Chia sẻ của mẹ Việt ở Nhật "cứu" tình trạng mẹ đau đầu vì bé biếng ăn

31/08/2016 - 11:01

PNO - Sau khoảng thời gian con biếng ăn, chị Thu đã thay đổi thói quen ứng xử và tích cực nấu ăn cùng con.

Khoảng 2 tháng trước Bon bắt đầu rơi vào tình trạng biếng ăn và điều mình lo lắng không phải là việc con ăn nhiều hay ít, mà chính là con tỏ ra không hào hứng với bữa ăn như trước kia, không hứng thú với bất kì món gì kể cả món con thích (ngoại trừ hoa quả), đến bữa ăn chỉ ăn qua loa, uể oải. Và con đòi bố mẹ xúc cho ăn chứ không tự xúc như trước.

1. Lí do vì sao con có sự thay đổi như thế

Mình nhận ra vì mấy tháng nay bữa tối ăn cùng ba mẹ anh ấy hay được bố ngồi cạnh xúc cho ăn mỗi khi anh ấy không còn hào hứng và tập trung ăn nữa. Vì thế dẫn đến tình trạng anh ấy nũng nịu bố và đòi bố xúc cho mình.

Sau đó mình hỏi cô giáo ở trường về tình hình ăn uống của con. Cô giáo “thành thật khai báo” là dạo gần đây Bon không chịu ăn mấy, ăn chậm nên khi gần hết giờ ăn cô giáo hay xúc cho anh ấy ăn.

2. Quyết định thay đổi thói quen trong ứng xử

- Gia đình: Bố mẹ tuyệt đối không được xúc cho con nữa. Hôm nào Bon nhung nhăng không chịu ăn thì để nhịn đói đi ngủ. 

Bạn Bon đòi uống bất cứ cái gì cũng không cho ngoại trừ nước (vì mình có quy định trước với con là nếu không ăn cơm thì con không được ăn bất cứ gì khác ngoài uống nước rồi và con cũng đồng ý với quy định này, nên đây không phải là ngược đãi đâu nha).

Nếu như trước kia mình hay làm bữa sáng chỉn chu cho Bon còn mình hay ăn qua loa và hay chạy đi chạy lại làm việc nhà thì mấy tháng nay mình đổi lại. Mình nấu để hai mẹ con ăn món giống hệt nhau và cùng nhau ăn bữa sáng chứ không làm việc riêng trong giờ ăn sáng, đặc biệt là không sử dụng điện thoại.

Chia se cua me Viet o Nhat
Bon rất hứng thú với việc giúp đỡ mẹ những việc nhà đơn giản.

- Nhà trường: Mình nói với nhà trường rằng mình coi trọng việc cháu chủ động trong ăn uống hơn là cháu có ăn hết phần cơm của mình hay không nên nếu cháu không ăn hết cũng không sao. Khi nào cháu không ăn nữa các cô hãy khích lệ cháu, dạy cháu cách tuân thủ giờ ăn và sinh hoạt tập thể.

Mình cũng đề nghị các cô nếu sắp hết giờ mà cháu không ăn nữa thì không cần đút cho cháu, để cháu hiểu là giờ ăn chỉ có chừng ấy thời gian, đói thì bữa sau cháu sẽ hiểu.

Sau đó vài ngày các cô báo cáo đã có tiến triển tốt, con tự xúc ăn đến hết giờ dù chỉ ăn được 2/3.

3. Tích cực cho con nấu ăn cùng

Từ nhỏ Bon đã thường xuyên đứng bếp cùng mẹ, nhưng chủ yếu chỉ nghịch là chính. Khi Bon bước vào giai đoạn lười ăn, mình bắt đầu nhờ Bon những việc chuẩn bị nấu nướng đơn giản như cắt rau, cắt đậu,...

Con có vẻ rất hào hứng với nhiệm vụ mới. Mình dạy Bon cách cầm dao, cách cắt như thế nào bằng cách làm mẫu cho con, dạy con chú ý không cắt vào tay, sau đó để con tự phán đoán và cắt theo kích thước nào tùy ý con.

Mình chấp nhận rủi ro con có thể bị xước tay, đứt tay khi cho con nấu nướng cùng. Thực tế là Bon cũng đã có 1-2 lần bị dao cứa xước tay, nhưng con sẽ tự học được cách sao cho không đứt tay. Còn bếp dầu nóng, nồi nước sôi thì tuyệt đối chưa được.

Tiếp đến con học cách nặn thịt, nêm gia vị, cho vào nồi mà mình đặt bên cạnh chứ không phải cho trực tiếp vào bếp đâu vì nguy hiểm. Mỗi lần Bon làm mình nói tên cho con đây là cái gì, con đang làm gì, và không ngừng khen ngợi cu cậu cố gắng, có tiến bộ, rất khéo tay,…

Chia se cua me Viet o Nhat
Biện pháp của mẹ đã giúp Bon hứng thú với bữa ăn trở lại.

Đến bữa ăn mình sẽ khoe: “Món cà xào hôm nay là do Trung kun thái đó papa” khiến cu cậu thích chí miêu tả lại cho papa xem “Trung kun cắt cắt cắt như này này”. Chồng mình cũng rất tích cực khen và khích lệ con.

Từ đấy con bắt đầu thay đổi dần dần, hào hứng với bữa ăn hơn hẳn trước kia. Bởi vì đó là món ăn do chính tay mình làm, ăn nó chính là tận hưởng thành quả lao động của mình, nên con ăn uống rất tích cực.

4. Mỗi lứa tuổi cần có một mẹo riêng

Nếu như tầm 0 và 1 tuổi, việc khen ôi đồ ăn ngon quá, măm măm, con mẹ xúc giỏi quá, miếng cà rốt nó bảo Bon ơi ăn tớ đi, tớ rất muốn được cậu ăn,…sẽ phát huy hiệu quả để nuôi dưỡng hứng thú với bữa ăn cho con và con tự xúc ăn.

Thì đến khoảng 2 tuổi con đã có nhận thức của con đã cao hơn, tay con khéo léo hơn, con thể hiện tính tự lập tự chủ, mong muốn khẳng định cái tôi mạnh mẽ hơn nên cha mẹ cần có cách khác để giúp con tôn trọng và hứng thú với bữa ăn.

Giai đoạn từ 2 tuổi trở đi, nên để con tham gia vào đi mua đồ và chuẩn bị nấu nướng với cha mẹ. Việc này không chỉ là rèn luyện cho con các thao tác về tay, về phát triển giác quan, kỹ năng phán đoán tình huống, mà còn nuôi dưỡng tính tự chủ.

Chia se cua me Viet o Nhat
Đến khoảng 2 tuổi, con sẽ thể hiện tính tự lập tự chủ, mong muốn khẳng định cái tôi mạnh mẽ hơn.

5. Gia đình có osin hay ông bà thì sao?

Nhiều mẹ than phiền có ông bà hay osin thì khó dạy con việc nhà, đặc biệt là cho con nấu nướng. Mình nghĩ việc có thể dạy con hay không tùy thuộc vào bạn chứ không phải vào hoàn cảnh. Nếu bạn quá bận rộn với công việc, hãy cố sắp xếp cuối tuần để cùng vào bếp hoặc làm việc nhà với con.

Nếu bạn có thể kiên nhẫn nhìn con mắm môi mắm lợi thái từng khúc dưa không theo ý mình cả 10 phút, hay bữa nào cũng phải lau sàn ướt nhoẹt nước do con đổ ra lúc rửa bát thì mình nghĩ hãy cứ để con tham gia.

Có rất nhiều cách khác nhau giúp con hào hứng với bữa ăn mà không cần đến tivi, điện thoại hay đồ chơi. Nếu chỉ dùng điện thoại, tivi, đồ chơi để dụ cho con ăn thì đó mới chỉ là nuôi con thôi. Nhưng có thể kiên nhẫn với sự vụng về của con, để con được từng bước tự mình làm, từng bước tự lập, tham gia vào việc nhà thì mới là dạy con. Dạy vốn khó hơn nuôi gấp vạn lần.

Vài nét về tác giả: Chị Nguyễn Thị Thu là nghiên cứu sinh tiến sĩ Môi trường Thủy văn, Đại học Tsukuba. Chị và chồng sống ở Nhật đã 10 năm và có một bé trai gần 2 tuổi.

Chị là mẹ Việt có nhiều quan điểm nuôi dạy con thú vị được nhiều bà mẹ chia sẻ. Chị đồng thời là dịch giả của cuốn sách: “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn” và là người đầu tiên giới thiệu văn hóa đọc ehon (truyện có tranh minh họa cho trẻ 0-10 tuổi) cho con của cha mẹ Nhật đến đông đảo cha mẹ Việt Nam.

Nguyễn Thị Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI