Chia sẻ cùng học sinh niềm tự hào về chiếc áo dài

16/03/2018 - 15:06

PNO - Ngày 12/3, Hội LHPN và Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu “Tôi yêu áo dài Việt Nam” tại 5 trường trung học phổ thông (THPT) của TP.HCM.

Chia se cung hoc sinh niem tu hao ve chiec ao dai
Đại sứ áo dài, NSƯT Kim Xuân giao lưu cùng học sinh Trường THPT Thanh Đa

Nam sinh cũng sẽ mặc áo dài?

7g sáng thứ Hai, sân Trường PTTH Thanh Đa (Q. Bình Thạnh) rộn ràng lời ca, tiếng nhạc “tung bay tà áo tung bay” (ca khúc Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Thanh Tùng - Từ Huy). Không khí càng rộn rã hơn khi đội người mẫu câu lạc bộ Thời trang thanh niên của Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM thướt tha trong bộ sưu tập “Tôi yêu áo dài” sải bước trên thảm đỏ ngay giữa sân trường. 

Cả sân trường im phăng phắc, lắng nghe NSƯT Kim Xuân kể về thời mặc áo dài khi còn học lớp đệ thất (nay là lớp Sáu) ở Trường nữ Lê Văn Duyệt. 11 tuổi, ba vòng bằng nhau, mặc áo dài như “cái lu lăn”. Vậy mà từ “thuở ban đầu” ấy, sự đam mê, tình yêu dành cho áo dài đã len lỏi trong cô. Người thiếu nữ ấy khi khoác lên người tà áo dài tha thướt là biết mình đang trở nên đằm thắm hơn, dịu dàng hơn. “Và khi trưởng thành, là một nghệ sĩ, tôi nhất mực trung thành với việc chọn áo dài làm lễ phục trong mọi sự kiện, lễ hội. Sự lựa chọn này theo tôi suốt 40 năm. Vì tôi thương áo dài lắm, bộ trang phục đã đi theo ông bà chúng ta một thời gian rất dài, rất lâu” - NSƯT Kim Xuân tâm tình.

Đứng trong sân Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhìn các nữ sinh trong tà áo dài trắng, đại sứ áo dài, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh hồi tưởng thời đi học hiếu động, nên thấy mặc áo dài bất tiện, đâm ra không thích, nhưng giờ thì lúc nào cũng nhớ đau đáu thời mặc áo dài trắng đến trường.

Đồng cảm cùng Đỗ Mỹ Linh, đại sứ áo dài, MC Quỳnh Hoa “bật mí”, mình là lứa học sinh đầu tiên của TP.HCM sau 1975 được mặc áo dài thí điểm đến trường vào mỗi ngày thứ Hai. Lúc ấy, bao giờ cô cũng chỉ mong đến ngày đầu tuần và mỗi khi tan học, cô xúc động thấy trước cổng trường có rất nhiều người dừng xe, đứng ngắm tà áo dài nữ sinh tha thướt. Đại sứ áo dài Nguyễn Thị Thạch Thảo (giải nhất Duyên dáng áo dài Việt Nam năm 2017) chia sẻ, vì quá yêu tà áo dài nên suốt ba năm học trung học, cô chỉ nhất quyết chọn mặc áo dài đến trường. 

Chia se cung hoc sinh niem tu hao ve chiec ao dai
Đại sứ áo dài Nguyễn Thị Thạch Thảo (giải nhất Duyên dáng áo dài TP.HCM 2017)


“Em thấy các bạn nữ trường em mặc áo dài rất đẹp” - lời phát biểu của nam sinh Thanh Sang (Trường THPT Thanh Đa) đã khiến cả sân trường như muốn vỡ tung vì những tràng vỗ tay không dứt. Không khí “nóng” hẳn lên khi đại sứ áo dài Kim Xuân mời các nữ sinh bước ra trong bộ áo dài để minh họa cho lời nhận xét của Thanh Sang.

Bạn Nhật Tuân (lớp 11 Trường THPT Thanh Đa) lại khiến cả sân trường râm ran bởi câu hỏi: “Vì sao nam sinh không được mặc áo dài truyền thống đến trường ạ?”. Đồng tình với ước muốn dễ thương này, NSƯT Kim Xuân đã kể về những bộ áo dài dành cho nam giới được thiết kế bắt mắt, tiện dụng đã xuống phố, đến công ty, dự lễ hội. 

“Mong nhà trường hãy là nơi tiên phong để các nam sinh có thể mặc quốc phục đến trường” - NSƯT Kim Xuân tha thiết. Thầy Cao Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa - khẳng định trong tiếng vỗ tay rào rào của toàn trường: “Trong tương lai, chắc chắn áo dài tại trường Thanh Đa sẽ không chỉ dành cho nữ sinh”.

Thấy áo dài, biết là người Việt Nam

Tại Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, đại sứ áo dài, NSƯT Thành Lộc xúc động tâm tình: “Các bạn có thể tưởng tượng, có một người Việt Nam sống tha phương, đi trên đường phố mà xung quanh toàn những bộ Âu phục, chợt thấy một người đi ngang với bộ áo dài. Người Việt đó bỗng nhiên muốn khóc, ào tới người mặc áo dài như gặp lại người thân của mình: “Chị ơi, chị có phải người Việt Nam không?”. Người Việt đó chính là tôi. Các bạn thấy không, một hình ảnh thoáng qua thôi nhưng là cầu nối để mình xích lại gần nhau. Đó chính là văn hóa trong ăn mặc”.

NSƯT Thành Lộc chia sẻ, chiếc áo dài đã xuất hiện từ rất lâu nhưng đôi khi người Việt chưa hiểu một cách thấu đáo, cứ nghĩ áo dài là một cái gì đó rất xa xỉ, người phải đẹp mới mặc được, hoặc chỉ có phụ nữ mặc mới phù hợp. Thật ra, từ xa xưa, đàn bà hay đàn ông đều mặc áo dài, không chỉ ở những nơi có lễ nghi, mà người ta còn mặc áo dài đi làm. So với những bộ quốc phục, lễ phục của các nước châu Á khác, áo dài là một cuộc cách mạng rất lớn về thời trang.

Các bạn học sinh đã vô cùng hào hứng khi nghe NSƯT Kim Xuân kể, trong những đợt du lịch hay lưu diễn ở nước ngoài, mỗi khi thấy NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thành Lộc, MC Quỳnh Hoa khoác lên mình bộ áo dài, các du khách liền xin phép được chụp hình chung. Họ thường hỏi “các bạn là người Việt Nam à?”. Một trang phục đã khiến nhiều người nhận ra một đất nước, chẳng phải là điều vô cùng tự hào, đáng quý và đáng gìn giữ, lưu truyền đó sao? 

 Tâm Uyên

Chương trình giao lưu “Tôi yêu áo dài Việt Nam” là một trong nhiều hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ V - năm 2018, nhằm giới thiệu, tôn vinh vẻ đẹp Việt trong tà áo dài, đồng thời truyền cảm hứng và tình yêu văn hóa Việt đến đông đảo các bạn trẻ.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI