PNO - Chiều 26/8, tại TP.HCM, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) tổ chức hội thảo “Sức khỏe và ATTP đối với cộng đồng” với sự hiện diện của 200 cán bộ (CB), hội viên (HV) phụ nữ (PN).
Trao đổi với chúng tôi trước hội thảo, bà Võ Thị Ngọc (ngụ tại KP.2, P.13, Q.5) lo ngại: “Bây giờ, từ thịt, cá đến rau, củ, tất thảy đều khiến chúng tôi hoang mang, nhìn đâu cũng như mê hồn trận. Không ăn không được, mà ăn thì thiệt tình không yên tâm”. Bà Ngọc kể, lâu nay, bà rất tin tưởng vào thực phẩm bán trong siêu thị nhưng cách đây không lâu, sau khi mua thịt heo ở siêu thị về, bà phát hoảng vì thịt có mùi hôi khó chịu. Riêng rau muống, với hàng loạt thông tin về tình trạng tưới nhớt thải, phun thuốc trừ sâu, gia đình bà ám ảnh đến nỗi dù thèm mấy cũng không dám mua ăn.
Bà Trần Thị Như Lan (ngụ tại KP.1, P.13, Q.8) góp chuyện: “Bữa trước, tôi mua nửa ký bạch tuộc mang về trụng nước sôi thì thịt nhũn ra và có mùi hôi; cá cũng vậy, lúc mua ở chợ thấy tươi quá chừng, nhưng chỉ lát sau là thịt mềm, hôi thối. Thú thật, tôi không biết mua thực phẩm tươi ở đâu mới đảm bảo an toàn”.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, rất nhiều chi, tổ Hội đã vận động CB, HV trồng cây tạo mảng xanh và trồng rau để có nguồn thực phẩm sạch dùng hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.6 chia sẻ: “Gia đình tôi dùng rau xanh tự trồng trên sân thượng. Đối với thịt, cá, gia đình tôi hạn chế dùng sản phẩm chế biến sẵn”. Tương tự, bà Trần Thị Liên (ngụ tại KP.4, P.5, Q.Phú Nhuận) kể: “Sau khi được Hội PN tập huấn kỹ năng trồng rau tại nhà, tôi đã mua khay, đất, hạt giống để trồng một số loại rau, củ thường dùng như cải, ớt, hành lá, húng quế, cà chua. Tôi nghĩ, dù là thực phẩm trong chợ hay siêu thị cũng không đảm bảo an toàn 100%. Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, điều cần nhất là hành động”.
Hội thảo đã thu hút nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia
Hạn chế mua thực phẩm trôi nổi
Tại hội thảo, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục VS ATTP TP.HCM đã thông tin cho CB, HV thực trạng ATTP trên thế giới và tại Việt Nam. Theo đó, ở những quốc gia đang phát triển, ước tính mỗi năm có khoảng 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra, trong đó, tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 2,2 triệu người/năm (chủ yếu là trẻ em). Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 76 triệu ca ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 325.000 người phải nhập viện và 5.000 người tử vong. Tại Úc, mỗi ngày vẫn có khoảng 11.500 ca mắc bệnh cấp tính do ăn uống, mỗi năm có 4,2 triệu ca NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tại Việt Nam, nạn vận chuyển sản phẩm động vật bẩn trái phép vào các thành phố lớn và những hạn chế trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm khiến tình hình ATTP rất phức tạp. Các cơ sở giết mổ gia súc tập trung mới đạt 15% tổng lượng thịt, kiểm soát thú y đối với giết mổ gia cầm chỉ đạt 27%. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2016, cả nước đã xảy ra gần 30 vụ NĐTP nghiêm trọng, làm trên 1.386 người bị ngộ độc, trong đó có hai trường hợp tử vong.
BS Huỳnh Mai chỉ ra một số nguyên tắc chung trong lựa chọn thực phẩm an toàn, như: nên mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được bán ở những nơi được cơ quan nhà nước kiểm soát (quầy, sạp trong chợ, cửa hàng, siêu thị); ưu tiên sản phẩm có bao gói, nhãn mác, điểm kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh thú y, có niêm yết giá theo quy định; hạn chế mua các sản phẩm chế biến sẵn như tỏi, sả xay, rau củ thái sẵn, ngâm nước hoặc thịt cá xay nhuyễn… do nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, hàn the.
Để nhận biết thịt heo có chất tạo nạc, người tiêu dùng cần chú ý bốn đặc điểm: xem lớp mỡ bên dưới da, nên tránh mua loại có lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo; thịt heo có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol (chất tạo nạc) thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng; khi cắt miếng thịt ra từng đoạn dày bằng hai - ba ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn thì nhiều khả năng thịt đã nhiễm chất tăng trọng; quan sát chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt có chất cấm.
Sau khi ghi chép tỉ mỉ suốt hội thảo, bà Nguyễn Thị Đạt (ngụ tại P.17, Q.Phú Nhuận) bộc bạch: “Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm, kịp thời phát hiện và công bố rộng rãi cho người dân biết cơ sở nào không đảm bảo ATTP. Nếu thực phẩm được cơ quan chức năng kiểm tra, đảm bảo an toàn, dù có cao giá một tí, chúng tôi vẫn mua”. Đồng quan điểm, bà Võ Thị Trọn (ngụ ở P.14, Q.8) thổ lộ: “Người có thu nhập thấp khó lòng mua được thực phẩm chấ t lượ ng nếu bị hét giá “trên trời”. Nhưng, sức khỏe vẫn là ưu tiên số một, chúng tôi sẵn sàng mua nếu thực phẩm được đảm bảo an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình - Xã hội Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện cuộc vận động PN thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. CB, HV PN cam kết thực hiện “ba không” (không sản xuất rau không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn), xây dựng các mô hình điểm trồng rau sạch và thực phẩm sạch. Thông qua hội thảo, Hội LHPN Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành khuyến cáo CB, HV, PN cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm từ những nhãn hàng uy tín, đã qua kiểm nghiệm, tránh sử dụng các mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ để bữa cơm gia đình an toàn hơn.
Cần chú trọng thực phẩm giàu canxi
Tại hội thảo “Sức khỏe và an toàn thực phẩm đối với cộng đồng”, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng có bài tham luận về vai trò của canxi đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi. Theo PGSTS Lê Bạch Mai, việc uống quá nhiều nước ngọt, nước có gas rất có hại đối với trẻ em. Công bố của Hiệp hội Nước giải khát Việt Nam năm 2015 cho thấy, trung bình một người Việt tiêu thụ 53,6 lít nước giải khát, 38 lít bia và chỉ có 14,8 lít sữa. Thói quen ăn uống không cân đối dinh dưỡng, ăn quá nhiều chất đạm so với rau xanh cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, nguồn dinh dưỡng giàu canxi cần có vị trí xứng đáng hơn trong lựa chọn thực phẩm của người Việt, bởi việc thiếu canxi gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt làm tăng nguy cơ loãng xương, gãy xương, suy dinh dưỡng…
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.