Chia tay sao cho "mau liền sẹo"

14/11/2015 - 07:46

PNO - Trong nhân gian, liệu có được mấy ai sống đến đầu bạc răng long với mối tình đầu?

Thế nên, chia tay, dù muốn dù không, vẫn là một phần của tình trường với đầy đủ cung bậc ngọt ngào, mê đắm, bẽ bàng, oán giận, đớn đau. Một ngày, nếu chợt nhận ra đôi ta không thể song hành, ta sẽ làm thế nào?

Vài đúc kết của thạc sĩ tâm lý Phùng Duy Hoàng Yến (giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm trung ương TP.HCM) sẽ giúp người trong cuộc vững tin hơn trong việc quyết định hướng đi cho mình.

Chia tay sao cho
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Ngụy trang có dễ thoát trận?

Nhiều người vì muốn tránh mũi dùi về phía mình, đã mượn những lý do khách quan để lấp liếm sự thật “không đủ độ yêu”. Có hàng tỷ công cụ ngụy trang như “cha mẹ ngăn cản, nếu em cãi lời sẽ bị từ mặt”, “em sắp đi du học, chúng ta không thể tiếp tục được nữa”, “vì nặng gánh gia đình, em không có quyền nghĩ cho bản thân mình”… Những cô gái “to gan” hơn thì chế ra nhiều kịch bản ly kỳ bôi xấu bản thân, hòng làm cho người yêu tự nguyện xa lánh.

Có khi, không đánh mà khai rằng “xin lỗi anh, em đã tìm được người con gái của cuộc đời mình” - ý chỉ bản thân là người đồng tính nữ... Ngay tức thời, đối phương có thể tạm tin, thậm chí cảm thông cho những nguyên do đó, nhưng thẳm sâu trong lòng người bị bỏ rơi luôn có nỗi nghi ngại đối phương có thể đã có đối tượng khác.

Sự hoài nghi, ghen tuông, cộng với quán tính quan tâm chưa dứt được khiến người ấy có thể tiếp tục níu kéo. Hoặc, ngoài mặt thì người bị bỏ rơi chấp nhận đường ai nấy đi nhưng vẫn âm thầm theo dõi.

Nếu phát hiện đối phương không du học, không “vì hiếu quên thân” như đã nói, hay chia tay chưa lâu đã cặp kè với người mới, thì người bị bỏ rơi hiểu ra ngay những lời kia chỉ là ngụy biện, lừa dối và càng tức giận, có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực.

Cảnh giác với những "Hiệp sĩ cứu hộ".

Khi người trong cuộc tỏ ra yếu đuối, không nói nổi lời chia tay, khiến cuộc tình cứ dây dưa, thường sẽ có những “tình nguyện viên” nóng ruột nhảy xổ vào làm thay. Đó có thể là mẹ, cha, anh, chị, bạn bè, người trọ cùng… Những người này thường nhận diện “người đáng bị bỏ rơi” một cách cực đoan, xấu toàn diện, bởi những gì họ biết là chỉ nghe qua lời than thở của khổ chủ trong lúc thất vọng, hụt hẫng về người yêu.

Trong nhiều vụ án tình, thủ phạm sau khi ra tay tàn độc đã thú nhận mình không chủ tâm gây ra những hành động đó, nhưng không thể kiềm chế được bản thân trước sự kích động của người yêu hoặc người thân của anh ta/ cô ta.

Người ngoài cuộc vì không yêu, không thấu cảm, sẽ có những hành động cạn tình, những lời nói xúc phạm, mạ lị kiểu: “Mày yêu thương gì con gái tao, mày là thằng nhà quê nghèo xác xơ, đeo bám con tao chỉ để đào mỏ”, “Mày về đi, em tao đã có người khác rồi. Mày đừng bao giờ bén mảng tới nữa. Em tao là bác sĩ, mày chỉ là thằng chữ nghĩa không đầy cái lá mít, không xứng với nó đâu…”, hy vọng càng đau, càng nhục thì kẻ ấy càng mau rút lui.

Một tuần, một tháng, một năm, cuộc tình có vẻ đã “mồ yên mả đẹp”, người nói có thể quên nhưng những xúc phạm đó không thể tan chảy nơi người bị ruồng rẫy, khiến họ nuôi hận và ý đồ trả thù khi có cơ hội.

Kịch bản không hiếm khác là người muốn chia tay mượn “cascadeur” giả làm người yêu mới để đánh trực tiếp vào trái tim nửa kia. Cũng có người đi đường vòng, trước khi gặp đối phương để nói lời chia tay, đã tìm gặp và chia sẻ với bạn thân của đối phương.

Trường hợp này cần cân nhắc vì là con dao hai lưỡi. Đối tượng sẽ tự ái khi bạn đem chuyện riêng của hai người đi rêu rao; chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra khi “hai nửa” gặp nhau lần cuối.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI