Chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, coi chừng gặp họa

17/06/2022 - 06:24

PNO - Người dân có thể gặp rắc rối về pháp lý nếu chia sẻ hình ảnh chứng minh nhân dân/căn cước công dân lên mạng xã hội hoặc tùy tiện để người khác chụp hình chứng minh nhân dân/căn cước công dân của mình.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, gần đây, có khá nhiều trường hợp rắc rối liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Những rắc rối này, đa phần xuất phát từ việc người dân để lọt thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân (CMND)/căn cước công dân (CCCD).

Nhóm đối tượng mua bán thông tin cá nhân trên toàn quốc bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hồi đầu tháng 6/2022
Nhóm đối tượng mua bán thông tin cá nhân trên toàn quốc bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ hồi đầu tháng 6/2022

“Một nữ công nhân ở Q.Bình Tân, TPHCM bất ngờ nhận được thông báo về khoản nợ 30 triệu đồng từ một công ty tài chính. Làm việc, chúng tôi phát hiện đối tượng đã lấy thông tin của chị để làm CMND giả, dán hình ảnh khác. Điều đáng nói là đối tượng còn tạo được một tài khoản ngân hàng cùng tên với nạn nhân để giải ngân. Nạn nhân cũng không biết mình bị lộ thông tin CMND trong trường hợp nào” - luật sư Đức dẫn chứng.

Hiện tại, nhiều sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM cũng đang lo lắng sau khi để một nhóm người lạ mặt chụp giấy tờ tùy thân, khai thác thông tin cá nhân không rõ mục đích. Theo đó, vào đầu tháng Sáu vừa qua, một nhóm người đã đến chào mời sinh viên làm sim miễn phí, yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh CMND/CCCD để làm thẻ ngân hàng.

“Em thấy nhiều bạn đăng ký nhận sim miễn phí nên em cũng làm. Bây giờ nghĩ lại, em thấy lo vì tài khoản ngân hàng đứng tên em, nếu các đối tượng dùng thẻ này vào việc phạm tội em sẽ gặp rắc rối” - Trường Sinh, sinh viên năm hai một trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, chia sẻ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, căn cước công dân có nhiều thông tin cá nhân quan trọng, người dân không nên tùy ý đăng trên mạng xã hội hoặc cho người khác chụp lại
Cơ quan chức năng khuyến cáo, căn cước công dân có nhiều thông tin cá nhân quan trọng, người dân không nên tùy ý đăng trên mạng xã hội hoặc cho người khác chụp lại

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học) cho hay, hiện nay, có rất nhiều người vô tư đăng tải hình ảnh CCCD/CMND lên mạng để khoe hoặc tùy tiện để người khác chụp lại CCCD/CMND của mình. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân vào tay kẻ xấu. Chúng có thể lợi dụng những thông tin này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc dùng vào những việc bất chính.

“Nhiều người thích đăng ảnh CCCD/CMND lên mạng, dù có che hoặc làm mờ số. Tuy nhiên, trên CCCD mới đã có mã QR, nếu không che mã này, đối tượng xấu vẫn có thể quét và lấy cắp thông tin cá nhân. Do vậy, tốt nhất là không nên chia sẻ hình ảnh CCCD/CMND lên mạng” - ông Đỗ Cảnh Thìn cảnh báo.

Cũng theo ông Thìn, đầu tháng Sáu vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá đường dây chuyên mua bán thông tin cá nhân hoạt động trên phạm vi nhiều tỉnh, thành do Lê Thế Trung (37 tuổi, trú TP. Hà Nội) cầm đầu. Các đối tượng trong đường dây này đã tìm mua những thông tin, giấy tờ tùy thân, thẻ ngân hàng… của nhiều người ở nhiều tỉnh thành, sau đó bán lại cho một số đối tượng ở nước ngoài để dùng vào việc đánh bạc. Trước đó, công an nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã triệt phá các vụ mua bán thông tin cá nhân tương tự. Đây là lời cảnh báo về những rắc rối mà người dân có thể gặp phải khi làm lộ, lọt hình ảnh giấy tờ tùy thân.

Bộ Công an, Công an TPHCM và nhiều tỉnh, thành đã ra cảnh báo việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các nhóm lừa đảo đã dụ dỗ họ đăng ký, sử dụng các dịch vụ online; xin, thuê chụp ảnh CCCD/CMND, thẻ ngân hàng của người dân với giá vài trăm ngàn đồng… Bộ Công an nhận định đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội.

Theo Bộ Công an, sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng xấu sẽ bán thông tin cho người khác để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền phi pháp; giả mạo, giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, thuế… gọi điện đe dọa, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; hứa hẹn gửi quà, tiền cho người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí vào tài khoản ngân hàng đã được chỉ định…

Luật sư Nguyễn Tri Đức cho biết, những người có hành vi xâm phạm, trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị truy cứu tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” (điều 159 Bộ luật Hình sự) và tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (điều 288 Bộ luật Hình sự). Do đó, người dân khi bị kẻ xấu đánh cắp thông tin CCCD/CMND để làm điều xấu cần sớm trình báo vụ việc đến cơ quan công an để được bảo vệ. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI