Được mấy người “gương vỡ lại lành” hay vẫn bổn cũ soạn lại, thậm chí sự trở lại còn… tệ hại hơn xưa?
Cho con có cha
Chồng chị Vân đi buôn đường dài, lo kinh tế chính. Chị Vân không phải kiểu ỷ lại nên cũng mở cửa hàng may tại nhà, chăm hai đứa con trai. Tuy vậy, trong suy nghĩ của anh, chị là người “ăn bám” nên luôn xem thường vợ.
Anh thường xuyên vắng nhà, đi mải miết đến lúc anh muốn đi luôn với người đàn bà khác. Anh về, gây áp lực, thậm chí đánh chị, buộc chị phải ly hôn. Ly hôn, anh để cho chị căn nhà và được quyền nuôi hai con.
Sau hơn một năm làm ăn thua lỗ, anh chẳng còn gì, người vợ mới cũng bỏ anh mà đi. Cùng đường, anh năn nỉ trở về với chị. Phải khó khăn lắm chị Vân mới nguôi ngoai được nỗi đau bị phản bội, nhưng khi anh trở về, chị lại không nỡ đuổi anh đi.
Tình hết, nhưng nghĩa còn. Chị nghĩ, đuổi thì anh biết đi đâu. Vậy là chị chấp nhận lời đề nghị tái hợp cùng anh. Trước những lời góp ý của người thân, chị bảo thôi mình chịu thiệt “để con có cha”, dù gì thì “mẹ mắng cả năm không bằng cha hăm một tiếng”.
Điều đáng nói là sau khi về lại với nhau, dù sa cơ lỡ vận, anh vẫn có tâm lý xem thường chị, kể cả khi chị đang phải gánh trả số nợ của anh - món nợ mà đáng ra chị chẳng có trách nhiệm gì với nó. Chưa hết, anh vốn tâm tính khó chịu, cộc cằn, lại thêm chuyện làm ăn thua lỗ, không có tiền bạc nên buồn chán, tự ti, rượu chè bê tha.
Chị gặp ai cũng than thở, kể lể, khóc lóc, nhưng hễ ai khuyên chị quyết tâm cắt “của nợ” thì chị lại bênh: “Ảnh vậy nhưng cũng biết sai, biết xin lỗi. Đánh kẻ chạy đi chớ ai đánh người chạy lại”. Chị không hiểu hay cố tình không hiểu, chồng chị xin lỗi để rồi tái diễn thói xấu thì việc biết lỗi chẳng có ích gì.
Bỏ thì thương, vương thì tội
Khi quyết định ly hôn, đôi bên đều hiểu cuộc hôn nhân đã tới cuối đường, gắng gượng chịu đựng hay kéo dài chỉ thêm mệt mỏi mà thôi. Nếu nguyên nhân tái hợp không phải vì một trong hai người đã khắc phục nhược điểm, quyết tâm sửa sai mà chỉ vì mủi lòng, vì còn thương hoặc vì con thì cuộc trở lại ấy thường không dẫn đến kết thúc sáng sủa.
|
Bỏ thỉ thương, vương thị tội. Ảnh minh họa |
Người ta ví ly hôn rồi mà về ở lại với nhau cũng như việc ăn lại chính thứ mình đã nôn ra. Những lời hứa hẹn với khả năng làm được trong thực tế là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có thể hứa sửa đổi, nhưng khả năng thành công rất thấp và sẽ còn khó hơn gấp nhiều lần nếu phải sửa đổi trong môi trường cũ, với bạn đời cũ.
Người ta hay lấy con cái ra để biện hộ cho sự yếu đuối của bản thân khi không thể thoát khỏi cuộc hôn nhân cũ. Nhiều người biết rõ bạn đời đối xử tệ với mình, làm mình tổn thương nên mới phải chia tay. Chia tay xong, vẫn thương nhớ hình bóng cũ; gặp ai, quen ai cũng so sánh với vợ (chồng) cũ rồi tự thấy không tìm được cảm giác vừa vặn yêu thương.
Họ quên rằng mỗi người có một cái hay khác nhau, mỗi người sẽ vừa vặn với mình theo cách khác nhau chứ không thể tìm cảm giác cũ trên người mới. Với những người này, khi có cơ hội nối lại duyên xưa, họ sẽ có đủ lý do để quay lại và ai cũng biết họ đã trao cho vợ (chồng) cũ quyền tiếp tục làm tổn thương mình.
Không phải các cặp ly hôn rồi nối lại đều là bi kịch. Cũng có những người sống yên ấm, hạnh phúc nhưng đó là khi thay đổi, khắc phục nguyên nhân gây đổ vỡ, biết cách trở về hòa hợp với nhau. Hành trình đó rất gian nan, đòi hỏi cả hai phải biết lắng nghe và sửa đổi. Đôi khi để thành công cần phải có chuyên gia tâm lý phân tích, giúp đỡ chứ không phải những quyết định cảm tính, mù mờ.
Thực tế, các cuộc ly hôn phần lớn là do người vợ đệ đơn. Có vẻ các chị, khi đã mệt mỏi, chán nản, tổn thương thì thường dứt khoát hơn các anh. Nhưng cũng chính các chị lại hay mềm lòng trước cảnh chồng cũ sa vào vũng lầy loay hoay, chán nản sau ly hôn nên “giận thì giận mà thương thì thương”. Nếu anh chồng quay về, tỏ ra hối cải, hứa sửa đổi, không ít chị sẽ chấp nhận “ru lại câu hò” một cách mù quáng.
Phụ nữ vốn rất mâu thuẫn - rất hay kể lể lỗi lầm cũ, thù ghét dai dẳng, nhưng nếu đàn ông hạ giọng xin lỗi hoặc bày “khổ nhục kế” bằng cách tỏ ra đau khổ, nhếch nhác, các chị lại mủi lòng mà bỏ qua những chuyện tệ bạc. Sự tái hợp cảm tính ấy thường là khởi nguồn cho những chuỗi ngày đau khổ mới với mức độ kinh khủng hơn trước.
Nguyệt Phạm
60% các cặp tái hợp thất bại
Một khảo sát công bố trên Psychology Today chỉ ra rằng, 60% các cặp tái hợp thất bại. Theo các chuyên gia tâm lý, cuộc hôn nhân lần hai với người cũ thường mong manh hơn lần đầu. Nếu các đôi không chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, không nhìn thấy các vấn đề gây sứt mẻ tình cảm để khắc phục rốt ráo thì khả năng thất bại là cực lớn.
Phần lớn cặp quay lại với người cũ vì nhận ra cuộc sống độc thân quá khó khăn, nhận ra mình đã sai lầm, vẫn còn yêu chồng/vợ cũ, mong muốn gia đình hàn gắn, đã tha thứ cho người cũ. Thế nhưng, họ lại thường không giải quyết được những mâu thuẫn tưởng như rất nhỏ từ lần kết hôn đầu, thúc đẩy việc tái hợp quá nhanh, chưa có sự sẵn sàng, tư vấn cần thiết.
Các chuyên gia khuyến nghị nếu muốn chung sống cùng người cũ, cả hai phải học nhiều hơn lần đầu: học cách đối thoại chân thành, hiệu quả; thừa nhận với nhau rằng, cuộc hôn nhân đầu đã chết và học cách hướng về tương lai thay vì đào bới quá khứ để phân định đúng sai; nhìn thẳng vào lý do khiến hôn nhân tan vỡ và làm rõ với nhau nguyên tắc xử sự mới, thống nhất tôn trọng nguyên tắc ấy.
Anh Thông (theo Spruce, Psychology Today)
|