Chia nhà

23/03/2016 - 07:37

PNO - Chồng tôi đã thống nhất để lại ngôi nhà cho tôi và con. Nhưng từ ngày xong thủ tục đến nay, ông ấy vẫn không chịu dọn khỏi nhà...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vợ chồng tôi ly hôn được gần một năm. Chuyện cũng nhanh gọn vì trước khi ra tòa, chồng tôi đã thống nhất để lại ngôi nhà cho tôi và hai đứa con gái 12 và 16 tuổi. Tuy nhiên, từ ngày xong thủ tục đến nay, chồng tôi vẫn không chịu dọn khỏi nhà, vẫn đi về như thể đó còn là nhà của ông ấy. Có lần tôi cố tình thay khóa cửa, thì ông ấy đứng đợi con đi học về, hoặc kêu réo chửi bới đến khi con gái ra mở cửa mới thôi. Vì thế, ngày nào nhà tôi cũng ồn ào, hàng xóm láng giềng dòm ngó, bình phẩm.

Tôi bàn với con gái bán căn nhà lớn này mua lại căn nhà nhỏ khác, còn tiền dư gửi ngân hàng sau này chi dùng cho hai chị em, đồng thời để ông ấy khỏi tới lui gì nữa. Nghe tôi bàn, hai đứa nhỏ có vẻ buồn. Khi tôi kêu người đến coi nhà, chồng tôi gây sự đuổi khách, lớn tiếng chửi mắng tôi bán nhà theo trai. Ông ấy nói nếu tôi bán nhà thì ông ấy không đồng ý để nhà cho mẹ con tôi mà phải lấy phần của ông ấy. Giờ tôi không biết giải quyết vấn đề thế nào, tưởng ly hôn là để tự do, ai ngờ còn nặng nề hơn trước. Xin chị cho tôi lời khuyên.

Nhị Bình (TP.HCM)

Chia nha
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Chị Nhị Bình thân mến,

Tài sản trong các cuộc ly hôn luôn là chuyện khó xử lý nhất, rắc rối và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, chị nên bình tĩnh giải quyết, nếu cần có thể nhờ luật sư tư vấn. Dù gì thì cũng phải có thời gian để dàn xếp mọi chuyện cho rốt ráo. Vì vậy, điều mình cần chuẩn bị là tinh thần để sống yên ổn, lo chuyện sinh hoạt hà ng ngày, không để ảnh hưởng đến việc học của các con và tự do của chị.

Xét cho cùng, trong ngôi nhà đó có phần công sức của chồng chị, đó là tài sản chung. Khi ly hôn, chồng chị quyết định để lại nhà cho ba mẹ con, có giấy cam kết không? Có ràng buộc việc mua bán không? Chị cần xem lại. Nếu không có giấy tờ ràng buộc, giờ anh ta thay đổi, mình cũng khó làm gì được. Trong trường hợp xấu nhất, chị cứ làm đơn xin tòa án giải quyết, nếu cần cũng phải chia cho anh ta đúng phần anh ta được hưởng.

“Nhà chia dọc, thóc chia ngang”, có khi phải ngăn nhà, làm lối đi riêng, để ai sinh hoạt ở phần người ấy, khỏi đụng chạm gì nhau. Trong trường hợp này, cũng phải “gồng mình” chịu đựng, nhất là khi một trong hai người có thêm quan hệ mới. Vì vậy, nhiều người đã xác định ngay từ đầu là không chấp nhận chia nhà theo kiểu này. Nếu chia không được thì bán nhà để chia tiền - nhiều người đã làm vậy. Chuyện tuy khó nhưng không phải không làm được, mình cũng phải chịu thiệt một chút, chứ không thể giành hết phần thắng. Đổi lại, mình được tự do, đàng hoàng ngẩng mặt mà sống, không chịu ơn ai hay bị ai quấy rối nữa.

Khi phải xa ngôi nhà, lại là xa để ba chúng không còn đường về nhà nữa, hai con chị buồn là phải thôi. Chị có thể từng bước trò chuyện để các con hiểu. Đứa trẻ nào cũng bị tổn thương khi cha mẹ chia tay, chị nên đặt vấn đề chuyển nhà là vì chuyện học hành của con, vì không muốn các con cứ phải chịu đựng mãi sự cãi cọ, nhập nhằng, quấy nhiễu khi cha mẹ đã không còn tình cảm với nhau. Lúc nào muốn, các cháu vẫn có thể gặp gỡ, thăm ba. Còn chị, khi chị đã quyết định thay đổi cuộc đời, các cháu cũng cần hiểu và chia sẻ với quyết định đó của mẹ. Chúc chị thu xếp mọi việc yên ổn.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI