PNO - PNO - Chỉ còn đêm nay nữa thôi, chỉ còn đêm nay nữa là chúng mình có lẽ vĩnh viễn xa nhau. Giờ phút này, em không còn có thể khóc được nữa. Mắt em ráo hoảnh. Trái tim em ráo hoảnh. Em đã khóc quá nhiều suốt 1 tháng vừa qua. Em có cảm...
edf40wrjww2tblPage:Content
Ngày mai anh đi. Chúng mình sẽ xa nhau, có lẽ là vĩnh viễn. Thế mà một lời từ biệt cũng không thể nói cùng nhau, một ánh mắt cũng không thể trao nhau, nói gì đến cái chạm tay hay một nụ hôn.
Em còn nhớ mãi ngày hai đứa mới gặp nhau cách nay đã hơn 8 năm. Em, cô sinh viên mới ra trường đến gặp anh, một giám đốc trẻ - một Việt Kiều về nước làm ăn. Ngày đó, câu chuyện về anh làm em ngưỡng mộ và kính trọng anh biết chừng nào. Chàng trai Việt sinh ra trên đất Mỹ, chỉ một lần về quê hương đã yêu thương mảnh đất này. Bất chấp lòng thù hận của mẹ cha với nơi chôn rau cắt rốn, anh gom góm tiền bạc, vay mượn, rủ rê bạn bè về nước đầu tư làm ăn. Anh ước ao được góp phần của mình cho quê cha đất mẹ. Anh đầy niềm tin và hy vọng vào những gì mình sẽ làm được thay phần cha mẹ. Ba năm trời cật lực, anh thua lỗ, trắng tay vì không lường trước được mọi khó khăn, không chấp nhận được những luồn lách, không thay đổi được những tệ nạn. Thế nhưng ba năm đó đủ để gắn kết chúng ta trong một tình yêu bền chặt. Ngày đó, khi đóng cửa văn phòng, bước ra đường với hai bàn tay trắng, anh xiết chặt tay em cười vui: “Anh lỗ tiền mà lãi em rồi mà”.
Cha mẹ anh bên kia đại dương không một lần gặp em nhưng cương quyết phản đối. Chẳng biết từ đâu mà họ khăng khăng rằng em mồi chài quyến rũ anh vì anh là Việt Kiều. Rằng anh không mất tiền cho làm ăn mà mất tiền vì bị em bòn rút, vì nuôi em, nuôi gia đình em. Những cuộc điện thoại, những lời mắng mỏ, những sỉ nhục nặng nề đổ lên đầu em bằng thư từ, điện thoại, email. Cha mẹ anh ở xa quá, em biết làm sao để thanh minh. Anh bảo em: hai đứa mình cứ cưới nhau, từ từ rồi ba mẹ hiểu. Em cản anh, đừng nóng vội làm điều đó, ba mẹ càng hiểu sai em hơn. Cứ để thời gian qua, sự gắn bó của chúng ta sẽ làm ba mẹ mềm lòng.
Thấm thoắt mà 8 năm trời đã trôi qua. Ba mẹ cấm cửa em, cấm cửa cả anh. Anh cương quyết không trở về Mỹ. Chúng mình đi làm nuôi nhau. Hai vợ chồng ở nhà thuê, anh đi dạy tiếng Anh, em xin vào làm công ty khác. Tiền nong có lúc thiếu, có lúc đủ, nhưng hạnh phúc của hai đứa vẫn tràn đầy. Rồi em có thai, anh mừng, em mừng. Anh thủ thỉ khi xoa bụng em: “Ba mẹ sẽ đồng ý cho chúng mình lấy nhau khi thấy cháu cho mà xem”. Trời không thương mình, em sẩy thai, 1,2 rồi đến 3 lần. Có lúc em đã nản lòng. Nhìn anh sống vất vả cùng em trong căn nhà thuê nhỏ xíu, nhìn anh lo chạy vạy tiền cùng em chăm ba mẹ già yêu, các em nhỏ, em không đành lòng. Có lúc em bảo anh: “Thôi, hay anh về Mỹ với ba mẹ đi. Em làm anh mất hết tương lai”. Anh ôm em nói: “Hạnh phúc của anh là em, tương lai của anh là em. Em đừng có ngốc thế”. Thấm thoắt mà 8 năm trời trôi qua…
Một tháng trước đây, chiều chủ nhật ba em sang chơi với hai vợ chồng. Anh ngồi lai rai với ba có 2 lon bia. Tiếng anh cười sảng khoái vang khắp xóm nhỏ. Chiều tối anh kêu mệt, anh bảo tắm cho khỏe người. Đến tối, anh tự nhiên nhũn hết người, rồi hôn mê. Cả xóm đổ xô vào đưa anh đi bệnh viện. Bác sĩ nói anh chỉ còn 10% sống. Em như người chết rồi. Chú anh tới thăm báo ba mẹ anh sẽ bay về trong vài ngày tới. Ông nhìn em khóc, nhìn em chăm sóc anh và bảo: “Ba mẹ nó khó lắm. Họ sắp về. Cô lựa lời mà xin. Ráng mà chịu nhịn mọi điều, có khi họ sẽ nhận cô làm dâu con, để cô chăm sóc nó”. Em run lẩy bẩy chân tay. Nghe lao xao bà con trong xóm khuyên em: “Có bị đánh vài ba bạt tai, hay chửi vài ba câu, cũng ráng nhịn nghe con”. Em chỉ biết khóc, để được gần anh, em xá gì đánh chửi. Miễn được gần anh mà thôi.
Ba về trước. Nhìn anh bất tỉnh, ông nhẹ nhàng bảo em: “Thôi thì… trăm sự nhờ con”. Em khóc ròng, muốn sụp xuống ôm chân ông. Được đưa sang bệnh viện tốt nhất, anh dần dần hồi tỉnh. Bác sĩ bảo anh có 50% khả năng sống. Trái tim em ấm lại. Cho đến tuần trước, mẹ anh bay về. Bà gọi em ra lạnh lùng nói: “Cô đi đi. Cô có ở đây, tôi cũng chỉ coi như người ở. Cô đừng hy vọng gì nữa hết”. Em không được đến gần anh nữa. Ba mẹ anh thuê người canh gác, xua đuổi em. Em chỉ còn biết đứng xa xa trên hành lang, hỏi thông tin anh qua mấy cô y tá. Nhưng rồi cả đến lên hành lang nơi anh nằm, em cũng bị cấm. Người ta bảo ba mẹ anh đang làm thủ tục đưa anh về Mỹ chữa tiếp. Người ta bảo anh tỉnh lại vài lần, ú ớ tìm kiếm em….
Ngày mai anh đi rồi, em nghe người ta bảo thế. Em đã khóc, đã lăn vào xin được gặp anh, dù chỉ lần cuối. Nhưng em chỉ nhận được thái độ khinh bỉ, rẻ rúng và những lời mạt sát nặng nề. Em về căn nhà trọ của chúng mình. Chỉ có ở đây, em được thấy bóng anh vào ra, nghe tiếng cười của anh, cảm thấy hơi ấm của anh. Chắc ở nơi đó, không xa, trong căn phòng bệnh trắng toát lạnh lẽo, anh cũng đang hướng về em, trông chờ em. Phải không anh? Em cảm thấy như vậy.
Ngày mai anh đi rồi. Em biết rằng lúc này anh đã biết hết, nhưng anh không nói, không phản kháng được, chỉ ú ớ và chảy nước mắt. Em cũng thế, ngồi đây, trong căn phòng của chúng ta, chảy nước mắt và câm lặng. Chìa khóa nhà trọ em đã giao cho chủ nhà. Đồ đạc còn lại cũng đã thu xếp xong. Ngày mai anh đi, trái tim em chết. Thân xác em khô kiệt. Mọi người động viên em: còn sống là còn hy vọng. Sang đó, biết đâu anh khỏe lại, sẽ có lúc quay trở về tìm kiếm em. Em nhớ tiếng cười sảng khoái của anh, nhớ ánh mắt nhìn mạnh mẽ, tự tin của anh, nhớ vòng tay dịu dàng, âu yếm của anh. Đúng rồi, còn sống là còn hy vọng. Từ ngày mai, em sẽ chỉ sống cho điều này: biết đâu… sẽ có ngày anh trở lại.
Chia tay như thế này… đâu phải là vĩnh biệt, phải không anh?
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.