Chia sẻ kinh nghiệm nâng chất hoạt động tổ tư vấn cộng đồng

27/06/2024 - 19:50

PNO - Ngày 27/6, Hội LHPN huyện Nhà Bè đã phối hợp với Hội LHPN quận 7 tổ chức hội nghị “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nâng chất hoạt động Tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp”.

Hoạt động nhằm đẩy mạnh vai trò chủ động của các thành viên Tổ tư vấn cộng đồng (TTVCĐ) tại chi hội trong công tác tư vấn cộng đồng theo phương pháp “vãng gia (thăm hộ gia đình) - tư vấn - tham vấn - kết nối - vãng gia” ngày càng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức hội cơ sở.

Theo bà Lê Thị Hảo - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 7, thành viên tham gia các TTVCĐ tại khu phố, ấp hiện nay đa phần là các chi hội trưởng, lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, giáo viên, bác sĩ, công nhân viên chức, bí thư chi bộ, lực lượng hòa giải viên khu phố/ ấp.

Hoạt động thu hút sự tham gia của các thành viên nòng cốt của TTVCĐ của huyện Nhà Bè và quận 7
Hoạt động thu hút sự quan tâm, tham gia của các thành viên nòng cốt của TTVCĐ của huyện Nhà Bè và quận 7

Hàng năm, các thành viên TTVCĐ kịp thời trợ giúp pháp lý, tư vấn, hỗ trợ cho hơn 100 trường hợp, trong đó, tư vấn trực tiếp từ 50 đến 80 trường hợp, tư vấn qua điện thoại từ 30 đến 70 trường hợp. Các nội dung tư vấn chủ yếu là hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn hàng xóm, láng giềng; tư vấn đất đai, thừa kế; tư vấn thủ tục được vay vốn phát triển kinh tế gia đình; giới thiệu việc làm, học nghề, kỹ năng nuôi, dạy con tốt, chăm sóc sức khỏe sinh sản…

Thành viên TTVCĐ tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp cũng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Nhiều trường hợp không chờ người đến “gõ cửa”, TTVCĐ đã chủ động tìm đến nhà người cần được hỗ trợ theo phương pháp “vãng gia - tham vấn - kết nối - vãng gia”. Qua phương pháp tư vấn này, hàng năm, mỗi thành viên TTVCĐ đã tư vấn được ít nhất 1 trường hợp phụ nữ yếu thế, giúp họ am hiểu pháp luật hơn và vươn lên trong cuộc sống.

Chị Trần Thị Mỹ Nương - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè chia sẻ tại sự kiện
Chị Trần Thị Mỹ Nương - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè - chia sẻ tại sự kiện

“Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình hoạt động TTVCĐ tại chi hội vẫn còn khó khăn nhất định trong tập hợp, huy động nguồn lực trí thức, nhất là ở các khu chung cư. Từng lúc, từng nơi, hiệu quả hoạt động của mô hình chưa rõ nét do năng lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng tư vấn không đồng đều của thành viên ở một số tổ; thời gian tư vấn bố trí chưa phù hợp; công tác tuyên truyền của hội phụ nữ cơ sở chưa duy trì thường xuyên, liên tục cho nên hội viên, phụ nữ và lực lượng trí thức tại địa bàn dân cư chưa biết nhiều đến hoạt động của mô hình” - bà Lê Thị Hảo trăn trở.

Chia sẻ thêm những khó khăn các TTVCĐ tại địa phương đang gặp phải, chị Trần Thị Mỹ Nương - Phó chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè - cho biết, sau khi thực hiện sắp xếp ấp trên địa bàn, xã có 14 ấp mới dẫn đến có những ấp không có TTVCĐ nào, gây khó khăn cho người dân khi có vấn đề cần hỗ trợ. Ngoài ra, khi gặp những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, thừa kế tài sản, nhà ở… các thành viên tổ vẫn còn lúng túng vì những vấn đề này vượt ngoài kiến thức, khả năng của các dì, chị.

Trước vấn đề đó, chị Nương đề xuất tăng cường hoạt động nhóm Zalo của các TTVCĐ và đưa các thành viên là cán bộ, công chức vào để khi có vấn đề cần tư vấn, các chị có thể hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN TPHCM khẳng định, việc thu hút lực lượng trí thức tham gia TTVCĐ sẽ giúp nâng chất hoạt động mô hình này
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp Hội LHPN TPHCM - khẳng định, việc thu hút lực lượng trí thức tham gia TTVCĐ sẽ giúp nâng chất hoạt động mô hình này

Đồng tình với đề xuất trên, chị Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thuận, quận 7 - khẳng định, để hoạt động TTVCĐ đạt hiệu quả hơn, cần phải tăng cường thu hút lực lượng trí thức tham gia. Theo chị Loan, các TTVCĐ tại địa phương hiện hoạt động rất hiệu quả trong việc chăm lo đời sống, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho phụ nữ yếu thế. Tuy nhiên, việc am hiểu kiến thức pháp luật để tuyên truyền thì chưa đảm bảo.

Chị Loan kiến nghị: “Để TTVCĐ hoạt động có hiệu quả, thì lực lượng nòng cốt ít nhất phải có 1 người am hiểu pháp luật. Phường Phú Thuận có Chi hội phụ nữ chung cư Ngọc Lan hiện đã thành lập được 1 TTVCĐ và có thành viên là thạc sĩ luật. Các chị hoạt động như 1 “tổ tuyên truyền trên không gian mạng” thông qua nhóm Zalo. Khi có ca nào, vấn đề gì mà các thành viên TTVCĐ không giải thích hoặc xử lý được, các chị sẽ chia sẻ câu chuyện lên nhóm để những thành viên có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực góp ý”.

Mô hình TTVCĐ tại chi hội phụ nữ khu phố, ấp được thành lập năm 2012, thực hiện theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là mô hình hoạt động rất thiết thực và gần gũi tại cộng đồng dân cư, để tạo điều kiện cho chị em hội viên, phụ nữ có nhu cầu tư vấn về các vấn đề liên quan đến hội viên phụ nữ.

Sau hơn 10 năm hoạt động, huyện Nhà Bè hiện có 31 TTVCĐ với 272 thành viên; quận 7 có 50 TTVCĐ với 359 thành viên.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI