (Phó trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6)
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.