Xu hướng tích hợp, phát triển chuỗi
Bán lẻ hiện nay không dừng lại ở bán hàng trực tiếp hay bán hàng trực tuyến riêng biệt mà xu hướng bán lẻ đang kết hợp cả hai loại hình trên để tăng trãi nghiệm cho khách hàng.
Bà Rebecca Pearson – Phó Giám đốc CBRE Châu Á cho biết, các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazone cũng dần mở chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tiếp. Alibaba, Habitat cũng mở cửa hàng thực thể chứ không chỉ dừng lại ở bán hàng trực tuyến. Họ muốn người tiêu dùng (NTD) có thể tiếp cận, sờ chạm, chọn lựa hàng hóa, sau đó mua hàng bằng ứng dụng và kết hợp công nghệ điện tử để vận chuyển đơn hàng nhanh chóng cho khách.
Với ngôi nhà đổi mới sáng tạo của Nike vừa mở ở Thượng Hải, khách hàng có thể tương tác trực tiếp tìm hiểu rõ hơn vể sản phẩm (SP), thậm chí có thể tự thiết kế SP theo ý thích. Hay các thương hiệu Tony Burch, Tiffany, Prada, Louis Vuitton… đều mở cửa hàng giới thiệu các SP mới, có robot giới thiệu SP thu hút NTD.
Có thể thấy, khách hàng hiện nay không chỉ đơn thuần bấm chuột và mua hàng. Vì vậy, bà Rebecca Pearson khuyến nghị các nhà bán lẻ muốn có khách hàng phải nắm bắt xu hướng và áp dụng công nghệ để tối ưu hóa diện tích cửa hàng thực thể; kết hợp SP thực thể và SP số hóa, mang lại trải nghiệm mua sắm trực tiếp và trực tuyến mới, khác biệt về bán lẻ cho khách hàng. Công nghệ điện tử ngày càng phát triển tại Việt Nam (VN), doanh nghiệp muốn phát triển phải tận dụng tối ưu công nghệ.
|
Các mô hình kinh doanh theo chuỗi ngày càng phát triển. |
Bà Dymfke kuijipers – đối tác cấp cao phụ trách mảng bán lẻ toàn cầu của McKinsey:
Ranh giới giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ điện tử ngày càng mờ đi và xu hướng sẽ không tách bạch hai kênh bán hàng này mà sẽ tích hợp nhau.
McDonald ứng dụng công nghệ check in – check out; khách đặt hàng trước, thanh toán bằng thẻ hoặc tiền mặt, sau đó khách nhận hàng… để tránh những sơ sót của người bán, cũng như tránh phiền hà khách phải xếp hàng chờ lâu… Uniqlo ứng dụng công nghệ để khảo sát, nắm bắt tâm lý, nhu cầu NTD; từ đó tung ra SP mới đáp ứng đúng nhu cầu, sở thích NTD. Đây là cách làm hiệu quả để phục vụ khách hàng tốt hơn.
|
Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh theo chuỗi ngày càng tăng tưởng và phủ rộng. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN, loại hình kinh doanh theo chuỗi tại VN có mức tăng trưởng từ 20 – 30%/năm. Phổ biến là các chuỗi bán lẻ điện máy, di động, thời trang, SP mẹ và bé, ẩm thực... Đây cũng là hướng đi của các nhà bán lẻ nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu, khả năng cạnh tranh, lợi nhuận và giảm rủi ro trong kinh doanh…
Nắm bắt nhu cầu và tăng trải nghiệm cho khách hàng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá, Bộ Tài Chính, cho rằng: kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, nhà bán lẻ muốn thắng phải nhìn về phía trước, căn cứ vào nhu cầu, cung cấp cái NTD cần chứ không phải bán cái mình có.
Cụ thể, doanh nghiệp (DN) phải nắm tháp nhu cầu (Maslow) hiểu rõ nhu cầu sinh học, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội… của NTD. NTD cần những SP chất lượng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; DN bán lẻ cần quan tâm chăm sóc, phục vụ tốt NTD tạo thiện cảm; đồng thời tạo nhu cầu mới, tung SP mới và căn cứ văn hóa tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu của NTD.
Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0, nhà bán lẻ cần phải dùng công nghệ kết nối NTD mua sắm. Các nhà làm chính sách cũng cần tạo chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh hiện đại phát triển dựa trên nền tảng công nghệ.
Bà Loan cũng nhìn nhận bán lẻ VN muốn phát triển không thể thiếu công nghệ số. Tuy nhiên, thực tế sẽ vẫn tồn tại song song hai loại hình bán lẻ áp dụng công nghệ và bán lẻ truyền thống.
Một yếu tố cần lưu ý là nhà bán lẻ nên chú ý thiết kế, thay đổi không gian trải nghiệm độc đáo; tăng cường khu nhà vệ sinh, lễ tân hỗ trợ khách hàng; mở rộng thêm không gian công cộng… và tăng cường các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí để thu hút khách hàng.
|
Một số nhà bán lẻ Việt đã tạo thêm các không gian trải nghiệm, thư giãn cho khách. |
Ông Geoffrey Morrisison – Sáng lập và giám đốc điều hành Concept I, khẳng định: “Bán lẻ phải ứng dụng công nghệ tạo không gian tương tác với khách hàng. Nhiều thương hiệu ưu tiên thiết kế không gian trong cửa hàng, thậm chí số người thiết kế không gian cửa hàng gấp 10 lần số người thiết kế SP”.
Như, Nike đã thay đổi không gian thiết kế sáng tạo mang đến trải nghiệm thú vị cho NTD; khách hàng có thể tự thiết kế, tạo một đôi giày theo ý mình. Hay, cửa hàng Gucci tạo không gian giúp khách hàng trải nghiệm, cảm nhận phong cách thiết kế của GucciI, đặc biệt khách hàng có cảm giác ấm cúng như ở nhà mình.
“Ngành công nghiệp bán lẻ VN có một tương lai tươi sáng. Tôi dùng hai từ “công nghệ” và “sáng tạo” để nhấn mạnh nhà bán lẻ cần đổi mới để bắt kịp xu hướng bán lẻ tương lai”, bà Loan nhấn mạnh.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ VN:
Tỷ lệ của bán lẻ hiện đại trong thị trường bán lẻ hiện còn thấp, chưa đạt mức 30%/tổng thị trường bán lẻ. Vì vậy, không gian còn rất nhiều, mảnh đất tiềm năng hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong, ngoài nước phát triển kinh doanh theo chuỗi. Bên cạnh đó, mặt bằng là yếu tố đầu tiên và quan trọng khi phát triển chuỗi bán lẻ. VN có nhiều tiềm năng về mặt bằng để phát triển bán lẻ.
Tuy nhiên, phát triển chuỗi tại VN khác phát triển chuỗi trên thế giới, bên cạnh sự sáng tạo, nhà bán lẻ cần chú trọng tính khác biệt tâm lý mua sắm của NTD VN. Nhà bán lẻ Việt cần nhận thức rõ về thế mạnh của mình và có lợi thế nắm rõ tâm lý NTD VN và được NTD có thiện cảm. Song, thay vì hô hào “NTD là thượng đế, là trung tâm”, DN hãy tập trung vào nghiên cứu NTD cần gì, muốn gì và đáp ứng nhu cầu NTD tốt nhất.
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op:
Xu hướng tích hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp đang phát triển mạnh ở VN. Dù thống kê cho thấy số lượng mua sắm online tăng nhưng NTD VN vẫn có thói quen đến tận nơi để trực tiếp thấy SP thì mới quyết định mua. Nắm bắt xu hướng này, bên cạnh đa dạng hóa và hiện đại hóa các mô hình bán lẻ, Saigon Co.op sử dụng công cụ số digital, mở trang mạng xã hội riêng để tương tác với khách hàng. Đặc biệt, các siêu thị Co.opmart đang triển khai công cụ “Scan and Go” giúp khách hàng mua sắm nhanh chóng, tiện lợi. Theo đó, khách chỉ cần cầm máy scan nhỏ gọn để quét mã vạch những SP muốn mua, máy sẽ tự động cập nhật danh sách để nhân viên siêu thị chuẩn bị hàng hóa cho khách ngay tại quầy tình tiền, khách chỉ cần thanh toán nhanh gọn mà không phải mất công chọn hàng rồi cho vào xe đẩy như bình thường.
Bà Trần Thu Hiền – Phó tổng giám đốc kinh doanh & marketing Vincom Retail.
Chúng tôi có bộ phận khảo sát, phân tích dữ liệu để nắm bắt kịp thời nhu cầu của khách hàng; đồng thời bộ phận nghiên cứu đánh giá, linh hoạt cơ cấu các ngành hàng ở mỗi trung tâm thương mại. Tùy vào nhu cầu khách hàng, một số trung tâm dành nhiều diện tích cho dịch vụ ăn uống, giải trí và có những trung tâm ưu tiên thời trang, mỹ phẩm...Năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác và khách thuê tổ chức khoảng 3.000 sự kiện trên toàn hệ thống để thu hút khách hàng và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các nhãn hàng.
|
Nguyễn Cẩm