Chia nhà cho con

12/06/2018 - 08:30

PNO - Những buổi tối thắp nhang cho ông, bà nhìn hình ảnh chồng, thầm thì hỏi trong nước mắt: chẳng lẽ rồi tôi với ông và cả ông bà vất vưởng ngoài đường, chẳng được sống trong ngôi nhà cả đời mình làm ra nữa sao ông?

Căn nhà nhỏ xíu, nằm trong con hẻm khá lớn nhưng bình an và sạch sẽ, ở ngay trung tâm quận. Nhà cuối hẻm, nên ông Tư còn làm được cả mảnh vườn be bé ghép từ những chậu kiểng xinh xinh. Cây nguyệt quế, cây mai chiếu thủy, vài chậu hoa, toàn màu trắng và có hương thơm, khiến căn nhà luôn thơm phức vào những sớm mai, đêm muộn. Ông bà có bốn con trai, đứa lớn hơn đứa bé 2, 3 tuổi. Chiều chiều, tụi trẻ đi học về ríu rít nô đùa bên những chậu kiểng của cha tạo nên khung cảnh thanh bình, ấm cúng.

Chia nha cho con
 

Thế nhưng, chẳng may ông Tư bị trúng gió độc và qua đời khi đứa con nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi. Thế là mảnh vườn ríu rít hạnh phúc ấy đã mất đi khi bà Tư vì sinh kế phải dẹp những chậu kiểng mà mở quán bánh cuốn, món ăn ngon nhất ông Tư đã từng vì thế mà si mê cô hàng bánh cuốn thời trai trẻ. 

Cần mẫn, lại hiền hậu, nhẹ nhàng nên quán bà Tư được nhiều người thích. Thêm vào đó, biết gia cảnh bà Tư, một nách nuôi bốn đứa con, trong đó có đứa bị tật ở chân từ nhỏ do sốt bại liệt, nên khách hàng chung thủy ủng hộ bà. Lần hồi năm tháng mà rồi bốn đứa cũng lớn lên, trưởng thành rồi được bà Tư dựng vợ hết. 

Nhà nhỏ, các con trai đều thương mẹ, thương thằng út lớn lên thiếu cha, nên ba anh em ráng sức lập nghiệp, ra riêng, để căn nhà lại cho mẹ ở với vợ chồng thằng út. Thuê mướn, tích cóp nhiều năm ròng, anh hai và anh tư đều đã mua được nhà riêng. Chỉ có người em thứ ba tật nguyền, chậm chạp, hiền lành vẫn mãi ở nhà thuê cùng vợ và hai đứa con nhỏ. 

Mấy năm rồi, bà Tư thăm dò ý thằng hai, thằng tư, chúng là những đứa ngoan ngoãn, thương mẹ, thương em, đều nói mẹ tính sao cũng được, miễn là mẹ yên lòng. Cho nên, bà đã nhẩm nhẩm rằng, cái nhà này, bà sẽ chia làm ba phần, cho thằng ba một phần, hai phần còn lại là của thằng út. Vừa là vì nó út, gánh chịu thiệt thòi của con mồ côi cha, vừa là vợ chồng nó có công chăm sóc tuổi già của bà. Nói ra ý định của mình, bà thấy các con đều bằng lòng, thằng ba thì bảo con sao cũng được, chỉ có thằng út là lặng im… Nhưng bà cũng không để ý, bà nghĩ rằng, lo toan cho các con như thế, đứa tự lập được, đứa được chia phần, vậy là bà đã yên lòng về với ông.

Chia nha cho con
 

Đầu năm vừa rồi, bà bệnh một trận khá nặng. Quán bánh cuốn cũng phải đóng cửa. Thằng út một hôm nói với bà: mẹ đã già yếu rồi, như ngọn đèn trước gió, bệnh tật không biết ra sao. Thôi thì mẹ làm di chúc cho con cái nhà, để sau này mọi chuyện phân minh rạch ròi với các anh. Phần nhà mẹ tính cho anh ba, sau này mẹ mất, con sẽ lo cho anh ba đầy đủ, mẹ không phải băn khoăn gì. Nó còn nhấn mạnh thêm yêu cầu là trong di chúc, bà không được ghi nhà này cho nó để làm nhà từ đường.

Nghe thằng út bàn vậy, bà ngỡ ngàng, không biết trả lời con ra sao. Bà bảo để cho phân minh rõ ràng thì bà cứ ghi vào di chúc như vậy, rằng nhà bà cho cả hai đứa con. Nghe bà nói vậy, thằng út nổi giận đùng đùng. Nó tuyên bố nếu bà không làm di chúc theo ý nó, nó và vợ con sẽ dọn ra khỏi nhà, đi ở nơi khác và không chăm sóc bà nữa, ai muốn gánh lấy trách nhiệm đó thì gánh.

Nghe đòi hỏi của nó, thằng hai, thằng tư đều phản đối. Chúng bảo nhất định bà phải ghi vào di chúc nhà này là nhà từ đường, phải là nơi thờ cúng cha mẹ, ông bà sau này. Rằng chú út đòi hỏi như thế là có ý gì? Bây giờ đã không chịu để tên anh ba vào thì sau này đã chắc gì sẽ làm theo lời hứa. Còn căn nhà, chú út không chịu ghi là nhà từ đường, có phải chủ tâm muốn bán nhà? Rồi sau này thờ cúng cha mẹ, ông bà ở đâu? Chỉ có thằng ba vốn hiền lành, thương bà và nghe lời bà từ nhỏ thì bảo: thôi, mẹ muốn làm thế nào cũng được. Nghe nó nói, bà xót cả ruột. Bà thương nó gánh cái hạn cho cả gia đình, rồi lại luôn nhường nhịn mọi người. Cái gì bà bảo vuông thì dù có tròn, nó cũng tin là vuông. 

Nhiều đêm lắm rồi, bà Tư ngủ không được nữa. Vẻ mặt lầm lì tức giận của thằng út khiến bà đau đớn hơn bao giờ hết. Bà nhớ những yêu thương cả nhà dồn cho nó suốt bao nhiêu năm, từ khi ông Tư mất. Những miếng ngon nhất, những món đồ chơi xinh xắn, những bộ quần áo đi học lành lặn. Cả chuyện thằng ba thủ thỉ với bà: con tật nguyền, có học nữa, cũng chưa chắc xin được việc làm tử tế. Thôi để tiền đó cho út học đi mẹ. Thế mà bây giờ, nó tuyên bố vì chưa ngã ngũ chuyện di chúc nên nó cấm cửa, không cho ba thằng anh vào thắp nhang bố ngày rằm.

Đứng trên lầu, nhìn xuống các con lủi thủi quay xe đi khi bấm chuông hoài mà cửa nhà không mở, bà rớt nước mắt. Bà không biết phải quyết định thế nào. Làm ngược ý thằng út, bà không đành, bà sợ sống xa nó, bà sợ nó không nhìn mặt bà nữa. Mười mấy năm ròng sống với vợ chồng nó đã quen rồi, giờ thay đổi tất cả vào tuổi già, bà sợ bà không sống được.

Không cho thằng ba chút tiền nào khi ra đi khỏi thế giới này, bà cũng không đành. Bà thương nó quá. Nhưng điều bà đau lòng hơn nữa là những buổi tối thắp nhang cho ông bà, nhìn hình ảnh chồng, bà thầm thì hỏi trong nước mắt: chẳng lẽ rồi tôi với ông và cả ông bà vất vưởng ngoài đường, chẳng được sống trong ngôi nhà cả đời mình làm ra nữa sao ông? Bà sợ mang nỗi đau này sang thế giới bên kia quá. 

(chuyện ghi từ phòng tư vấn Hạnh Dung)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI